Phương Tây có thể tận dụng quân bài Phần Lan và Thụy Điển để giải vây cho Ukraine

Lúc này, phương Tây đang rất lo lắng Nga tiến quân vào Ukraine nhưng chưa biết làm gì để giải nguy cho Kiev. Họ có thể tận dụng quân bài Thụy Điển và đặc biệt là Phần Lan để Nga phải nghĩ lại.

Việc Nga thiết lập quân đội dọc theo biên giới với Ukraine và những lời lẽ đe dọa phát từ Moscow đang khiến một số nước láng giềng trong khu vực phải suy nghĩ lại về các thỏa thuận an ninh từ lâu sau Thế chiến II.

Phần Lan và Thụy Điển lo lắng

Những tuyên bố gần đây từ Phần Lan và Thụy Điển cho thấy hai nước hiện đã cởi mở hơn trong việc gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và sẽ không lùi bước trước những lời cảnh báo từ Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Lúc này, phương Tây đang rất lo lắng Nga tiến quân vào Ukraine nhưng chưa biết làm gì để giải nguy cho Kiev. Cùng lúc đó, các nhà lãnh đạo của Phần Lan và Thụy Điển vẫn kiên quyết bảo vệ lợi ích của quốc gia trước các mối đe dọa từ Moscow. Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin khẳng định Phần Lan có quyền thiết lập vị thế an ninh quốc gia riêng.

Trong bài phát biểu vào đêm giao thừa trước cả nước, Thủ tướng Marin tuyên bố: "Chúng ta giữ nguyên quyền lựa chọn trở thành thành viên NATO. Chúng ta nên duy trì quyền tự do lựa chọn này  vì đây là một phần trong quyền quyết định về các chính sách an ninh của mỗi quốc gia".

Tổng thống Phần Lan, Sauli Niinisto cũng tán đồng quan điểm của Thủ tướng khi phát biểu: "Hãy nói lại một lần nữa: Cơ hội tự do hành động và lựa chọn của Phần Lan cũng gồm cả khả năng liên minh quân sự và gia nhập NATO".

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển Anne Linde cũng khẳng định rằng Nga không có quyền phủ quyết đối với bất kỳ liên minh nào mà Thụy Điển lựa chọn tham gia. Bộ trưởng Quốc phòng Peter Hultqvist ủng hộ Linde và bác bỏ quan điểm cho rằng Nga có bất kỳ tiếng nói nào trong các chính sách an ninh của Thụy Điển.

Khả năng láng giềng Phần Lan, một quốc gia có lịch sử không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào, Nga gia nhập NATO đã khiến Moscow lo ngại, với việc Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ khả năng Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO "sẽ gây ra những hậu quả chính trị và quân sự nghiêm trọng” và kích hoạt “một phản ứng tương xứng từ phía Nga”.

Do những khác biệt về lịch sử và chính trị trong quan hệ với Nga, những lời kêu gọi trở thành thành viên NATO ở Phần Lan hiện đang lớn hơn ở Thụy Điển. Những tín hiệu phát ra từ Phần Lan về khả năng trở thành thành viên NATO sẽ là sự phá vỡ chưa từng có từ chính sách an ninh quốc tế từ sau Thế chiến II của Helsinki, vốn đã hình thành nền tảng cho chính sách đối ngoại thời Chiến tranh Lạnh của nước này. Sự trung lập của Phần Lan sau Thế chiến II là do vị trí địa lý kẹt trong vùng đệm giữa Đông Âu và Tây Âu. Phần Lan có đường biên giới dài với Nga và từng giao tranh với Liên Xô trong Chiến tranh Mùa đông 1939-1940.

Nhận thấy vị trí chiến lược khó khăn giữa Đông - Tây và tấm gương các nước xung quanh thời kỳ sau Thế chiến II, Phần Lan theo đuổi chính sách trung lập và không gia nhập NATO hay bất kỳ liên minh quân sự nào khác trong Chiến tranh Lạnh. Một Hiệp ước Hữu nghị với nhiều điều khoản do Liên Xô soạn đã được áp đặt cho Phần Lan vào năm 1948. Theo thỏa thuận đó, Phần Lan chấp nhận một mức độ ảnh hưởng nhất định của Liên Xô đối với định hướng ngoại giao quốc tế, hạn chế quan hệ với phương Tây và cam kết phòng vệ tập thể với Liên Xô.

nga.jpg

 

Sự nhượng bộ của Phần Lan trước những lo ngại về an ninh của Nga chính xác là những đảm bảo mà Putin đang tìm kiếm trong mối quan hệ với Ukraine. Ukraine, quốc gia cũng có biên giới với Nga và có mục tiêu dài hạn là gia nhập NATO với hy vọng ngăn chặn sự đe dọa của Nga trong tương lai.

Nếu Phần Lan gia nhập NATO

Nếu Phần Lan tham gia Liên minh Đại Tây Dương, NATO sẽ đưa thêm một quốc gia tiếp giáp với biên giới của Nga, vi phạm nguyên tắc cốt lõi của Nga thời hậu Chiến tranh Lạnh là NATO sẽ kiềm chế không tiến về phía đông và về phía Nga. Chính quan niệm bị hiểu lầm này là mấu chốt của cuộc xung đột hiện đại với Ukraine và các quốc gia khác đang tìm kiếm ô bảo vệ của NATO.

Khi Đức thống nhất vào năm 1990 và Liên Xô đang trên đà tan rã, Moscow đã tìm kiếm sự đảm bảo từ Mỹ rằng các nước thuộc Khối Hiệp ước Warsaw trước đây sẽ không gia nhập NATO. Tổng thống Putin tuyên bố Mỹ đã vi phạm cam kết của mình khi NATO bắt đầu mở rộng kết nạp, bắt đầu với Hungary, Ba Lan và Cộng hòa Czech vào năm 1999. Rồi năm 2004 lần lượt Bulgaria, Romania, Slovakia, Slovenia, Latvia, Lithuania, và Estonia đã được NATO kết nạp. Tại Hội nghị thượng đỉnh Bucharest năm 2008, NATO đã đồng thuận sẽ mở rộng tư cách thành viên cho Gruzia và Ukraine.

Các vòng mở rộng thành viên sau Chiến tranh Lạnh diễn ra trong bối cảnh sức mạnh của Mỹ ngày càng gia tăng trong khi Nga rơi vào suy yếu kinh tế và ảnh hưởng quốc tế. Kể từ khi Nga đưa quân vào Gruzia năm 2008, sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014, Nga đã tự khẳng định mình trên trường quốc tế và một lần nữa Putin đã nói rõ với phương Tây rằng Nga sẽ không dung thứ cho sự bành trướng về phía đông của NATO.

Alexander Stubb, người từng giữ chức Thủ tướng Phần Lan, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Tài chính, nói rằng Phần Lan lẽ ra nên gia nhập NATO vào năm 1995. Cựu thủ tướng Stubb phát biểu: "Ý kiến ​​cá nhân của tôi là Phần Lan lẽ ra phải gia nhập vào năm 1995, cùng thời điểm khi chúng tôi gia nhập EU. Ý kiến ​​của tôi vẫn không thay đổi. Bây giờ, vấn đề là thời điểm. Hệ thống quân sự của Phần Lan tương thích với NATO hơn hệ thống quân sự của một số thành viên NATO. Các cuộc đàm phán thường không bao giờ dễ như đi bộ trong công viên, nhưng trong trường hợp của Phần Lan, thuyết phục các thành viên sẽ rất nhanh".

Phần Lan cũng tăng cường hợp tác với NATO trong thời kỳ đó khi chưa trở thành thành viên chính thức. Năm 1994, Phần Lan tham gia chương trình Đối tác vì Hòa bình của NATO nhằm tăng cường hợp tác và đối thoại giữa NATO và các quốc gia không thuộc NATO. Phần Lan cũng tiến hành các cuộc tập trận thường xuyên với các lực lượng NATO và là nước đóng góp tích cực cho nhiều sứ mệnh do NATO dẫn đầu, gồm cả các sứ mệnh ở Iraq và Afghanistan.

Nếu Phần Lan chính thức thực hiện bước nhảy vọt và gia nhập NATO, điều đó sẽ kéo theo cả được và mất cho đất nước.

Laura Nordstrom, nhà nghiên cứu tiến sĩ tại Đại học Helsinki, nói với Fox News: “Điều mà Phần Lan coi trọng nhất là sự đảm bảo an ninh tập thể của NATO. Đây là điều mà Liên minh châu Âu hiện giờ, không đáp ứng được về mặt quân sự”. Với việc một nước Nga đang trỗi dậy khiến các nước xung quanh lo lắng thì các đảm bảo an ninh tập thể từ NATO sẽ làm giảm nhận thức về mối đe dọa do Nga gây ra.

Cái giá phải trả rõ ràng đối với Phần Lan là sẽ làm xấu đi mối quan hệ với Nga vào thời điểm mà quan hệ của Moscow với phương Tây đã trở nên rạn nứt và đang ở thời điểm tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Một động thái như vậy sẽ vượt qua ranh giới mà ông Putin vạch ra rằng NATO phải dừng bất kỳ sự mở rộng nào về phía đông. Từ quan điểm của liên minh, việc trở thành thành viên NATO đầy đủ, đòi hỏi Phần Lan được hưởng quyền phòng thủ tập thể theo Điều 5. Theo đó, nếu Nga tấn công Phần Lan, liên minh sẽ buộc phải đáp trả và bảo vệ Phần Lan.

nga2.jpg

 

Laura Nordstrom cho rằng Phần Lan gia nhập NATO sẽ không gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với Nga khi Ukraine hoặc Gruzia tham gia liên minh: "Phần Lan là một quốc gia thành viên EU và không phải là một quốc gia thuộc Liên Xô cũ nên sẽ ít gặp vấn đề hơn đối với Nga. Ít nhất thì Nga đã không công khai chỉ ra rằng Phần Lan sẽ là một mối đe dọa tương đương. Và cũng không giống như Ukraine và Gruzia, Phần Lan chưa bao giờ được sáp nhập vào Liên Xô và được hưởng tư cách thành viên đầy đủ trong hầu hết các tổ chức phương Tây".

Không nên khiêu khích Nga

Một số người nghiên cứ chính sách đối ngoại và an ninh quốc tế tin rằng việc NATO mở rộng, gồm kết nạp Phần Lan trở thành một quốc gia thành viên, là hành động khiêu khích không cần thiết vào thời điểm khi bất kỳ động thái leo thang nào có thể dẫn đến xung đột vũ trang.

Max Abrahms, chuyên gia an ninh quốc tế tại Đại học Northeastern phân tích: "NATO được thành lập để chống lại Liên Xô hiện đã không còn tồn tại. Một điều kiện để kết thúc Chiến tranh Lạnh là NATO phải loại bỏ các quốc gia trong vùng ảnh hưởng của Nga. Phe diều hâu muốn giả vờ rằng Nga không thực sự lo ngại về sự mở rộng của NATO, nhưng đây là không phải là một lập luận nghiêm túc”. Mặc dù sự mở rộng của NATO có thể được phương Tây coi là hoàn toàn mang tính phòng thủ nhưng Nga lại coi đây là một động thái tấn công nhằm kiềm tỏa vị thế của Moscow trên thế giới.

Mặc dù sự ủng hộ gia nhập NATO đã tăng nhẹ trong những năm qua, cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa phần người Phần Lan vẫn phản đối việc gia nhập Liên minh Đại Tây Dương, với 28% ủng hộ và 42% phản đối. Thực tế thì việc Phần Lan hoặc Thụy Điển gia nhập NATO vẫn còn là một thứ xa vời, nhưng nhiều điều có thể thay đổi trong những tháng tới tùy thuộc vào thái độ của Nga với Ukraine. Nói cách khác, phương Tây có thể dùng lá bài Phần Lan và Thụy Điển để cảnh báo Nga không nên hành động đơn phương và phiêu lưu tại Ukraine.

Theo Một Thế giới