Thế giới hôm nay: 28/06/2022

Một số tin tức quốc tế đáng chú ý ngày  28/6/2022 trên tờ the Economist.

Nguồn: The Economist Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

NATO sẽ tăng số binh lính đặt trong tình trạng “cảnh giác cao độ” từ 40.000 lên 300.000 để củng cố an ninh cho các nước Baltic ở sườn phía đông của liên minh. Tổng thư ký Jens Stoltenberg cam kết Nga sẽ không thể chiếm được thủ đô Tallinn của Estonia nếu đổ quân xâm lược. Động thái này đến sau phát biểu hồi tuần trước của thủ tướng Estonia Kaja Kallas rằng một cuộc xâm lược của Nga sẽ “xóa sổ [các nước Baltic] khỏi bản đồ”.

Nga bắn tên lửa vào một trung tâm mua sắm có hơn 1.000 người bên trong ở thành phố Kremenchuk miền trung Ukraine. Ít nhất mười người đã được xác nhận thiệt mạng; tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói “không thể tưởng tượng được số lượng nạn nhân.” Thành phố này cũng là nơi đặt nhà máy lọc dầu lớn nhất của Ukraine.

Tòa án Tối cao Mỹ phán quyết rằng việc một cựu huấn luyện viên bóng bầu dục trung học cầu nguyện trên sân là quyền tự do ngôn luận được bảo vệ theo hiến pháp, đánh dấu một chiến thắng nữa cho quyền bày tỏ niềm tin tôn giáo của các nhân viên chính phủ. Được biết, lãnh đạo trường công lập ở bang Washington đã sa thải Joseph Kennedy vì ông quỳ trên sân cầu nguyện sau các trận đấu. Ba thẩm phán theo khuynh hướng tự do phản đối. Họ cho rằng phán quyết của tòa làm xói mòn lằn ranh tách biệt nhà thờ và nhà nước.

Trong vụ án hình sự đầu tiên ở Thụy Sĩ chống lại một ngân hàng của nước này, Credit Suisse đã bị kết tội không ngăn chặn hành vi rửa tiền của một băng nhóm buôn bán ma túy người Bulgaria. Các thẩm phán nói những thiếu sót của ngân hàng đã cho phép băng nhóm này gửi đi hàng triệu euro, bất chấp việc tổ chức này có liên quan đến các vụ ám sát và thường chuyển tiền mặt trong vali. Đây là phán quyết bước ngoặt cho ngành ngân hàng vốn có rất ít quy định của Thụy Sĩ.

Một thẩm phán ở Louisiana đã tạm thời chặn “luật kích hoạt” của bang này, qua đó cho phép các phòng khám phá thai tiếp tục được hoạt động, ít nhất là cho đến phiên điều trần vào tháng 7. Trong khi đó luật sư quận New Orleans cũng cho biết nếu luật có hiệu lực, ông sẽ không truy tố các phụ nữ tìm cách phá thai hoặc bác sĩ cung cấp dịch vụ cho họ. Louisiana là một trong 13 tiểu bang có luật kích hoạt một khi Tòa án Tối cao lật phán quyết Roe v Wade.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thúc giục các lãnh đạo G7 hiện đang họp tại Đức trình “cơ bắp” của họ ra cho Vladimir Putin thấy, dường như là cách nói để chế nhạo xu hướng thích chụp ảnh cởi trần của tổng thống Nga. Trước đó, các lãnh đạo G7 đã thảo luận về kế hoạch áp giá trần cho dầu của Nga. Đề xuất này được coi là một cách siết chặt nguồn tiền của Điện Kremlin và giảm áp lực lạm phát trên toàn thế giới. Các nhà lãnh đạo G7 cũng công bố kế hoạch xây dựng quỹ cơ sở hạ tầng toàn cầu trị giá 600 tỷ đô la để đáp trả Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở các nước đang phát triển.

Quân đội Sri Lanka bắt đầu phân phát thẻ nhiên liệu trong bối cảnh nước này bị thiếu năng lượng trầm trọng. Hiện trong kho của chính phủ còn 9.000 tấn dầu diesel và 6.000 tấn xăng, nhưng dự kiến ​​sẽ không có lô hàng mới nào. Các nhân viên chính phủ được yêu cầu làm việc tại nhà, trong khi nhiều trường học phải đóng cửa.

Con số trong ngày: 19,1 triệu người, là ước tính khiêm tốn cho số người được cứu sống nhờ vắc-xin covid-19 trong năm đầu tiên triển khai.

TIÊU ĐIỂM

NATO họp thượng đỉnh

Các lãnh đạo NATO sẽ họp tại Madrid vào thứ Ba cho một hội nghị thượng đỉnh “bước ngoặt.” Họ sẽ bàn luận về “cuộc đại tu lớn nhất khả năng răn đe và phòng thủ tập thể của chúng ta kể từ sau Chiến tranh Lạnh,” theo lời Tổng thư ký Jens Stoltenberg.

“Khái niệm chiến lược” mới của NATO xác định Nga là mối đe dọa lớn nhất. Các lãnh đạo sẽ củng cố lực lượng của liên minh bằng cách nhanh chóng chi 2% GDP cho quốc phòng (mục tiêu tối thiểu của NATO), tăng cường lực lượng ở sườn phía đông (một số nhóm chiến đấu đa quốc gia, đặc biệt ở Ba Lan và các nước Baltic, sẽ được mở rộng), chủ động trang bị và tăng cường lực lượng ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Họ cũng sẽ phải tìm cách thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ cho Thụy Điển và Phần Lan gia nhập.

Và khi NATO tìm cách gia tăng sức ép lên Nga cũng như hỗ trợ Ukraine, thì các lãnh đạo Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc sẽ có mặt để nhắc họ rằng đừng quên Trung Quốc. Chính Trung Quốc đã từng nói tình bạn của họ với Nga là “không có giới hạn.”

Ấn Độ họp bàn mô hình thuế liên bang

Năm năm đã trôi qua kể từ khi Ấn Độ công bố thuế hàng hóa và dịch vụ (GST), vốn hợp nhất 28 bang của nước này thành một thị trường duy nhất. Đảng Bharatiya Janata cầm quyền luôn coi đây là một ví dụ của “chủ nghĩa liên bang hợp tác.” Nhưng khái niệm này sẽ bị thử thách vào thứ Ba và thứ Tư khi các bộ trưởng tài chính bang và bộ trưởng tài chính liên bang họp tại Hội đồng GST.

Kể từ khi thực hiện GST, chính phủ liên bang do BJP lãnh đạo đã bồi thường cho các bang để đổi lấy chấp nhận từ bỏ quyền thu thuế. Nhưng cơ chế đó sẽ hết hạn vào thứ Năm, và các bang có vị thế tài chính bấp bênh muốn được gia hạn. Nhưng làm vậy tạo áp lực cho ngân sách liên bang. Và mâu thuẫn còn nghiêm trọng hơn ở những bang do các đảng đối lập lãnh đạo. Ít nhất hội đồng cũng nên thống nhất về câu hỏi có nên tăng thuế hay không. Với tình hình lạm phát hiện tại, dĩ nhiên không bộ trưởng nào muốn tăng giá để chọc giận cử tri.

Quốc hội mới của Pháp họp phiên đầu tiên

Các đại biểu mới được bầu của Quốc hội Pháp sẽ họp phiên đầu vào thứ Ba, chỉ hơn một tuần sau khi Emmanuel Macron mất thế đa số. Liên minh trung dung của tổng thống Pháp, Ensemble, vẫn là nhóm lớn nhất trong Quốc hội. Do đó ứng viên cho vị trí chủ tịch quốc hội của họ, Yaël Braun-Pivet, chắc chắn sẽ được bầu, qua đó trở thành nữ chủ tịch quốc hội đầu tiên trong lịch sử.

Ông Macron đã đề nghị bà Elisabeth Borne, đương kim thủ tướng, thành lập chính phủ mới vào đầu tháng 7. Ông đã loại trừ khả năng hợp tác với Mặt trận Quốc gia cực hữu của Marine Le Pen hay đảng La France Insoumise (tạm dịch: Nước Pháp Bất khuất) cực tả của Jean-Luc Mélenchon, bên đã thắng lớn trong cuộc bầu cử, nhưng để ngỏ khả năng bắt tay với các đảng cánh tả khác. Giờ đây triển vọng hình thành một liên minh chính thức là gần như không thể. Vì vậy ông Macron sẽ phải cố gắng giành sự ủng hộ tạm thời cho từng dự luật một. Do thiếu 44 ghế để đạt đa số, đây sẽ là thử thách khó khăn đối với ông.

Theo Nghiên cứu Quốc tế