Trung Quốc thử đầu đạn siêu vượt âm khiến Mỹ bất ngờ

Trung Quốc bí mật thử đầu đạn lướt siêu vượt âm có thể bay nhiều vòng quanh Trái Đất hồi tháng 8, khiến tình báo Mỹ hoàn toàn bất ngờ.

 

Tờ Financial Times dẫn lời 5 quan chức Mỹ giấu tên hôm qua cho biết Trung Quốc phóng một tên lửa Trường Chinh 2C lên không gian hồi tháng 8, mang theo phương tiện lướt siêu vượt âm có thể trang bị đầu đạn hạt nhân. Thông tin về vụ phóng không được Bắc Kinh công bố, trái ngược với các đợt phóng tên lửa Trường Chinh 2C trước và sau đó.

"Đầu đạn bắn trượt và rơi cách mục tiêu 30 km trong cuộc thử nghiệm, nhưng tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực vũ khí siêu vượt âm đã khiến tình báo Mỹ hoàn toàn bất ngờ", một quan chức thừa nhận.

Tên lửa Trường Chinh 2C rời bệ phóng tại Trung Quốc hồi tháng 6/2021. Ảnh: CASC.

Tên lửa Trường Chinh 2C rời bệ phóng tại Trung Quốc hồi tháng 6/2021. Ảnh: CASC.

Giới chức Mỹ cho biết mẫu phương tiện lướt siêu vượt âm Trung Quốc thử nghiệm hồi tháng 8 có thể bay nhiều vòng quanh Trái Đất ở quỹ đạo thấp, sau đó trở lại khí quyển và lao xuống mục tiêu với tốc độ lớn từ những hướng không ngờ tới, đặt ra thách thức không nhỏ với mạng lưới phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc không bình luận về thông tin, nhưng nhấn mạnh lo ngại của Mỹ về nỗ lực gia tăng sức mạnh của quân đội Trung Quốc, cho rằng điều này có nguy cơ gây leo thang căng thẳng trong khu vực và xa hơn. "Đó là một trong những lý do chúng tôi coi Trung Quốc là thách thức hàng đầu", ông nói.

Tên lửa siêu vượt âm là vũ khí có tốc độ tối thiểu gấp 5 lần âm thanh (Mach 5), tương đương hơn 6.200 km/h. Những vũ khí bay nhanh hơn vận tốc âm thanh nhưng không đạt ngưỡng Mach 5 thường chỉ được gọi là tên lửa siêu thanh.

Tốc độ lớn, khả năng cơ động và đường bay thấp trong khí quyển khiến vũ khí siêu vượt âm rất khó bám bắt và đánh chặn so với tên lửa đạn đạo truyền thống, đặt ra thách thức lớn với mọi lưới phòng không hiện đại. Đối phương cũng có ít thời gian phản ứng trước vũ khí siêu vượt âm, không kịp triển khai lực lượng đánh chặn hoặc sơ tán.

Nga, Mỹ, Trung Quốc và ít nhất 5 quốc gia khác đang nghiên cứu công nghệ này, trong đó Moskva và Bắc Kinh đã biên chế một số loại tên lửa siêu vượt âm hoặc tên lửa mang đầu đạn lướt nhằm đối phó với Washington.

Vũ Anh (Theo Financial Times)

Nguồn: VnExpress