Iran, Mỹ và vấn đề hạt nhân: Khi thời thế đổi thay

Đó là điều đã được tiên liệu bởi giới quan sát quốc tế và ngay lập tức đã trở thành hiện thực sau khi Nhà Trắng đổi chủ: Mọi đối thủ của nước Mỹ đều cảm thấy “dễ thở” hơn, khi nước Mỹ được dẫn dắt bởi một nhà lãnh đạo mới. Iran chính là một ví dụ điển hình.

Vừa đấm, vừa xoa

Theo thông tin chính thức được công bố ngày 25-1, Bộ Ngoại giao Iran khẳng định rằng nước này sẽ thực hiện lại các cam kết của mình theo thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân của họ ký năm 2015, giữa Iran với các cường quốc nhóm P5+1 (gồm 5 thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức).

Phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nhấn mạnh: “Chúng tôi đã công bố lập trường của mình. Chúng tôi muốn chứng kiến việc Mỹ và các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện - JCPOA) dỡ bỏ trừng phạt và thực thi hiệu quả thỏa thuận này. Chúng tôi chưa thấy có gì mới về JCPOA”. Ông lưu ý: “Nếu Mỹ tuân thủ các nghĩa vụ của mình, các biện pháp giảm bớt cam kết hạt nhân của Iran sẽ có thể đảo ngược”.

 

Tổng thống Joe Biden đứng trước những thách thức trong quyết định chính sách với Iran.

Trước đó, ngày 23-1, trong cuộc trả lời phỏng vấn đăng trên báo Etmad, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng kêu gọi chính quyền mới của Mỹ dỡ bỏ vô điều kiện các biện pháp trừng phạt do cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này. Ông Zarif nhấn mạnh: “Đổi lại, Iran sẽ hủy bỏ tất cả những biện pháp đáp trả đối với việc ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân”.

Kể từ khi đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã luôn đánh giá JCPOA là một sai lầm. Ông liên tục chỉ trích thỏa thuận ấy và bất chấp mọi lời can ngăn từ cả các nhân vật kỳ cựu ngành ngoại giao Mỹ (đặc biệt là những nhà ngoại giao thuộc đảng Dân chủ, vốn rất ủng hộ hành động xúc tiến thỏa thuận năm 2015 của cựu Tổng thống Barack Obama - như chính đương kim Tổng thống Joe Biden) lẫn các đồng minh phương Tây ở châu Âu để rút khỏi JCPOA năm 2018, sau đó liên tục dồn ép Tehran bằng những biện pháp trừng phạt và cấm vận. 

Thậm chí, dưới thời ông Donald Trump, Mỹ còn sẵn sàng “lấy mạng” vị tướng danh tiếng Qassem Soleimani - chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran - với một cuộc tập kích bằng tên lửa, đẩy căng thẳng Mỹ - Iran đến sát giới hạn cuối cùng.

 

Ông Joe Biden muốn tiếp nối chính sách của ông Barack Obama.

Để đáp trả, ngay khi ông Donald Trump rời ghế Tổng thống Mỹ, Tehran đã phát lệnh trừng phạt nhằm vào cá nhân ông. Còn trước đó, suốt từ những thời khắc đầu tiên của năm mới 2021, khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã hé lộ tương đối rõ ràng kết quả (dù lúc đó vẫn còn diễn ra rất nhiều cuộc chiến pháp lý mà những người ủng hộ ông Donald Trump theo đuổi với mong muốn lật ngược thế cờ trước ông Joe Biden), Iran không ngừng thực hiện những động thái khiêu khích và “dằn mặt”. Họ báo trước là họ sẽ tiếp tục giảm một số cam kết trong thỏa thuận và tăng mức làm giàu urani lên đến 20% độ tinh khiết - mức được áp dụng trước khi JCPOA được ký kết, vượt xa giới hạn 3,67% mà JCPOA quy định. Họ “hăm dọa” rằng họ đủ khả năng nâng mức này lên đến tận con số 90% - mức dành cho các nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân.

Đến cả các cường quốc dẫn đầu Liên minh châu Âu (EU) như Pháp và Đức, dù rất muốn (và cũng đã liên tục) bảo vệ cũng như duy trì JCPOA trước sức ép của chính quyền Tổng thống Donald Trump mấy năm qua, cũng phải đánh giá động thái trên từ Tehran là nguy hiểm, đầy tính phiêu lưu và làm tổn hại đến tình hình an ninh khu vực cũng như thế giới.

Song, Tehran biết họ cần phải làm gì, muốn làm gì và hướng đến điều gì. Bởi vì “đưa nước Mỹ trở lại với JCPOA” là một điểm quan trọng về chiến lược đối ngoại trong cương lĩnh tranh cử của tân Tổng thống Joe Biden nên Iran không thể bỏ qua các cơ hội tận dụng nó. Cho dù Bộ Ngoại giao Iran vẫn tỏ ra “lịch thiệp” ở giới hạn nhất định thì theo các thông tin hành lang, thực tế, Tehran cứng rắn hơn nhiều.

 

JCPOA không chỉ là câu chuyện song phương Mỹ - Iran, nó liên quan đến lợi ích của rất nhiều phía.

Ván bài lật ngửa

Dẫn lời một quan chức Iran giấu tên, tờ Al-Jarida của Kuwait cho biết (và được hãng tin Sputnik của Nga đưa lại): Các nhà ngoại giao Iran đã trao đổi không chính thức với các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden từ trước khi ông nhậm chức về việc khôi phục đàm phán về chương trình hạt nhân Iran và đã đặt ra 7 điều kiện tiên quyết.

Theo điều tra của Al-Jarida, Đại sứ Iran tại Liên Hiệp Quốc Majid Takht Rawanji đã được triệu hồi về nước để thảo luận về khả năng mở các cuộc tiếp xúc với chính quyền mới ở Mỹ. Ông trở lại New York sau đó với bản danh sách gồm 7 điều kiện Tehran đặt ra trước Washington về tái đàm phán JCPOA.

Điều kiện đầu tiên liên quan đến dỡ bỏ cấm vận. Iran không chấp nhận dỡ cấm vận một phần, bởi Tehran cho rằng JCPOA là một thỏa thuận không thể phân tách. Iran, vì thế, sẽ đòi hỏi Mỹ thực thi toàn bộ các khía cạnh liên quan đến JCPOA, trong đó có điều khoản dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt.

Kế đến là cơ chế giải quyết bất đồng. Mọi xung đột về JCPOA sẽ phải được thảo luận trong một khung chính thức của ủy ban đàm phán. Một trong những điểm bất đồng có thể sẽ được Iran nêu ra là đòi bồi thường tổn thất tài chính nước này phải gánh chịu từ hành động từ bỏ JCPOA của chính quyền Trump, nhất là hệ quả của đòn cấm vận tài chính.

 

Iran từng tuyên bố đủ khả năng làm giàu urani lên 90% - mức dành cho các nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân.

Ở điều khoản thứ ba, Iran sẽ không chấp nhận ràng buộc giữa thỏa thuận hạt nhân với các vấn đề khác, nhất là chương trình tên lửa cũng như các kết nối, can dự của Tehran ở khu vực Trung Đông.

Iran cũng sẽ không chấp nhận bất kỳ sự tham gia của một thành viên mới nào, nhất là các nước trong khối Arab Vùng Vịnh, vào thỏa thuận mới. Tehran yêu cầu bảo lưu cơ chế đàm phán giữa Iran với nhóm P5+1. Nếu nảy sinh vấn đề liên quan đến các nước trong khu vực, sẽ phải tiến hành tiếp xúc riêng rẽ và không nằm trong gói đàm phán hạt nhân - đó là đòi hỏi thứ 5.

Không đàm phán về chương trình tên lửa nhưng Iran sẽ để ngỏ đối thoại về kiểm soát vũ trang khu vực dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc. Ở điểm thứ 6 này, Iran đặc biệt quan ngại về tên lửa và vũ khí hạt nhân của Israel.

Cuối cùng, Iran không chấp nhận giải pháp hai nhà nước đối với Israel và người Palestines. Thay vào đó, Tehran ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý do Liên Hiệp Quốc tiến hành đối với người Palestines và người Do Thái về vấn đề “đất đai”.

Thông tin về “đề nghị 7 điểm” trên xuất hiện tại thời điểm chính quyền Tổng thống Joe Biden được cho là có ý định quay trở lại JCPOA, đã mở các cuộc đàm phán với Tehran thông qua kênh phi chính thức và thông báo cho Israel về tiến trình tiếp xúc này.

 

Cái chết của tướng Qassem Soleimani khơi thêm hận thù Iran - Mỹ.

Ở một diễn biến song song, cũng có một cột mốc tương đối đáng lưu ý: Bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ, ngày 22-1, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zangeneh cho biết nước này đã ghi nhận mức xuất khẩu dầu mỏ cao kỷ lục: 2,3 triệu thùng/ngày. Nghĩa là, một lần nữa, Tehran kín đáo nhắc nhở Washington về sự vô nghĩa của các lệnh trừng phạt.

Một ván bài đã được Iran lật ngửa, trước mắt tân Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông thể hiện rằng mình có những cách tiếp cận vấn đề khác với người tiền nhiệm. Ông muốn tiếp nối hướng đi từ thời Tổng thống Barack Obama, đưa nước Mỹ can dự và đóng nhiều vai trò hơn trong các cam kết quốc tế đa phương. Vậy thì, hiện tại, ông buộc phải dũng cảm bảo vệ các ý tưởng đó của mình, cũng như dũng cảm lựa chọn. 

Đó sẽ là những lựa chọn không hề dễ dàng. Sự cứng rắn đến tàn nhẫn, đến độ từng bị Iran dán những cái mác nặng nề như “chủ nghĩa khủng bố y tế (medical terrorism - chỉ việc các lệnh trừng phạt và cấm vận của Mỹ thời Tổng thống Donald Trump khiến Iran gặp nhiều khó khăn gấp bội trong công cuộc bảo vệ sức khỏe nhân dân và phòng chống đại dịch COVID-19) còn chưa thể “đánh quỵ” được hoàn toàn ý chí phản kháng của nước Cộng hòa Hồi giáo ấy, thì đương nhiên, họ lại càng chẳng có lý do gì để “nhún nhường” trước chính quyền mới của nước Mỹ (nhất là khi chính quyền ấy cần hòa đàm, nhằm thể hiện là mình tôn trọng và nỗ lực thực hiện những lời hứa).

Điều đó cũng có nghĩa là tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đứng trên lằn ranh giữa “mềm mỏng” và “nhu nhược”, trước sự chăm chú quan sát của dư luận (đặc biệt là từ các đối thủ chính trị). Trong khi đó, Israel, đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở Trung Đông chắc chắn sẽ bác bỏ hoặc không thừa nhận rất nhiều vấn đề trong “đề xuất 7 điểm” của Tehran. Saudi Arabia, đồng minh quan trọng nhất của Mỹ trong cộng đồng các quốc gia Arab Hồi giáo; hay Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên có thực lực quân sự hùng hậu hàng đầu NATO, nghĩa là những cường quốc thù địch và đang cạnh tranh vị thế trong khu vực với Iran, cũng sẽ chẳng có lý do gì để vui vẻ. Và phía sau họ, các đại cường P5+1 còn lại cũng đều sẽ có những tính toán riêng, vì lợi ích của chính mình.

Một chặng đường thực sự gian nan đang dần mở ra, rõ ràng và phức tạp, trước mắt ông Joe Biden.

Mây Linh

Nguồn: antg.cand.com.vn

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link