Hậu AUKUS, Malaysia và Indonesia thống nhất quan điểm về tàu ngầm hạt nhân Australia

Ngày 18/10, Ngoại trưởng Malaysia và Indonesia đã bày tỏ quan ngại rằng các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Australia có thể làm gia tăng cạnh tranh giữa các nước ở Đông Nam Á.

 

Ngoại trưởng Malaysia (trái) và người đồng cấp Malaysia  (Nguồn: EPA-EFE)
Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin (trái) và người đồng cấp Indonesia Marsudi trong cuộc gặp tại Jakarta ngày 18/10. (Nguồn: EPA-EFE)

Phát biểu sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Malaysia Saifuddin Abdullah đang ở thăm Jakarta, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nhấn mạnh: “Tình hình này chắc chắn sẽ không có lợi cho bất kỳ ai".

Hai ngoại trưởng đều nhất trí rằng, các nỗ lực duy trì một khu vực hòa bình và ổn định phải được tiếp tục, và không muốn các động lực hiện tại gây căng thẳng trong cuộc chạy đua vũ trang và cả trong việc dự phòng sức mạnh.

Tại họp báo chung, hai ngoại trưởng cho biết, đã nhất trí tăng cường sự thống nhất và vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng thời kêu gọi tất cả đối tác ASEAN đóng góp vào ổn định, an ninh, hòa bình và thịnh vượng của khu vực và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Ông Saifuddin cho rằng, việc một nước láng giềng đóng các tàu ngầm mới sử dụng năng lượng hạt nhân có thể lôi kéo các nước khác đến khu vực Đông Nam Á thường xuyên hơn.

Tháng trước, Mỹ, Anh và Australia đã công bố thành lập liên minh an ninh ba bên AUKUS, giúp trang bị cho Canberra các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Liên minh này sẽ tái định hình các mối quan hệ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cả ngoài khu vực này.

Theo thỏa thuận, Australia sẽ đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân bằng công nghệ của Mỹ, qua đó hủy bỏ hợp đồng đóng các tàu ngầm diesel-điện với Pháp.

Các chuyên gia cho rằng, tàu ngầm hạt nhân sẽ cho phép Australia thực hiện các cuộc tuần tra dài hơn và cho phép liên minh hiện diện quân sự mạnh mẽ hơn trong khu vực.

BẢO HÀ

Nguồn: TGVN