Mỹ muốn cấp thêm tên lửa, súng đạn cho Ukraine

Chính quyền Biden đang cân nhắc lựa chọn mới, bao gồm cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine, để tăng cái giá Nga phải trả nếu tấn công nước này.

 

Ngoài xem xét cách giúp quân đội và chính phủ Ukraine phản ứng với một cuộc tấn công, Mỹ đang đánh giá các phương án tăng cường khả năng cho lực lượng Ukraine đối phó Nga, CNN hôm 18/1 dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay. Những biện pháp này bao gồm cung cấp thêm cho quân đội Ukraine đạn, súng cối, tên lửa chống tăng Javelin và hệ thống tên lửa phòng không, có thể sẽ đến từ các đồng minh NATO.

"Chúng tôi đang xem xét loạt lựa chọn để giúp bảo vệ Ukraine", quan chức này cho hay, thêm rằng các lựa chọn có thể bao gồm bán vũ khí phòng thủ bổ sung, "khuyến nghị" và "giúp Ukraine có thể tiếp tục đối phó sự hiện diện quân sự lớn hơn, thông thường của Nga".

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP.

Hiện các nguồn tin quân sự am hiểu kế hoạch cho biết không có thay đổi chính thức nào về chỉ đạo từ Washington và các quan chức nhấn mạnh đây là những cân nhắc ban đầu, chưa được chính thức trình Tổng thống Joe Biden phê duyệt. Một số quan chức cảnh giác nguy cơ sa lầy và lập luận rằng các lực lượng Mỹ nên rời đi nếu cuộc chiến nổ ra.

Tin tức được đưa ra trước cuộc gặp trực tiếp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 21/1. Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết cuộc họp "cho thấy có lẽ con đường ngoại giao vẫn chưa tận".

Biden nói rằng khả năng điều binh sĩ Mỹ đến Ukraine đối đầu với Nga không được tính đến, nhưng các lực lượng đặc nhiệm đã luân chuyển trong và ngoài nước để huấn luyện cho các lực lượng Ukraine. Một quan chức cấp cao cho biết có thể các cơ quan khác của Mỹ tham gia hỗ trợ, như CIA. Giám đốc CIA Bill Burns tuần trước đến Kiev gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và thảo luận về những rủi ro đối với Ukraine.

Mỹ tiếp tục nói rằng ngoại giao là "cốt yếu" và hy vọng các cuộc đàm phán với Nga sẽ tiếp tục. Tuy nhiên, chưa có thông tin chi tiết về các bước ngoại giao tiếp theo. Trong khi đó, Lầu Năm Góc đã vạch phương án Mỹ có thể giúp thúc đẩy một chiến dịch bền vững ở Ukraine và bắt Nga phải trả cái giá cao nhất có thể nếu tấn công Ukraine.

Bộ Quốc phòng Ukraine hôm qua cảnh báo Nga gần như triển khai xong lực lượng quân sự gần biên giới, gia tăng lo ngại Moskva có thể "tiến đánh bất cứ lúc nào". Nga hiện chưa bình luận về thông tin này.

Căng thẳng giữa Nga và phương Tây gần đây leo thang sau khi Mỹ, NATO nói Nga điều khoảng 100.000 quân tới sát biên giới với Ukraine, bày tỏ lo ngại nước này có thể phát động một cuộc chiến tổng lực. Nga bác bỏ cáo buộc có ý định tấn công Ukraine, khẳng định mọi động thái quân sự ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.

Huyền Lê (Theo CNN)

Nguồn: VnExpress