Truyền thông Italy quan tâm chuyến thăm châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

 Các bài viết tập trung nhấn mạnh kết quả hợp tác tích cực đạt được giữa Việt Nam với các nước châu Âu, nhất là về thương mại và đầu tư, đồng thời nêu bật những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong vấn đề đảm bảo quyền con người.

Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến châu Âu từ ngày 26-30/6 vừa qua đã nhận được nhiều quan tâm của truyền thông tại Italy.

Các bài viết tập trung nhấn mạnh kết quả hợp tác tích cực đạt được giữa Việt Nam với các nước châu Âu, nhất là về thương mại và đầu tư, đồng thời nêu bật những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong vấn đề đảm bảo quyền con người.

Bài viết “Việt Nam tăng cường thương mại, đầu tư với Italy và châu Âu” trên báo La Citta Futura khẳng định chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với các nước châu Âu.

Qua khái quát tiến bộ vượt bậc về thương mại hai chiều, bài báo nhấn mạnh Việt Nam đang triển khai hiệu quả các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) và với Vương quốc Anh (UKFTA).

Đến nay, các mặt hàng nông sản chủ chốt của Việt Nam như hạt tiêu, hạt điều, rau, quả, cà phê, chè và cao su đều được hưởng mức thuế suất ưu đãi tại thị trường EU.

Đồng thời, EU là một trong 5 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với nhu cầu nhập khẩu hằng năm lên đến 50 tỷ USD. Bài báo còn nêu bật vị trí của Việt Nam là đối tác hàng đầu của Italy ở Đông Nam Á, cầu nối hiệu quả cho EU nói chung và Italy nói riêng với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trích dẫn nội dung cuộc điện đàm ngày 22/4/2022 giữa Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính với Thủ tướng Italy Mario Draghi, bài báo nhấn mạnh cam kết của Chính phủ Italy thúc đẩy Quốc hội nước này sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Italy mong muốn mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Trong khi đó, nhật báo Marx21 có bài viết với tiêu đề “Tuyên bố của Việt Nam tại châu Âu về việc gia nhập Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ)”.

Bài viết nhấn mạnh với việc lần thứ hai được đề cử tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam đang cho thấy đường lối đúng đắn trong các chính sách về phát triển quyền con người, lấy con người làm trung tâm.

Một trong những điểm sáng của Việt Nam được quốc tế ghi nhận là thành tựu về xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Trong vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, Việt Nam đã tham gia đầy đủ, có trách nhiệm vào các hoạt động và chương trình của hội đồng.

Cũng tại diễn đàn này, Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định rõ thông điệp về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đóng góp nhiều sáng kiến nhằm giúp xử lý các vấn đề nhân quyền toàn cầu.

Việc Việt Nam được các nước ASEAN nhất trí lựa chọn làm ứng cử viên của khu vực Đông Nam Á tham gia Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 thể hiện sự tin cậy và thống nhất cao của ASEAN đối với Việt Nam trên lĩnh vực này.

TRƯỜNG DUY/Theo Baoquocte.vn