Triều Tiên khoe dàn tên lửa để 'át vía' Hàn Quốc

Triều Tiên tổ chức triển lãm khí tài chưa từng có tiền lệ ở Bình Nhưỡng, dường như nhằm lấn át sự kiện quốc phòng tương tự của Hàn Quốc

Triều Tiên hôm 11/10 khai mạc Triển lãm Phát triển Quốc phòng 2021, sự kiện chưa từng có tiền lệ với sự xuất hiện của những vũ khí hiện đại nhất trong biên chế nước này hoặc đang được thử nghiệm, nhằm kỷ niệm 76 năm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên.

Hội chợ diễn ra chỉ vài ngày trước khi Hàn Quốc khai mạc Triển lãm Quốc phòng và Hàng không Quốc tế Seoul (ADEX) 2021, một trong những sự kiện quốc phòng lớn nhất châu Á. Giới chuyên gia cho rằng Triển lãm Phát triển Quốc phòng Bình Nhưỡng là một phần nỗ lực của Triều Tiên nhằm "át vía", khiến triển lãm tại Seoul bị lu mờ, trong bối cảnh hai miền bán đảo đang tăng cường đáng kể năng lực quân sự với những động thái tương đồng nhau.

Kim Jong-un (ngồi ghế đệm) quan sát cường kích Su-25 biểu diễn trong bức ảnh công bố hôm 12/10. Ảnh: KCNA.

Kim Jong-un (ngồi ghế đệm) quan sát cường kích Su-25 biểu diễn trong bức ảnh công bố hôm 12/10. Ảnh: KCNA.

"Triều Tiên cố ý chọn thời điểm tổ chức triển lãm để giành sự chú ý của cộng đồng quốc tế, trước khi Hàn Quốc có cơ hội phô diễn vũ khí và tìm kiếm đơn hàng từ nước ngoài. Họ đang tận dụng nỗ lực của ngành quốc phòng Hàn Quốc nhằm tìm kiếm khách hàng riêng và phát thông điệp với thế giới rằng 'đừng quên chúng tôi'", Cho Jin-soo, cựu chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hàng không và Vũ trụ Hàn Quốc, nhận định.

ADEX được tổ chức hai năm một lần, trong khi triển lãm quốc phòng tại Bình Nhưỡng diễn ra mà không được thông báo từ trước. "Triều Tiên dường như đã suy tính rất kỹ trước khi tổ chức triển lãm. Họ có vẻ đang chuẩn bị cho giai đoạn leo thang căng thẳng và đối đầu", Joost Oliemans, chuyên gia về năng lực quân sự Triều Tiên, nêu quan điểm.

Trong bài phát biểu khai mạc triển lãm, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng chỉ trích nỗ lực củng cố năng lực quốc phòng của Hàn Quốc đang phá hoại cán cân quân sự trong khu vực, làm tăng nguy hiểm và bất ổn. "Hàn Quốc đã nhiều lần công khai bày tỏ ý định giành lợi thế quân sự trước Triều Tiên với cái cớ vô lý là kiểm soát mối đe dọa từ chúng ta", ông nói.

Dù có thời điểm và hình thức tổ chức tương đồng, hai triển lãm vẫn khác nhau rất nhiều, do Triều Tiên và Hàn Quốc nhắm tới những đối tượng khác nhau.

Sự kiện của Triều Tiên có sự tham dự của nhiều quan chức cấp cao đến từ khắp đất nước, nhưng không có phái đoàn lớn nào từ nước ngoài, trong bối cảnh nước này đóng biên để ngăn Covid-19, cũng như đang hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt do chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân.

Điểm nhấn của triển lãm là khu trưng bày tên lửa đạn đạo tầm xa và phóng từ tàu ngầm, với các mẫu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-12, Hwasong-17, Pukguksong-5 và tên lửa siêu vượt âm Hwasong-8, đánh dấu lần đầu tiên nước này công khai hình ảnh của loại vũ khí mới được phóng thử hồi tháng trước.

Ủy ban chuyên gia giám sát lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc từng nhiều lần cáo buộc Triều Tiên liên tục xuất khẩu vũ khí những năm gần đây, đồng thời tiến hành hợp tác quốc phòng với một số quốc gia trên thế giới.

Tên lửa Hwasong-8 (mũi vàng) tại Triển lãm Phát triển Quốc phòng của Triều Tiên hôm 11/10. Ảnh: KCNA.

Tên lửa Hwasong-8 (mũi vàng) tại Triển lãm Phát triển Quốc phòng của Triều Tiên hôm 11/10. Ảnh: KCNA.

"Không chỉ phô diễn những vũ khí mới, triển lãm tại Bình Nhưỡng còn nhằm ca ngợi lãnh đạo Triều Tiên với hàng loạt tranh ảnh về ông, trong đó có bức ảnh Kim mặc quân phục hoặc đang bắn súng", nhà phân tích Rachel Minyoung Lee tại dự án 38 North chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên cho hay.

Trong khi đó, ban tổ chức ADEX 2021 cho biết sẽ có 440 công ty từ 28 quốc gia góp mặt, cùng 300 quan chức quốc phòng từ 45 nước, trong đó có nhiều bộ trưởng. Hàn Quốc dự kiến trưng bày nhiều công nghệ quốc phòng tối tân như máy bay không người lái (UAV), hệ thống huấn luyện dùng thực tế ảo, vũ khí laser và phương tiện cơ giới đa năng không người lái.

Tâm điểm của ADEX 2021 sẽ là nguyên mẫu tiêm kích tàng hình KF-21 và nhiều vũ khí dẫn đường. Hàn Quốc cũng đang tìm kiếm các nhà cung cấp công nghệ máy bay tiếp dầu.

Kallman Worldwide, công ty phụ trách hiện diện của Mỹ tại các triển lãm quốc phòng toàn cầu, cho rằng "màn phô trương hạt nhân" của Triều Tiên và các nỗ lực giải quyết căng thẳng bằng biện pháp ngoại giao khiến ADEX diễn ra với "tinh thần khẩn trương và thu hút nhiều chú ý".

"Những khoản tăng ngân sách quốc phòng nhằm đối phó chương trình hạt nhân Triều Tiên cũng khiến các nhà cung cấp vũ khí hứng thú với sự kiện", công ty này cho hay. Chính phủ Hàn Quốc gần đây thông qua hàng loạt đợt tăng chi phí quân sự, với ngân sách 47,6 tỷ USD cho năm 2022, tăng 4,5% so với một năm trước.

"Việt Triều Tiên quyết định tổ chức triển lãm với đầy đủ thông số của từng vũ khí là điều rất hiếm hoi với đất nước thường chỉ phô diễn khí tài trong các cuộc duyệt binh", Joseph Dempsey, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), nêu quan điểm.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết đang phối hợp với Mỹ để nghiên cứu những vũ khí xuất hiện tại Triển lãm Phát triển Quốc phòng Triều Tiên. Ngoài tên lửa đạn đạo, Bình Nhưỡng cũng trưng bày nhiều loại tên lửa hành trình diệt hạm, tên lửa phòng không và chống tăng, UAV và vũ khí bộ binh.

"Những gì chúng ta thấy là tập hợp của nhiều hệ thống đã phát triển hoàn thiện hoặc đang trong giai đoạn thử nghiệm", Oliemans nói.

Theo Vũ Anh/Vnexpress (nguồn Reuters)