Thế giới hôm nay: 20/03/2023

Một số tin tức quốc tế đáng chú ý ngày  20/3/2023 trên tờ the Economist.

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Sau những ngày cuối tuần đàm phán căng thẳng, ngân hàng UBS đã đồng ý mua lại Credit Suisse trong một thỏa thuận 3 tỷ SFr (3,25 tỷ USD) do chính phủ Thụy Sĩ làm trung gian. Chủ tịch Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ, Alain Berset, cho biết thoả thuận này – vốn là vụ sáp nhập ngân hàng lớn nhất trong nhiều năm qua – là rất quan trọng để duy trì “sự ổn định của tài chính quốc tế.” Ngoài ra Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cũng sẽ cấp hạn mức thanh khoản 100 tỷ đô la cho UBS. Giới chức tin rằng mua lại là cách duy nhất để khôi phục niềm tin vào Credit Suisse, vốn phần nào bị ảnh hưởng từ vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank.

Tổng thống Vladimir Putin đã đến thăm Mariupol trong chuyến công du đầu tiên từ đầu chiến tranh tới các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng ở đông Ukraine. Ông đã đến một số quận xung quanh thành phố, vốn rơi vào tay Nga từ tháng 5 năm ngoái. Trước đó ông đã thăm Crimea để kỷ niệm 9 năm ngày Nga sáp nhập bán đảo từ Ukraine.

Cựu tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu sẽ thăm Trung Quốc vào cuối tháng này, văn phòng của ông cho biết. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Đài Loan, cả đương nhiệm lẫn mãn nhiệm, kể từ khi chính phủ Trung Hoa Dân Quốc chuyển đến hòn đảo này vào năm 1949 sau thất bại trong nội chiến. Ông Mã đến thăm Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Đài Loan và Trung Quốc.

Cử tri Montenegro, nước thành viên NATO có ý muốn gia nhập EU, đã đi bỏ phiếu bầu tổng thống mới. Người đương nhiệm thân phương Tây Milo Djukanovic đang chạy đua cho một nhiệm kỳ 5 năm nữa. Trong số các đối thủ của ông có Andrija Mandic, một người ủng hộ quan hệ gần gũi hơn với Nga và Serbia. Vòng hai sẽ được tổ chức vào ngày 2 tháng 4 nếu không có ứng viên nào giành được hơn 50% số phiếu bầu.

Chính phủ Taliban ra lệnh cho các quan chức Afghanistan sa thải bất cứ người thân nào mà họ đã bổ nhiệm, đồng thời cấm hành vi như vậy trong tương lai. Trước đây nhiều vị trí nhà nước phải được lấp đầy vì Taliban sa thải một loạt nhân viên cấp cao sau khi lên nắm quyền vào năm 2021. Kể từ đó Afghanistan chìm trong khủng hoảng kinh tế và nhân đạo, trong khi viện trợ nước ngoài hầu như bị cắt.

Ai Cập tổ chức đàm phán giữa các quan chức Palestine và Israel trong nỗ lực giảm bạo lực ở Bờ Tây trước tháng Ramadan của người Hồi giáo, sẽ bắt đầu từ thứ Tư. Một cuộc họp tương tự trước đây do Jordan tổ chức vào ngày 26 tháng 2 đã không ngăn được bao lực, vốn leo thang từ đầu năm.

Kosovo và Serbia đồng ý thực hiện một thỏa thuận do EU hậu thuẫn sẽ giúp khởi động tiến trình bình thường hóa quan hệ hai bên. Serbia chưa bao giờ công nhận nền độc lập của tỉnh cũ của họ, dù Kosovo tuyên bố độc lập từ năm 2008. Các tranh cãi gần đây về tình trạng của người Serbia ở Kosovo có nguy cơ dẫn đến xung đột mở. Josep Borrell, uỷ viên về chính sách đối ngoại của EU, nói thỏa thuận cung cấp một mức độ “tự quản cho các cộng đồng người Serbia” ở Kosovo.

TIÊU ĐIỂM

Tập Cận Bình thăm Nga

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến Moscow vào thứ Hai trong chuyến thăm Nga đầu tiên của ông kể từ khi chiến tranh Ukraine bùng nổ. Trung Quốc miêu tả chuyến đi ba ngày như một nỗ lực kiến tạo hoà bình, và nhấn mạnh kế hoạch “dàn xếp chính trị” do Trung Quốc đề xuất vào tháng trước. Ông Tập chắc chắn sẽ lặp lại lời kêu gọi tôn trọng chủ quyền và tránh sử dụng — hoặc đe dọa sử dụng — vũ khí hạt nhân. Để phản pháo lại phương Tây, ông dự kiến sẽ tổ chức đàm phán trực tuyến ngay sau đó với tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky.

Tuy nhiên, chuyến thăm vẫn thể hiện rõ tình đoàn kết của Trung Quốc với Putin, ngay sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành lệnh bắt giữ ông. Ông Tập chắn chắn sẽ không lên án cuộc xâm lược hay các hành động tội ác của quân Nga, và có thể sẽ cùng với Putin cáo buộc nguồn gốc cuộc chiến là do quá trình mở rộng của NATO. Ông gần như chắc chắn sẽ cung cấp cho Nga nhiều hỗ trợ phi quân sự hơn. Và các quan chức Mỹ lo ngại ông đang xem xét cung cấp vũ khí sát thương cho Nga – dù Trung Quốc phủ nhận.

Quốc hội Pháp sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ Macron

Thứ Hai này Quốc hội Pháp sẽ tiến hành hai phiên bỏ phiếu bất tín nhiệm, sau khi Emmanuel Macron bỏ qua quốc hội để thông qua việc tăng tuổi hưởng lương hưu tối thiểu từ 62 lên 64 vào hôm thứ Năm. Để việc bỏ phiếu bất tín nhiệm thành công, mỗi lần bỏ phiếu cần phải được đa số đại biểu trong quốc hội 577 thành viên ủng hộ. Nếu điều đó xảy ra, thủ tướng Elisabeth Borne và chính phủ của bà sẽ bị lật đổ, chưa đầy một năm sau khi nhậm chức.

Phe đối lập đông hơn, vì ông Macron không chiếm đa số trong quốc hội. Nhưng các đảng đối lập chia rẽ về vấn đề này, trong khi một số đại biểu từ đảng Cộng hòa trung hữu đang do dự. Hầu hết người Pháp không ủng hộ cải cách, và nhiều người gọi hành động của ông Macron là phản dân chủ. Các công đoàn đã kêu gọi đình công toàn quốc vào ngày 23 tháng 3. Hiện biểu tình phản đối ở một số thành phố đang trở nên đặc biệt tồi tệ. Số phận của chính phủ Macron đang treo lơ lửng.

Quy mô của thị trường game ngày càng lớn

Hội nghị Các Nhà Phát triển Trò chơi đầu tiên vào năm 1988 chỉ thu hút có 25 người tham gia và diễn ra trong phòng khách của một lập trình viên ở California. Song quy mô của hội nghị năm nay, bắt đầu vào thứ Hai tại một trung tâm triển lãm khổng lồ ở San Francisco, cho thấy ngành công nghiệp này đã phát triển như thế nào. Cả thế giới có khoảng 3,2 tỷ người chơi game, phần lớn nhờ vào sự phổ biến của điện thoại thông minh, với tỉ lệ game thủ là ngang nhau giữa hai giới. Chơi game cũng thu hút mọi lứa tuổi. Ví dụ, một nửa số người ở Anh trong độ tuổi 55-64 có chơi game, dù ít hơn so với người trẻ. Toàn thế giới hiện có nhiều người sở hữu console chơi game ở độ tuổi 35-44 hơn là 16-24.

Tất cả điều này đồng nghĩa thị trường lớn hơn. Người tiêu dùng sẽ chi 185 tỷ đô la cho các trò chơi trong năm nay, với hơn một nửa là cho các game trên máy di động. Con số này gấp khoảng năm lần giá trị của các rạp chiếu phim và gấp hai phần ba doanh thu phát video trực tuyến. Khi game tiếp tục phát triển, nó bắt đầu cạnh tranh với truyền hình để trở thành phương tiện giải trí phổ biến nhất trên thế giới.

EU họp bàn cách viện trợ thêm đạn pháo cho Ukraine

Dù Ukraine đang bắn ít đạn pháo hơn so với quân Nga, các đồng minh phương Tây vẫn không kịp sản xuất để cung cấp cho họ. Do đó, một cuộc họp của các ngoại trưởng EU vào thứ Hai có thể sẽ thông qua một kế hoạch bước ngoặt để cùng mua đạn pháo 155mm. Sáng kiến do Estonia đề xuất sẽ cho phép EU đặt hàng số lượng lớn, khuyến khích các nhà thầu quốc phòng của châu Âu đầu tư vào năng lực sản xuất bổ sung.

Nhưng sản lượng không thể tăng ngay lập tức. Vì vậy, uỷ viên đối ngoại Josep Borrell muốn dành 1 tỷ euro (1,1 tỷ đô la) cho Quỹ Hòa bình Châu Âu để hoàn trả các chính phủ tình nguyện gửi đạn dược cho Ukraine từ kho dự trữ của chính họ. Tài liệu dự thảo của EU cho thấy các nước có thể được hoàn tới 90% chi phí đạn dược. Và tỉ lệ sẽ tăng theo mức độ trợ giúp họ dành cho Ukraine.

Theo Nghiên cứu Quốc tế