Ai sẽ ngăn bạo lực ở Trung Đông?

Các vụ bạo lực, xung đột đẫm máu giữa Palestine và Israel những tuần qua đã gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh tới lúc cần quan tâm trở lại đối với vấn đề suốt nhiều chục năm qua là “ngòi nổ” âm ỉ đe dọa hòa bình khu vực và thế giới.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến sẽ họp lần thứ ba về những diễn biến bạo lực xảy ra tại Đông Jerusalem, tâm điểm của cuộc xung đột Trung Đông gần đây với rất ít triển vọng tháo gỡ được “nút thắt” này. Trước cuộc xung đột dai dẳng, cộng đồng quốc tế một lần nữa đang loay hoay kiếm tìm những giải pháp, mà thực ra đã có từ lâu nhưng không được tôn trọng và gần như rơi vào quên lãng. Đó là giải pháp hai nhà nước Palestine, Israel cùng tồn tại, tuân thủ luật pháp quốc tế và các thỏa thuận liên quan tới vấn đề Đông Jerusalem, theo đó công nhận các quyền hợp pháp của người Palestine đối với vùng lãnh thổ này. 

Cuộc xung đột bạo lực ở Đông Jerusalem có thời cơ lại bùng phát là bằng chứng cho thấy luật pháp quốc tế đã không được tôn trọng ở một trong những vùng lãnh thổ tranh chấp gay gắt nhất thế giới này. Đó là hệ quả của những mâu thuẫn mang tính lịch sử: Israel đã đơn phương tuyên bố Jerusalem là thủ đô từ năm 1967, trong khi Palestine có khát vọng thành lập nhà nước Palestine với thủ đô là Đông Jerusalem. Nhất là từ sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới đây, Jerusalem đã bị biến thành “bom hẹn giờ” có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. 

Ai sẽ ngăn bạo lực ở Trung Đông?
 Người biểu tình Palestine xung đột với cảnh sát Israel tại khu đền thờ Al-Aqsa ở Jerusalem ngày 10-5-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Diễn biến bạo lực lần này không có gì khác biệt so với những lần trước đã xảy ra tại Đông Jerusalem. Quy mô của cuộc xung đột mới nhất còn gây quan ngại lặp lại kịch bản xung đột 50 ngày hồi năm 2014 ở khu vực. Các hành vi như trục xuất người Palestine khỏi Đông Jerusalem nhằm lấy chỗ xây dựng khu định cư Do Thái, ngăn cản hoạt động tôn giáo của người Hồi giáo Palestine ở vùng thánh địa linh thiêng của Israel, cộng với chính sách phân biệt đối xử với người Palestine càng thổi bùng cơn thịnh nộ đã sẵn âm ỉ từ lâu.

Bạo lực bùng phát ở thời điểm nhạy cảm tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo và tại địa điểm nhạy cảm Đông Jerusalem-thánh địa linh thiêng của người Do Thái, Cơ đốc giáo và Hồi giáo nên ngày càng diễn biến phức tạp. Những cuộc đụng độ giữa người biểu tình Palestine và lực lượng an ninh Israel trong buổi cầu nguyện của người Hồi giáo Palestine ở Đông Jerusalem đã nhanh chóng biến thành các cuộc đụng độ quân sự nghiêm trọng giữa hai bên. Lực lượng vũ trang Hamas đã nã những “cơn mưa” rocket về phía Israel và Israel đáp trả bằng các cuộc không kích vào hàng trăm mục tiêu ở dải Gaza. Cuộc đọ súng không chỉ gây ra những thương vong và tổn hại đáng tiếc mà còn đe dọa leo thang thành một “cuộc chiến toàn diện” kéo theo những hệ lụy khó lường. Israel đã sẵn sàng cho các động thái quân sự mạnh mẽ hơn khi điều nhiều xe tăng, các phương tiện quân sự tập trung dọc biên giới với Gaza. Lực lượng Hamas cũng chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ buông súng.

Lịch sử xung đột Trung Đông cho thấy các cuộc đụng độ ở Jerusalem và đặc biệt là ở ngôi đền linh thiêng Al-Aqsa thường gây chấn động toàn khu vực. Hamas không chỉ dừng lại ở các cuộc nã rocket mà còn kêu gọi tiến hành một cuộc nổi dậy mới (Intifada) giống như cuộc nổi dậy được châm ngòi bởi chuyến thăm của một chính trị gia Israel tới ngôi đền hồi năm 2000. Người Palestine coi việc người Do Thái đến thăm và cầu nguyện ở đây là sự khiêu khích và thường dẫn đến các cuộc ẩu đả hoặc bạo lực nghiêm trọng hơn. Điều nguy hiểm là ở khu vực này không thiếu các lực lượng ủng hộ cho những hành vi bạo lực của Hamas chống lại người Israel. Chưa kể những lực lượng luôn cảm tình và ủng hộ phong trào đấu tranh của người Palestine ở các nước láng giềng. 

Và lịch sử cũng cho thấy, bạo lực không bao giờ là giải pháp cho các mâu thuẫn liên quan tới tôn giáo, lãnh thổ, chính trị và nhất là sự ngự trị của chủ nghĩa dân tộc ở vùng thánh địa. Đó là vấn đề Đông Jerusalem, quyền hồi hương của người tị nạn Palestine hay biên giới lãnh thổ giữa Palestine và Israel-những “nút thắt” ngáng trở tiến trình hòa bình khu vực. Vòng luẩn quẩn của bạo lực chỉ càng chất cao thêm ngọn lửa hận thù giữa hai bên, các mâu thuẫn càng lâm vào bế tắc và đóng lại cánh cửa đàm phán hòa bình.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Palestine và Israel, các nước cũng chưa làm được gì hơn ngoài việc lên tiếng kêu gọi chấm dứt bạo lực nhằm ngăn chặn nguy cơ leo thang thành cuộc chiến. Nhưng tiếng nói được trông đợi nhiều nhất là từ Washington lại không gây được mấy sự chú ý, thậm chí không có gì đáng kể với tư cách một quốc gia nắm vai trò nổi bật ở khu vực. Tất nhiên, trong những năm gần đây, mối quan tâm của Mỹ đối với cuộc xung đột Palestine và Israel đã giảm nhiều trước một loạt vấn đề đối nội và đối ngoại nổi cộm khác mà nước này phải đối mặt. Nhất là dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, hy vọng vào vai trung gian hòa giải của Mỹ đã hoàn toàn tắt ngấm với một loạt động thái bênh vực đồng minh Israel “gây sốc” liên quan tới vấn đề Jerusalem. 

Cho đến nay, chính quyền mới ở Washington của Tổng thống Joe Biden chưa có động thái nào rõ ràng cho thấy sẽ ra tay mạnh mẽ để giải quyết những căng thẳng hiện nay, trong bối cảnh còn đang phải lo giải quyết nhiều việc. Về đối nội không ngoài đưa nước Mỹ vượt qua cơn khủng hoảng do đại dịch Covid-19. Còn về đối ngoại, chính quyền mới đã cho thấy vấn đề quan hệ với Trung Quốc và đưa Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran mới là trọng tâm. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng từng bày tỏ họ không vội vã thúc đẩy cái gọi là xây dựng hòa bình ở Trung Đông, nhất là trong bối cảnh tương lai chính trị của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hiện vẫn chưa rõ ràng. Thất bại trong nỗ lực thành lập chính phủ liên minh của ông Netanyahu có thể khiến lực lượng cánh hữu trong chính phủ của ông tìm kiếm sự ủng hộ thông qua kích động chủ nghĩa dân tộc trong xung đột. Còn Tổng thống Palestine trước đó đã tuyên bố hoãn tổng tuyển cử cho đến khi bảo đảm rằng bầu cử được tổ chức ở Đông Jerusalem. Chính quyền của ông cũng đang được trông đợi sẽ có những động thái cần thiết để ngăn chặn các hành động bạo lực của Hamas. 

Trong bối cảnh có vẻ bế tắc ấy, Ai Cập đang được trông đợi một lần nữa sẽ đóng vai trò then chốt làm trung gian thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas. Đây cũng có vẻ là hướng tiếp cận khả dĩ mà chính quyền Washington có thể tiến hành nhằm tham gia giải quyết cuộc xung đột trong bối cảnh "lực bất tòng tâm" như hiện nay. Các cuộc tiếp xúc ngoại giao đã được thực hiện giữa Washington và Cairo nhằm khôi phục tình hình, nhưng kết quả ra sao là điều chưa ai dám chắc. 

Hơn lúc nào, các nước ở khu vực cần phát huy vai trò hơn nữa để xử lý các vấn đề của chính khu vực mình nếu không muốn sự can dự của bên ngoài khiến tình hình an ninh và ổn định ở khu vực bị đẩy vào tình thế tồi tệ hơn như từng thấy trong các bài học lịch sử. 

Cuộc xung đột hiện nay giữa Palestine và Israel mặc dù đứng trước những nguy cơ khó lường nhưng chưa phải đã hết hy vọng. Trước tiên, bạo lực cần được chấm dứt để mở đường cho các cuộc đối thoại. Những can dự nhanh chóng và quyết đoán dù của bên nào cũng là điều cần thiết vào lúc này trước khi mọi việc vượt tầm kiểm soát. 

MỸ HẠNH

Theo QĐND

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link