Cuộc chiến của Mỹ chống khủng bố Hồi giáo hậu 11/9 tác động thế nào lên Đông Nam Á?

Khi Mỹ phát động cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố sau sự kiện 11/9, một số nước Đông Nam Á trở thành đối tác an ninh của Mỹ và được hỗ trợ hiệu quả trong ngăn chặn phong trào Hồi giáo cực đoan. Nhưng quan hệ Mỹ-Đông Nam Á 20 năm qua thiên nhiều về an ninh và cũng có một số điểm trừ...

 

Mỹ đã khẩn trương hành động ngay sau khi hứng chịu loạt tấn công khủng bố tàn khốc đẫm máu vào ngày 11/9/2001. Họ đã phát động một cuộc chiến rầm rộ toàn cầu chống lại chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là các thế lực khủng bố Hồi giáo cực đoan.

Một lính thủy quân lục chiến Mỹ tham gia tập trận tại Thái Lan. Ảnh: EPA.
Một lính thủy quân lục chiến Mỹ tham gia tập trận tại Thái Lan. Ảnh: EPA.

Đồng minh của Mỹ tại Đông Nam Á hưởng ứng và hưởng lợi như thế nào?

Tại Đông Nam Á, Philippines hưởng ứng nhiệt tình nhất trước cuộc chiến của Mỹ do bản thân Philippines cũng đối mặt với phong trào phiến quân Hồi giáo. Tổng thống Philippines khi đó là Gloria Macapagal-Arroyo đã gần như lập tức trao cho Mỹ quyền tiếp cận các căn cứ không quân và các cơ sở khác tại nước này. Đổi lại, chính quyền Tổng thống George W. Bush cung cấp khoản viện trợ khoảng 100 triệu USD cho Philippines khi bà Arroyo đi thăm Washington vào thời điểm 2 tháng sau sự kiện 11/9.

Phong trào vũ trang Hồi giáo bùng nổ ngay lúc đó trong khu vực (bắt đầu bằng loạt đánh bom khủng bố ở Bali năm 2002) đã khiến nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á khi ấy "tập trung tâm trí vào hợp tác sát sao với Mỹ".

Michael Vatikiotis - Giám đốc Trung tâm Đối thoại Nhân đạo, cho biết tính nghiêm trọng của các cuộc tấn công nói trên đã thúc đẩy sự hợp tác "được thiết lập nhanh chóng và thực thi một cách đáng tin cậy".

Vatikiotis nói: "Ít có sự ngần ngại hoặc tranh cãi. Mỹ và một vài nước ASEAN cần tới nhau để cùng khống chế mối đe dọa khủng bố".

Nhận thức chung cho rằng Philippines và Indonesia là những nước hưởng lợi hàng đầu từ lời kêu gọi của Mỹ chống khủng bố sau sự kiện 11/9/2001.

Nhờ vào sự giúp đỡ của Mỹ, Philippines đã đạt được nhiều thắng lợi trong đương đầu với các cuộc nổi dậy của phong trào Hồi giáo chủ nghĩa ở khu vực Mindanao nhiều bất ổn cũng như trong việc giải phóng thành phố Marawi khỏi sự chiếm đóng kéo dài nhiều tháng của các chiến binh IS.

Tại Indonesia, Mỹ chủ yếu giúp đỡ về thu thập tình báo và huấn luyện lực lượng đặc nhiệm săn lùng chiến binh Hồi giáo cực đoan.

Còn Thái Lan giai đoạn đó đối mặt với phong trào nổi dậy tại khu vực miền nam đông người Hồi giáo sinh sống. Vào tháng 10/2003, Tổng thống Mỹ Bush tuyên bố Thái Lan là một đồng minh chính của Mỹ không thuộc NATO - vị thế này giúp Thái Lan được ưu tiên tiếp cận các vũ khí xuất khẩu của Mỹ.

Thái Lan nhận được món quà đó sau khi vài tháng trước đó, các lực lượng Thái Lan và Mỹ bắt được Hambali - công dân Indonesia là kẻ chủ mưu trong loạt đánh bom ở Bali năm 2002, tại thành phố Ayutthaya của Thái Lan.

Hồ sơ cho thấy Thái Lan là một "thành viên tích cực" tham gia cuộc chiến chống khủng bố. Cuộc nổi dậy của người Hồi giáo ở miền nam Thái Lan là một trong các lý do cho sự nhiệt tình này.

Theo Chong Ja Ian - một học giả tại Đại học Quốc gia Singapore, các nước Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan nhờ đó có khả năng làm suy giảm vai trò của các nhóm Hồi giáo cực đoan như Jemaah Islamiah, Abu Sayyaf và IS.

Singapore dù không đối mặt với các thách thức an ninh từ Hồi giáo cực đoan nhưng cũng được hưởng lợi từ cuộc chiến của chính quyền Mỹ chống chủ nghĩa khủng bố. Cụ thể, Singapore có cơ hội xây dựng mối hợp tác quân sự và an ninh với Mỹ, bao gồm việc triển khai quân tới Afghanistan và Iraq.

Những mặt hạn chế trong quan hệ Mỹ-Đông Nam Á

Murray Hiebert - một chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (Mỹ), nói rằng Mỹ mới chỉ tập trung vào khía cạnh an ninh với Đông Nam Á và đã bỏ lỡ cơ hội tăng cường hoạt động ngoại giao với cộng đồng này trên các lĩnh vực khác.

Chính vì vậy mặc dù đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden xác định khu vực này là một ưu tiên chính, chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Đông Nam Á mới đây vẫn thiếu các chi tiết cụ thể và thực chất về hợp tác kinh tế ở mức độ sâu giữa Mỹ và khu vực. 

Ngoài ra còn có câu chuyện về cáo buộc Thái Lan để cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) thiết lập một "điểm đen" bí mật trên đất Thái Lan, nơi đó những người bị giam giữ sẽ phải trải qua những "kỹ thuật thẩm tra tăng cường". Đây là loại căn cứ thẩm vấn đầu tiên thuộc dạng này do CIA lập ra. Về phần mình, chính quyền Thái Lan đã phủ nhận sự tồn tại của một địa điểm như vậy.

Nhưng chính Ủy ban Thượng viện Mỹ về Tình báo đã có một bản báo cáo mật dài tới 6.000 trang về các lạm dụng, trong đó có tra tấn, tại địa điểm bí mật nói trên. Điều tra của ủy ban này đã được công bố vào năm 2019.

Tổng cộng 119 người đã bị giam giữ tại các điểm đen của CIA từ năm 2002-2008. Các biện pháp tra tấn bao gồm trấn nước (gây ngạt như đuối nước) và bơm chất lỏng vào trực tràng.

Một nghi phạm người Afghanistan, tên là Gul Rahman, đã chết trong lúc bị giam giữ do mất nhiệt vào năm 2002. Nghi phạm Hambali, hiện vẫn đang bị xét xử, cũng tuyên bố mình bị tra tấn trong thời gian bị Mỹ giam cầm.

Về điều này, Giáo sư Bilveer Singh của Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng di sản của cuộc chiến toàn cầu do Mỹ phát động chống khủng bố đã khiến hình ảnh của Mỹ tại Đông Nam Á trong 20 năm qua không được hoàn mỹ, và rằng Mỹ quan tâm nhiều hơn đến chương trình nghị sự của riêng mình trong khi ít chú ý lắng nghe quan điểm và các lợi ích của khu vực này./.

Trung Hiếu/VOV.VN lược dịch
Nguồn: SCMP