Sự thật về Biển Đông (kỳ 5): Biển Đông trong cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung và khẩu hiệu "châu Á của người châu Á"

Ngoài tranh chấp chủ quyền nổi lên ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và các nước ven biển, Biển Đông cũng đang trở thành tâm điểm cạnh tranh chiến lược diễn ra ngày càng quyết liệt giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc.

 

Theo nhiều chuyên gia quốc tế, một trong những mục tiêu chiến lược ưu tiên trước mắt  của Trung Quốc trên lộ trình trở thành cường quốc biển là kiểm soát Biển Đông thông qua việc khống chế chuỗi đảo thứ nhất và thực hiện chiến lược chống tiếp cận/ngăn chặn xâm nhập nhằm loại bỏ vai trò của Mỹ và các nước khác tại đây. Và không khó để hiểu rằng việc Mỹ trở lại can dự tại khu vực trước hết và chủ yếu chính là vì lợi ích của Mỹ, là nhằm mục tiêu kiềm chế Trung Quốc để duy trì ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Á và vị thế độc tôn của Mỹ trên thế giới. 

Trong khi đó, các nước trong khu vực đều có chung nguyện vọng duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác, phát triển, không muốn bị cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh giữa các nước lớn. Vì vậy, nhiều nước ASEAN đã bày tỏ lo ngại rằng đối đầu và cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung sẽ làm gia tăng căng thẳng, bất ổn và nguy cơ xung đột trong khu vực và đều không muốn phải chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc, càng không muốn liên kết với Mỹ để chống Trung Quốc.

Ảnh: Nhóm tàu chiến Mỹ trên Biển Đông tháng 4/2020 (JPEG)

Tuy nhiên, những diễn biến thực tế hiện nay của cục diện và tình hình an ninh khu vực, nhất là yêu sách và hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng đang làm gia tăng quan ngại của cộng đồng khu vực và quốc tế. Việc Trung Quốc tập trung nhanh chóng tăng cường sức mạnh quân sự, đẩy nhanh quân sự hoá Biển Đông đã gây mất cân bằng nghiêm trọng so sánh lực lượng trong khu vực với ưu thế áp đảo tuyệt đối của Trung Quốc. Trong số các quốc gia ven Biển Đông, Trung Quốc là nước duy nhất sở hữu vũ khí hạt nhân và các tàu sân bay; chi phí quốc phòng và sức mạnh quân sự của Trung Quốc, trong đó gồm cả hải quân và không quân đang tăng nhanh nhất và lớn gấp nhiều lần tất cả các nước ven biển cộng lại. Bạn có thể nói đó là vì Trung Quốc là nước lớn có 1,4 tỷ dân và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng bạn cũng có thể dễ dàng hình dung được kết quả của việc dùng sức mạnh áp đảo đó để hiện thực hoá các yêu sách tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông. Thí dụ bạn hãy thử tự hỏi xem Trung Quốc hiện nay đang phát triển nhanh chóng các tàu đổ bộ, diễn tập tấn công chiếm đảo hay quân sự hoá các đảo, đá để làm gì trong khi chắc chắn là không nước nào hiện nay lại có ý đồ dại dột tấn công các thực thể mà Trung Quốc đang chiếm giữ. Điều đó cũng chưa từng xảy ra trong suốt hơn 70 năm qua. Trong thời gian đó, chỉ có Trung Quốc là nước duy nhất sử dụng vũ lực tấn công và chiếm đóng các đảo từ các nước khác mà thôi.

 

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc trên Biển Đông (JPEG image).

Điều nghịch lý là trong khi phản đối trật tự “đơn cực” của Mỹ trên thế giới thì chính Trung Quốc dường như lại đang ra sức áp đặt trật tự “đơn cực” của mình tại Đông Á, nhất là trên Biển Đông. Trong khi thường đề cao chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế trong nhiêu vấn đề toàn cầu thì Trung Quốc lại có cách tiếp cận ngược lại đối với không ít các vấn đề khu vực, đặc biệt là Biển Đông. Việc Trung Quốc luôn ngăn cản "đa phương hoá" vấn đề Biển Đông, bác bỏ phán quyết của Toà Trọng tài về vụ kiện của Philipin hay tuyên bố về "nước lớn, nước nhỏ" của ông Dương Khiết Trì tháng 7/2010 cũng như tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 12/5/2020 vừa qua “Việt Nam không có quyền bình luận về lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông” chỉ là số ít trong rất nhiều thí dụ về thái độ thực chất của Trung Quốc trong quan hệ đối với các nước láng giềng và quan điểm của nước này về trật tự khu vực. Khẩu hiệu “châu Á là của người châu Á” được cho là nhằm loại trừ sự tham gia của tất cả các cường quốc bên ngoài, tạo điều kiện để củng cố và duy trì trật tự đơn cực theo kiểu học thuyết Monroe tại khu vực này và do Trung Quốc thống trị. Vì vậy mà có nhiều ý kiến rất nghi ngại về nội hàm thực chất của khái niệm “cộng đồng chung vận mệnh” mà Trung Quốc mời đang gọi các nước trong khu vực tham gia.

Cần lưu ý là riêng trong vấn đề Biển Đông, vai trò và cách tiếp cận của Mỹ có sự khác biệt đáng kể so với trong nhiều vấn đề khác và rất khác với Trung Quốc. Một mặt, Mỹ không có tham vọng hay bất cứ yêu sách chủ quyền nào tại Biển Đông, mặt khác, mặc dù Mỹ có nhiều hành động vi phạm luật pháp quốc tế trong các trường hợp khác và chưa tham gia UNCLOS nhưng trong vấn đề Biển Đông thì Mỹ lại ủng hộ việc tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, duy trì tự do hàng hải, hàng không, phản đối việc đơn phương kiểm soát Biển Đông và điều đó là phù hợp với lập trường và lợi ích chung của các nước trong khu vực.

Trong khi đó, Biển Đông là vùng biển quốc tế rất quan trọng đối với cả thế giới, việc duy trì hoà bình, ổn định, bảo đảm an toàn và tự do hàng hải, hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế tại đây là lợi ích và trách nhiệm chung không chỉ của các nước ven biển mà còn của cả cộng đồng quốc tế. Yêu sách tham vọng và hành động đơn phương sử dụng sức mạnh kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc không chỉ đe doạ chủ quyền của các quốc gia ven biển mà còn là thách thức đối với luật pháp quốc tế và lợi ích chung của tất cả các nước.

Đó là những lý do chính mà các nước khu vực hoan nghênh sự tham gia đóng góp xây dựng và có trách nhiệm của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế trên vấn đề Biển Đông (trong khi Trung Quốc thì ngược lại). Đó hoàn toàn không phải là nhằm lôi kéo hay liên kết với Mỹ hay các nước khác để chống Trung Quốc. Trái lại, các nước đều mong muốn duy trì và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với Trung Quốc, phản đối mọi hành động khiêu khích, gây căng thẳng, đối đầu, xâm hại độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ hay can thiệp vào công việc nội bộ của tất cả các quốc gia, trong đó có Trung Quốc. Tuyên bố ASEAN về duy trì hoà bình và ổn định ở Đông Nam Á ngày 8/8/2020 vừa qua một lần nữa khẳng định lại cam kết của tổ chức này về khu vực hoà bình, an ninh, trung lập và ổn định, luôn đề cao và tuân thủ luật pháp quốc tế. Điều mong muốn nhất là các nước lớn cần nêu gương trong việc ứng xử có trách nhiệm và tôn trọng đầy đủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó Trung Quốc cần hành động nhất quán với tuyên bố về “thân, thành, huệ, dung” trong quan hệ với láng giềng và cam kết “mãi mãi không xưng bá” mà lãnh đạo nước này đã nhiều lần tuyên bố.

Trần Minh (Tổng hợp)

Còn nữa

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link