Trung Quốc sẽ thay đổi chính sách 'không can thiệp' sau bất ổn tại Kazakhstan?

Bắc Kinh đang báo hiệu một cách tiếp cận can thiệp nhiều hơn để đề phòng mối đe dọa "phá hoại từ bên ngoài" ở Trung Á.

 

Theo bình luận của nhà báo Salman Rafi Sheikh trên trang Thời báo châu Á (Asia Times) ngày 17/1, với việc Trung Quốc gần đây đề nghị hỗ trợ an ninh chính trị và kinh tế cho Kazakhstan chống lại “các thế lực bên ngoài”, Bắc Kinh dường như không thể duy trì chính sách không can thiệp vào các quốc gia dọc theo Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) mà nước này đang thúc đẩy.

Chú thích ảnh
Binh sĩ được triển khai trong cuộc bạo loạn ở Kazakhstan ngày 7/1/2022. Ảnh: Reuters

Các cuộc biểu tình và bạo lực gần đây ở Kazakhstan về giá nhiên liệu tăng đã biến một trong những nước láng giềng khác của Trung Quốc trở thành một mớ hỗn loạn, đe dọa sự bất ổn trong khu vực rộng lớn hơn.

Hàng trăm người đã thiệt mạng trước khi nhà lãnh đạo Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev kêu gọi sự giúp đỡ từ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu để giúp ổn định tình hình. Mặc dù Bắc Kinh không trực tiếp tham gia vào việc triển khai CSTO, nhưng có thể thấy rõ ràng là họ "không thể ngồi một bên xem cuộc cách mạng màu nguy cơ diễn ra ở một quốc gia láng giềng".

Tuy nhiên, động cơ thúc đẩy của Bắc Kinh không chỉ do sự gần gũi về địa lý của Kazakhstan, mà nước này có ý nghĩa kinh tế quan trọng đối với Trung Quốc. Kazakhstan là nơi trung chuyển ít nhất 20% lượng khí đốt tự nhiên của Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào Kazakhstan trong các lĩnh vực từ kỹ thuật hóa học, nông nghiệp đến cơ sở hạ tầng. Trung Quốc cũng là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Kazakhstan. Năm 2020, thương mại song phương trị giá hơn 20 tỷ USD, trong đó Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa trị giá 12,59 tỷ USD đến Kazakhstan trong khi nhập khẩu 10,35 tỷ USD.

Với đường biên giới dài 1.770 km giáp khu vực Tân Cương và có vị trí chiến lược giữa Trung Quốc và phương Tây, Kazakhstan là một cầu nối quan trọng cho tham vọng vươn tới châu Âu của BRI. Điều đó khiến Kazakhstan có vai trò đặc biệt gắn với các lợi ích địa chính trị của Trung Quốc, và do đó tình trạng bất ổn ở nước này nhanh chóng khiến Bắc Kinh phải hành động. Khi bạo loạn bùng phát, Trung Quốc cho biết muốn hỗ trợ Kazakhstan chống lại “sự phá hoại từ bên ngoài” thông qua việc tăng cường hợp tác “thực thi pháp luật và an ninh” ngay lập tức. Trao đổi quân sự giữa Trung Quốc và Kazakhstan bắt đầu từ năm 1993 và trong những năm qua chủ yếu tập trung vào chống khủng bố, trong đó có thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

Trong cuộc điện đàm gần đây với người đồng cấp Kazakhstan, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh “các thế lực bên ngoài” đang tìm cách làm bất ổn trong khu vực, nêu rõ Trung Quốc sẵn sàng “cùng chống lại sự can thiệp và xâm nhập của bất kỳ thế lực bên ngoài nào”.

Trong cuộc điện đàm trước đó giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Kazakhstan Tokayev, nhà lãnh đạo Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ và tất cả các nỗ lực nhằm tạo ra một "cuộc cách mạng màu" - một thuật ngữ mà cả Trung Quốc và Nga thường dùng để chỉ những gì họ coi là phương Tây - đặc biệt là các cuộc nổi dậy do Mỹ tài trợ nhằm mục đích bí mật dựng lên các chính phủ thân phương Tây.

Một số chuyên gia đã chỉ ra “cuộc cách mạng màu” ở Kazakhstan có khả năng gây bất ổn ở khu vực Tân Cương đang phức tạp của Trung Quốc bằng cách cho phép lực lượng ly khai dân tộc Duy Ngô Nhĩ thâm nhập và mở rộng các hoạt động. Các chiến binh Hồi giáo (IS), Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan (ETIM) và một loạt các lực lượng thánh chiến xuyên quốc gia khác hiện có mặt ở Afghanistan đang tìm cách mở rộng cuộc thánh chiến của họ sang Trung Á.

Một bài xã luận đăng trên tờ Hoàn cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, gần đây đã lập luận ủng hộ vai trò tích cực của Trung Quốc trong việc quản lý ổn định khu vực và bảo vệ lợi ích kinh tế của nước này ở Trung Á. Hoàn cầu Thời báo cho rằng “điều quan trọng là Trung Quốc không chỉ cung cấp cho Kazakhstan sự hỗ trợ cần thiết để giúp nước này khôi phục trật tự mà còn tận dụng cơ hội này để tích cực điều phối các vấn đề an ninh và ổn định với các nước láng giềng”.

Theo nhà báo Salman Rafi Sheikh, vấn đề trên, được nêu ra cả chính thức và thông qua phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, báo hiệu sự chuyển hướng từ không can thiệp sang can thiệp công khai hơn. Chính sách không can thiệp cho đến nay vẫn là trụ cột trong quan hệ quốc tế của Trung Quốc thời hậu Mao Trạch Đông.

Cho dù Trung Quốc từ bỏ chính sách không can thiệp, cuộc khủng hoảng Kazakhstan cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng tích cực hỗ trợ các đồng minh của mình chống lại “những can thiệp từ bên ngoài”.

Sự thay đổi rõ ràng này không chỉ được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh ngày càng tăng với Mỹ, điều mà Bắc Kinh cho rằng đang muốn gây rắc rối ở ngoại vi của họ, mà còn bởi BRI, vốn đã phát triển từ một liên doanh kinh tế và thương mại thuần túy sang cả lĩnh vực quân sự để bảo vệ các lợi ích địa chính trị quan trọng dọc theo BRI. Với việc BRI mở rộng sang châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh và vùng Caribe, điều đó đang dần diễn ra trên toàn thế giới. Trong khi Bắc Kinh đã có căn cứ quân sự ở Djibouti, các quan chức Mỹ gần đây tuyên bố rằng Trung Quốc cũng đang tìm cách xây dựng một căn cứ quân sự khác trên bờ biển Đại Tây Dương của châu Phi ở Guinea Xích đạo giàu dầu mỏ, nơi nước này là nhà tài trợ lớn.

Nhưng khi Bắc Kinh cảm nhận được “các thế lực bên ngoài” đang kích động gây mất ổn định các khu vực dọc theo biên giới của họ gần Tân Cương, nơi mà bốn trong số bảy tuyến đường của Con đường Tơ lụa sẽ đi qua, bước tiếp theo sau khi từ bỏ chính sách không can thiệp rất có thể được khởi động trên thực địa ở Trung Á.

Công Thuận/Báo Tin tức (theo Asiatimes)