Tàu hộ vệ Mỹ sử dụng tên lửa ‘gửi thông điệp tới Trung Quốc’

 

Tàu hộ vệ tương lai của Mỹ sẽ được trang bị tới 16 tên lửa hành trình diệt hạm từng được giới chuyên gia cho là có thể gửi thông điệp tới Trung Quốc.

Mô hình tàu hộ vệ tương lai của hải quân Mỹ /// Hải quân Mỹ

Mô hình tàu hộ vệ tương lai của hải quân Mỹ/HẢI QUÂN MỸ

Sau hơn 8 tháng ký hợp đồng với công ty Ý Fincantieri đóng tàu hộ vệ thế hệ mới (FFX) lớp Constellation, hải quân Mỹ vừa tiết lộ những chi tiết mới nhất về loại tàu này, theo báo Defense News. FFX sẽ được đóng dựa trên tàu hộ vệ đa nhiệm FREMM của Ý theo phiên bản chống tàu ngầm. Tàu hộ vệ thế hệ mới này có chiều dài hơn 151 m, lượng giãn nước 7.291 tấn và thủy thủ đoàn 200 người.

Dàn vũ khí đáng gờm

Cụ thể, tàu hộ vệ lớp Constellation sẽ được trang bị pháo MK 110 57 mm, 16 tên lửa tấn công trên biển (NSM), hệ thống phóng thẳng đứng MK 41, hệ thống phóng tên lửa dẫn đường MK 49, hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống tác chiến Aegis baseline 10, radar AN/SPY-6(V3), trực thăng đa nhiệm MH-60R Seahawk cùng một máy bay không người lái.

Trong đó, NSM là loại tên lửa hành trình chống hạm có khả năng tàng hình và rất khó phát hiện trên radar. Một điểm đáng chú ý là NSM có tầm bắn hơn 185 km, xa hơn 30% so với tên lửa diệt hạm Harpoon hải quân Mỹ sử dụng lâu nay. Tên lửa NSM còn được kết nối với trực thăng không người lái MQ-8B Fire Scout để trinh sát và truy lùng nhiều mục tiêu khác nhau.

NSM được tàu tác chiến cần bờ Mỹ USS Gabrielle Giffords phóng thử lần đầu tiên ở Thái Bình Dương hồi tháng 10.2019. Khi đó, chuyên gia Timothy Heath thuộc tổ chức nghiên cứu chính sách Rand Corp (Mỹ) cho rằng NSM có thể gửi thông điệp không chỉ cho Trung Quốc mà còn đến những đối tác của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, theo CNN.

Tàu hộ vệ Mỹ sử dụng tên lửa ‘gửi thông điệp tới Trung Quốc’ - ảnh 1

Cảnh tên lửa NSM phóng từ tàu tác chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords/HẢI QUÂN MỸ

Hệ thống phóng MK 41 thì có 32 ống phóng, có thể phóng nhiều loại tên lửa, như tên lửa hành trình tầm xa RGM-109 Tomahawk, tên lửa chống tàu ngầm RUM-139 VL-ASROC và tên lửa diệt hạm RIM-67 Standard.

Còn hệ thống tác chiến Aegis baseline 10 là phiên bản mới nhất của hệ thống tác chiến Aegis do tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin phát triển và dự kiến được bàn giao cho hải quân vào năm 2023, theo chuyên trang USNI News. Việc phát triển hệ thống tác chiến Aegis baseline 10 cho thấy Lockheed Martin muốn hệ thống tác chiến Aegis tương thích với nhiều hệ thống khác của tàu chiến, mang lại cho giới chỉ huy nhiều lựa chọn về cách đối phó các mối đe dọa. Hệ thống tác chiến Aegis baseline 10 còn được thiết kế để hoạt động cùng với radar AN/SPY-6, được giới chuyên gia cho là mạnh hơn gấp 35 lần so với những hệ thống radar tân tiến nhất hiện nay.

Phép thử quan trọng

Hồi tháng 4.2020, Fincantieri được hải quân Mỹ giao hợp đồng trị giá 795 triệu USD để thiết kế và đóng chiếc đầu tiên thuộc lớp Constellation tại xưởng đóng tàu Marinette của công ty này ở bang Wisconsin (Mỹ). Nếu đóng 10 chiếc, giá trị hợp đồng có thể lên tới 5,6 tỉ USD.

Theo tiết lộ mới từ hải quân Mỹ, chiếc đầu tiên thuộc lớp Constellation sẽ được đóng từ quý một của năm 2022, được hạ thủy vào quý một của năm 2025 và được bàn giao cho hải quân vào năm 2026. Giá đóng chiếc đầu tiên thuộc lớp Constellation là 1,28 tỉ USD và giá cho những chiếc tiếp theo từ 850-950 triệu USD. Tàu có thời gian hoạt động dự kiến kéo dài 25 năm.

Tàu hộ vệ lớp Constellation là nỗ lực sống còn đối với hải quân Mỹ và là phép thử quan trọng cho lực lượng này trở lại việc đóng tàu sử dụng công nghệ mới nhất hiện có hơn là thiết kế sử dụng công nghệ đang được phát triển, theo Defense News.

Ngoài ra, Tham mưu trưởng hải quân Mỹ Michael Gilday mới đây cho hay tàu hộ vệ lớp Constellation sẽ được hải quân dùng làm mẫu cho việc thiết kế và đóng tàu khu trục thế hệ mới và đó cũng là lý do hải quân Mỹ quyết thực hiện kế hoạch đóng tàu hộ vệ lớp Constellation.

Theo Thanh niên

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link