Sự thật về Biển Đông (kỳ 3): Những khó khăn của các “tiến trình ngoại giao và pháp lý” hay vấn đề “chủ quyền không được tranh cãi”

Các tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ vốn đã và đang tồn tại giữa nhiều nước và tại nhiều nơi trên thế giới. Biện pháp ngoại giao và pháp lý luôn được coi là các giải pháp phù hợp để giải quyết chúng một cách hoà bình. Tuy nhiên, các tiến trình này cho đến nay vẫn gặp nhiều trở ngại, bế tắc chủ yếu do lập trường của phía Trung Quốc

 

Giải pháp tốt nhất và cần luôn được ưu tiên là thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên tranh chấp. Việt Nam và Trung Quốc đã giải quyết thoả đáng vấn đề phân định biên giới trên bộ và Vịnh Bắc Bộ bằng con đường này. Tuy nhiên, quá trình đàm phán về vấn đề Biển Đông lại khó khăn hơn rất nhiều. Đáng lẽ ra cần có sự trao đổi nghiêm túc giữa Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm của Việt Nam từ năm 1974 thì Trung Quốc luôn từ chối đề cập đến vấn đề này và khẳng định “Hoàng Sa hoàn toàn không có tranh chấp”. Trong khi đó, việc không làm rõ vấn đề Hoàng Sa là trở ngại cho việc phân định rõ vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc bộ và dẫn đến nhiều hệ luỵ nghiêm trọng khác. Thí dụ, việc Trung Quốc coi Hoàng Sa là của Trung Quốc và có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý là lý do mà Trung Quốc đưa ra khi tấn công các tàu cá của ngư dân Việt Nam,  ngăn cản các hoạt động hợp pháp của Việt Nam ngay tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam,  đưa các tàu khảo sát và cả giàn khoan vào thăm dò tại các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Trong khi từ chối đàm phán về vấn đề thực tế đó thì Trung Quốc lại luôn thúc ép các nước đàm phán để “cùng khai thác” với Trung Quốc và chỉ với Trung Quốc tại các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ vì cho rằng những nơi đó “có tranh chấp” với khu vực “đường chín đoạn” hay “Tứ Sa” của Trung Quốc. Thí dụ Trung Quốc luôn tìm cách cản trở hoạt động thăm dò của Việt Nam tại bãi Tư Chính trên thềm lục địa của Việt Nam và yêu cầu đàm phán về việc “cùng khai thác” với Trung Quốc tại đây với lý do khu vực này nằm trong phạm vi 200 hải lý cách một số đảo đá mà Trung Quốc cho là thuộc quần đảo Trường Sa (mặc dù PCA đã phán quyết rõ ràng rằng các đảo, đá thuộc Trường Sa không thể có vùng đặc quyền kinh tế và chính Trung Quốc cũng thừa nhận là có tranh chấp chủ quyền tại Trường Sa, có nghĩa là Trường Sa không hoàn toàn đã thuộc về Trung Quốc). Điều tương tự cũng diễn ra giữa Trung Quốc với Philipin, Malaysia, Indonesia và Brunây. Xin lưu ý: nội hàm thực chất của khái niệm “cùng khai thác” mà Trung Quốc đòi hỏi không có nghĩa là Trung Quốc tham gia với tư cách là một bên hợp tác đầu tư như các nước ngoài khác mà phải với tư cách một bên có “chủ quyền” đối với các vùng biển này. Việc chấp nhận đàm phán về điều này là mặc nhiên thừa nhận các yêu sách vô lý đó của Trung Quốc. Đó là lý do chính mà Indonesia đã kiên quyết bác bỏ đề nghị của Trung Quốc đàm phán về vùng biển gần quần đảo Natuna của Indonesia trong tháng 7 vừa qua.

Sau khi Mỹ tuyên bố “xoay trục” về châu Á và trước sự thúc giục của các nước ASEAN, Trung Quốc cuối cùng đã đồng ý tiến hành đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với ASEAN và luôn lấy việc này để chứng minh rằng tình hình Biển Đông đang “tiến triển tích cực”, “trong tầm kiểm soát”, đang được giải quyết giữa Trung Quốc với ASEAN, không cần có sự can dự của các nước bên ngoài. Tuy nhiên trên thực tế thì tiến trình đàm phán COC đang diễn ra hết sức khó khăn do Trung Quốc trên thực chất không muốn có một bộ quy tắc ứng xử thực sự có hiệu lực và ràng buộc pháp lý (là điều cần thiết đang thiếu mà các nước ASEAN mong muốn để tạo điều kiện góp phần duy trì hoà bình, ổn định trên Biển Đông). Trong khi đó, Trung Quốc lại tiếp tục ép các nước ASEAN đưa vào COC quy định là mọi hoạt động hợp tác khai thác trên Biển Đông chỉ được phép tiến hành với Trung Quốc hoặc phải có sự đồng ý với Trung Quốc, tức là vừa phải chính thức công nhận Trung Quốc có chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông, vừa phải chấp nhận cùng với Trung Quốc “đóng cửa” vùng biển quốc tế này đối với tất cả các nước khác.

Trên thực tế, Trung Quốc đã biến khu vực đảo, đá có tranh chấp thành “không có tranh chấp” (trường hợp Hoàng Sa) và các khu vực biển không có tranh chấp thành “có tranh chấp” thông qua việc ép các nước phải đàm phán trên cơ sở trước hết phải công nhận các yêu sách “đường chín đoạn” và “Tứ Sa” của Trung Quốc. Vì vậy, tiến trình “đàm phán song phương” luôn bế tắc, không thể đi vào thực chất và cho đến nay vẫn chưa hề cho thấy bất cứ tia hy vọng nào về khả năng Trung Quốc sẽ có những điều chỉnh các yêu sách phù hợp hơn với luật pháp quốc tế. Trong khi đó, Trung Quốc lại đang ngày càng quyết liệt hơn trong việc sử dụng sức mạnh đơn phương để hiện thực hoá các yêu sách phi pháp của mình trên thực địa.

Giải pháp pháp lý cũng là một công cụ phổ biến, hữu hiệu để giải quyết hoà bình các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ giữa các nước, kể cả các nước luôn có quan hệ hữu nghị với nhau, do đó không thể luôn coi là biện pháp đối đầu hay thù địch. Thí dụ giữa Malaysia với Singapo, giữa Úc với Đông Ti-mo, giữa Cămpuchia với Thái Lan, Quatar với Bahrain hay giữa Ấn Độ với Bangladesh, Nicaragoa với Colombia… đã giải quyết thành công và tốt đẹp các tranh chấp chủ quyền với nhau thông qua các cơ quan tài phán quốc tế. Thực tế lịch sử thế giới cho thấy nếu các bên tranh chấp không thể giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp vì không thể nhân nhượng do những vấn đề nguyên tắc hay yếu tố nội bộ thì việc sử dụng cơ quan tài phán quốc tế như Toà án hay Trọng tài là giải pháp cần thiết, hữu hiệu và phù hợp. Tuy nhiên, Trung Quốc lại luôn kiên quyết từ chối giải pháp này đối với vấn đề Biển Đông mặc dù họ không ngừng khẳng định “có đầy đủ căn cứ lịch sử và pháp lý” về chủ quyền “không thể tranh cãi” của các yêu sách của mình. Trung Quốc đã từ chối đề nghị của Philipin cùng giải quyết thông qua Toà Trọng tài cũng như tham gia vào vụ kiện và tuyên bố không chấp nhận, không thực thi phán quyết của Toà Trọng tài mặc dù theo quy định của luật pháp quốc tế, phán quyết đó là “cuối cùng và ràng buộc với cả hai bên”. Mặt khác, Trung Quốc lại tiến hành trừng phạt kinh tế và tổ chức chiến dịch công kích chống Philipin, ép Philipin từ bỏ phán quyết của và vận động dư luận quốc tế phản đối phán quyết của Toà Trọng tài; đồng thời đe doạ sẽ có các biện pháp “mạnh hơn” đối với các nước khác nếu dám kiện Trung Quốc ra Toà Trọng tài quốc tế. Trong khi đó, việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, bao gồm cả việc giải quyết bằng cơ quan tài phán quốc tế như được ghi nhận trong nhiều điều ước quốc tế, UNCLOS, điều ước thành lập PCA,… là một trong những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế nhằm góp phần duy trì hoà bình, ổn định của thế giới. Thái độ bất chấp luật pháp quốc tế, coi thường PCA và tẩy chay phán quyết của PCA đó của Trung Quốc không thể không gây nghi ngờ và lo ngại của nhiều nước về động cơ thực sự của Trung Quốc khi nước này đang ráo riết vận động để được bổ nhiệm  thêm một thẩm phán của mình tại Toà án quốc tế về luật biển - cơ quan được thành lập theo UNCLOS.

Mặc dù ASEAN luôn chủ trương “tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý” trong giải quyết vấn đề Biển Đông nhưng lập trường nêu trên của Trung Quốc đang là trở ngại lớn, gây bế tắc cho khả năng tiến hành đàm phán thực chất hoặc sử dụng công cụ pháp lý để giải quyết hoà bình tranh chấp trên Biển Đông. Và như vậy, vấn đề mà Trung Quốc luốn khẳng định là “không thể tranh cãi” trên thực tế đã bị Trung Quốc biến thành vấn đề “không được tranh cãi”.

Trần Minh (Tổng hợp)

Còn nữa

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link