Tình hình Afghanistan: Khi cam kết của SCO chỉ là lời hứa suông

Báo The Indian Express ngày 14/9 đăng bài viết của chuyên gia chính trị quốc tế C. Raja Mohan nhận định về vai trò của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) trong việc giúp ổn định Afghanistan.

 

Tình hình Afghanistan: Vai trò của SCO
Hội nghị thượng đỉnh SCO lần thứ 21 sẽ diễn ra tại Dushanbe ngày 17/9 dưới sự chủ trì của Tổng thốngTajikistan Emomali Rahmon. (Nguồn: Getty)

Nhìn bề ngoài, Hội nghị thượng đỉnh SCO diễn ra vào ngày 17/9 tại thủ đô Dushanbe của Tajikistan nhằm mục đích giúp ổn định tình hình ở Afghanistan sau khi Mỹ rút khỏi nước này và Taliban trở lại nắm quyền.

Tuy nhiên, việc này xem ra bất khả thi.

Theo TS. Raja Mohan - hiện là Giám đốc Viện Nghiên cứu Nam Á (Đại học Quốc gia Singapore), vai trò của SCO ở khu vực Trung Á rất mờ nhạt. SCO hoạt động kém hiệu quả so với các tổ chức khu vực tương tự ở Đông Á và châu Âu.

SCO là một tổ chức an ninh chung liên chính phủ được thành lập chỉ vài tuần trước khi xảy ra vụ khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ. 8 quốc gia thành viên là Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, Ấn Độ và Pakistan.

Nhọc nhằn thể chế hóa

Hai thập niên sau khi ra đời, cam kết về thể chế của SCO vẫn chỉ là... một lời hứa. Nhìn từ tiểu lục địa, SCO chắc chắn có vẻ khá hơn Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC). Việc Ấn Độ và Pakistan - hai quốc gia có nhiều mâu thuẫn gây trở ngại cho các cuộc họp thường xuyên của SAARC - đang tích cực tham gia SCO cho thấy sức hấp dẫn của SCO (trong khi SAARC lại ít được kỳ vọng).

Trong bối cảnh đó, cuộc khủng hoảng ở Afghanistan là cơ hội lớn để SCO hiện thực hóa tham vọng trong khu vực. Tầm quan trọng của SCO đối với Afghanistan dường như hiển nhiên khi nhìn vào các nhà tài trợ và thành viên của khối.

Các lãnh đạo sáng lập của SCO là hai cường quốc phương Đông - Nga và Trung Quốc. Các thành viên ban đầu khác gồm Uzbekistan, Tajikistan, Kyrgyzstan và Kazakhstan - những quốc gia láng giềng phía Bắc và Đông Bắc của Afghanistan.

Ấn Độ và Pakistan chính thức trở thành thành viên đầy đủ vào năm 2017.

Ngoài Afghanistan, Iran, Belarus và Mông Cổ là những quan sát viên, Iran được cho là đang trên đà trở thành thành viên đầy đủ.

SCO có một số đối tác đối thoại gồm Armenia và Azerbaijan thuộc vùng Caucasus lân cận và Thổ Nhĩ Kỳ xa hơn về phía Tây. Nepal và Sri Lanka đến từ tiểu lục địa Ấn Độ và Campuchia từ Đông Nam Á cũng là các đối tác đối thoại.

Đối với một tổ chức mang tên Thượng Hải, nhưng các quốc gia thành viên lại tập trung ở Trung Á, SCO có vẻ khác biệt. Danh sách đối tác đối thoại tiềm năng của SCO còn có Ai Cập, Qatar và Saudi Arabia.

Sự đa dạng này sẽ ảnh hưởng đến tính liên kết, vốn là một đặc điểm chính của các thể chế khu vực. Khi mở rộng thành viên, chắc chắn SCO đã phải vật lộn để tăng cường hợp tác thể chế.

TS. Raja Mohan nhắc đến Turkmenistan - quốc gia quan trọng vắng mặt trong SCO. Nước cộng hòa Trung Á này có đường biên giới dài 800 km với Afghanistan và 1.150 km với Iran.

Lập trường nguyên tắc của ban lãnh đạo Turkmenistan là tuyệt đối “trung lập” - nói một cách khác, đó là một hình thức cực đoan của “không liên kết”. Turkmenistan từ chối tham gia bất kỳ thể chế khu vực, chính trị hoặc quân sự nào.

Lợi ích không song trùng

Nỗ lực của Nga trong việc xây dựng một thể chế khu vực ở Trung Á - nơi từng được xem là “sân sau” của Nga - diễn ra song song với các kế hoạch của Moscow về cái gọi là “tam giác chiến lược” với Trung Quốc và Ấn Độ.

Diễn đàn chiến lược Nga-Ấn-Trung, phát triển thành BRICS, nhằm xóa bỏ ở cấp độ toàn cầu thời kỳ trật tự “đơn cực” của Mỹ sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Trong khi đó, SCO là nhằm hạn chế phạm vi tiếp cận của Mỹ ở Trung Á.

Tiền thân của SCO là “nhóm Thượng Hải” gồm 5 quốc gia Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan, trong đó 3 nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây có chung đường biên giới dài với Trung Quốc.

Mục đích của Nhóm Thượng Hải là ổn định đường biên giới này cũng như dựa vào lợi ích chung giữa Trung Quốc và Nga để ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ vào “sân sau” Trung Á của họ.

Moscow và Bắc Kinh cũng không thoải mái trước sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Afghanistan và tác động đối với Trung Á. Việc quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan khiến cả Moscow và Bắc Kinh vui mừng, mặc dù cả hai đều công khai chỉ trích sự rút lui vội vàng của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Liệu sự rút lui của Mỹ có làm suy yếu chất keo gắn kết Moscow và Bắc Kinh ở Trung Á hay sẽ thắt chặt nó hơn?

Nga-Trung đang xích lại gần nhau hơn bao giờ hết, nhưng lợi ích của hai nước này ở Trung Á không hoàn toàn giống nhau.

Mặc dù các biện pháp xây dựng lòng tin quân sự ngày càng phát triển dưới ngọn cờ SCO, Nga đã có tổ chức an ninh riêng cho khu vực, được gọi là Tổ chức Hiệp ước an ninh trung tâm (CSTO), gồm 3 thành viên của SCO là Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan, cùng với Armenia và Belarus.

Nga coi mình là “chiếc ô an ninh” duy nhất cho các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và có lẽ không sẵn sàng chia sẻ vai trò này với Trung Quốc – nếu có thì chỉ là hợp tác chứ không phải một cơ chế an ninh Trung-Nga.

Moscow cũng tỏ ra miễn cưỡng ủng hộ các đề xuất của Trung Quốc về thúc đẩy hội nhập thương mại dưới ngọn cờ SCO. Nga ưu tiên cho Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) dưới sự lãnh đạo của chính họ hơn.

Trung Quốc không phải là thành viên của CSTO hoặc EAEU. Theo TS. Raja Mohan, đây là một trong những lý do giải thích cho sự yếu kém của chủ nghĩa khu vực SCO.

Tình hình Afghanistan: Vai trò của SCO
Năm ngoái, các nhà lãnh đạo SCO họp thượng đỉnh theo hình thức trực tuyến vào ngày 10/11. (Ảnh chụp màn hình)

Những toan tính riêng

Các quốc gia thành viên Trung Á của SCO có những xung đột riêng và đã khó khăn để phát triển các phương pháp tiếp cận tập thể đối với các thách thức an ninh khu vực chung của họ. Do đó, không ngạc nhiên khi họ không ủng hộ Taliban.

Turkmenistan, không thuộc SCO, đã khá cởi mở trong việc tiếp xúc với Taliban dựa trên nguyên tắc trung lập. Một số nhà phân tích Nga coi Turkmenistan là mắt xích yếu tiềm tàng trong việc đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng từ Taliban trong khu vực.

Uzbekistan dường như thận trọng hơn trong việc tiếp xúc với Taliban. Nhưng Tajikistan - có mối quan hệ sắc tộc với người Tajik ở Afghanistan và có biên giới giáp thung lũng Panjshir - đã chỉ trích mạnh mẽ sự phát triển của Kabul dưới thời Taliban.

Iran, quốc gia có mối liên hệ sắc tộc và ngôn ngữ với người Tajik, cũng tỏ ra lo ngại về các chính sách của Taliban đối với người thiểu số.

Giống như Moscow và Bắc Kinh, Tehran rất vui khi thấy người Mỹ rời khỏi Afghanistan và có vẻ hy vọng về một sự can dự tích cực với Taliban. Nhưng giờ đây, hy vọng đó có thể đã bị dập tắt.

Về phần Ấn Độ và Pakistan, không cần phải nói rằng đây là 2 cực đối lập liên quan đến Taliban.

Với sự khác biệt này, khó có khả năng SCO sẽ tìm ra một “giải pháp khu vực” cho cuộc khủng hoảng ở Afghanistan. TS. Raja Mohan cho rằng, sự hội tụ thực sự duy nhất của Afghanistan hiện nay là giữa Pakistan và Trung Quốc và "bộ đôi" này có thể thúc đẩy SCO tham gia tích cực với Taliban.

Nhìn tổng thể, SCO không phải là một tổ chức khu vực ấn tượng, song vẫn là một diễn đàn ngoại giao quan trọng. New Delhi đã tìm cách tận dụng tối đa các khả năng ngoại giao của SCO mà không ảo tưởng về hiệu quả của nó.

Tại Hội nghị thượng đỉnh SCO tuần này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ nhắc nhở các nhà lãnh đạo khác về “3 con quỷ" (tam tà) mà SCO đang nỗ lực giải quyết: chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa ly khai.

Mặc dù Ấn Độ cần phải đóng góp vào nỗ lực chung của SCO để buộc Taliban và Pakistan thực hiện lời hứa của họ, nhưng sẽ rất khó để đặt cược vào thành công.

Chuyên gia Raja Mohan nhận định, New Delhi nên tiếp tục tập trung tìm kiếm điểm chung với những thành viên của SCO, những quốc gia có chung lợi ích với Ấn Độ ở Afghanistan.

HỒNG PHÚC

Nguồn: TGVN