Ngoại trưởng Mỹ tới Kiev tìm kiếm "con đường ngoại giao" cho Ukraine

Ngày 19-1, giờ địa phương, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tới thủ đô Kiev, bắt đầu chuyến thăm Ukraine trong một động thái thể hiện sự ủng hộ của Washington với quốc gia Đông Âu này.

Theo AFP, máy bay chở ông Blinken đã hạ cánh ở Kiev trưa 19-1, giờ địa phương. Trong 24 giờ ở Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Volodymyr Zelensky để củng cố các cam kết của Mỹ đối với Ukraine. Ông Blinken cũng gặp nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Kiev để chuẩn bị cho các kế hoạch trong trường hợp leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraine.

Ngay sau chuyến thăm Ukraine, hôm nay (20-1) ông Blinken sẽ tới Berlin (Đức) để tham dự cuộc họp 4 bên (Mỹ, Anh, Pháp, Đức) về cuộc khủng hoảng Ukraine. Sau đó, ngày 21-1, ông Blinken sẽ gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov với hy vọng xoa dịu cuộc khủng hoảng Nga-phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, chuyến công du của ông Blinken là một phần trong các nỗ lực ngoại giao nhằm giảm leo thang căng thẳng trong bối cảnh Nga triển khai quân đội sát biên giới với Ukraine. “Mục đích chuyến công du lần này của ông Blinken nhằm thống nhất cách tiếp cận trong việc giải quyết vấn đề an ninh của Ukraine, đồng thời thúc đẩy những nỗ lực chung khuyến khích các bên lựa chọn giải pháp ngoại giao, giảm leo thang căng thẳng”, AFP cho hay. Chính quyền Nga nhiều lần khẳng định việc điều động quân đội tới biên giới với Ukraine là nhằm bảo vệ an ninh của Nga và Moscow không có kế hoạch tấn công quân sự Ukraine.

Ngoại trưởng Mỹ tới Kiev tìm kiếm "con đường ngoại giao" cho Ukraine
Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Senik (bên trái) đón Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại sân bay quốc tế Boryspil ở Kiev. Ảnh: AFP 

AFP cho biết, trong khi Ngoại trưởng Blinken đang ở thăm Kiev thì một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên tiết lộ, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden "tháng trước đã thông qua khoản tiền bổ sung 200 triệu USD để hỗ trợ an ninh phòng thủ cho các đối tác Ukraine". Theo quan chức trên, bên cạnh việc xem xét cách giúp quân đội và Chính phủ Ukraine chống lại một cuộc tấn công, Washington đang đánh giá các phương án tăng cường khả năng cho lực lượng Ukraine nhằm đối phó với Nga, trong đó bao gồm cả khả năng cung cấp thêm cho quân đội Ukraine đạn, súng cối, tên lửa chống tăng Javelin và hệ thống tên lửa phòng không, có thể sẽ đến từ các đồng minh NATO.

Phản ứng trước thông tin trên, Đại sứ quán Nga tại Washington cho rằng, Mỹ nên xác nhận lại lợi ích của mình đối với giải pháp ngoại giao cho căng thẳng xung quanh Ukraine bằng cách từ chối cung cấp vũ khí cho Kiev. Tuyên bố trên Facebook của Đại sứ quán Nga nêu rõ: “Nếu Mỹ thực sự cam kết với các nỗ lực ngoại giao để giải quyết xung đột nội bộ Ukraine, họ nên từ bỏ kế hoạch cung cấp các lô vũ khí mới cho Các lực lượng vũ trang Ukraine”.

Trước đó, trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ở thủ đô Moscow ngày 18-1, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Nga sẽ hoan nghênh Mỹ tham gia nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột ở miền Đông Ukraine. Ông Lavrov cũng nhắc lại rằng, Ukraine đang "phá hoại" việc thực thi các thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc xung đột giữa quân chính phủ Ukraine và lực lượng nổi dậy ở miền Đông quốc gia Đông Âu này. Ngoại trưởng Sergei Lavrov nhấn mạnh, Moscow đang đợi hồi âm từ Washington liên quan đến các yêu cầu an ninh mà Nga đề xuất với phương Tây trước khi tiếp tục các cuộc đàm phán về Ukraine.

Ông Lavrov cũng bày tỏ hy vọng Đức sẽ tác động đến chính quyền Ukraine buộc Kiev thực hiện các thỏa thuận Minsk về khu định cư Donbass, vì hai bên đều hiểu rằng không có sự thay thế đối với thỏa thuận này. Theo ông Lavrov, việc đổ trách nhiệm cho Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine và sự thiếu tiến bộ trong việc thực hiện các thỏa thuận Minsk là điều không thể chấp nhận được. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga còn cho biết, Moscow và Berlin đã nhất trí về việc tiếp tục phối hợp giải quyết vấn đề này trong khuôn khổ Định dạng Normandy.

Về phần mình, Ngoại trưởng Annalena Baerbock khẳng định, Đức đã sẵn sàng tiến hành một cuộc đối thoại nghiêm túc với Nga về các bước đi chung nhằm bảo đảm an ninh tại châu Âu. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Annalena Baerbock khẳng định cả Đức và Nga sẽ làm mọi thứ có thể để nhanh chóng khôi phục các cuộc họp Định dạng Normandy.

BÌNH NGUYÊN

Theo QĐND