Ứng xử với nước lớn không chọn bên mà chọn luật pháp quốc tế

Nước này hay nước kia nói chúng ta chọn bên. Nhưng ta luôn khẳng định chọn lợi ích của chúng ta, chọn nguyên tắc chung của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế để xây dựng lập trường của mình.

 

Tuần Việt Nam giới thiệu phần 2 cuộc bàn tròn trực tuyến với  Đại sứ Lê Lương Minh - nguyên Tổng thư ký ASEAN, nguyên Trưởng phái đoàn Việt Nam tại LHQ và ông Đỗ Hùng Việt - Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao) về 6 tháng Việt Nam đảm nhận trọng trách ủy viên không thường trực (UVKTT) HĐBA.  

Ngay trong tháng đầu tiên tham gia HĐBA, Việt Nam đưa ra sáng kiến về phiên họp hợp tác giữa LHQ và ASEAN. Sáng kiến này tạo diễn đàn trao đổi hợp tác lần đầu tiên giữa hai tổ chức. Đại sứ đánh giá như thế nào về sự kiện này?

Hợp tác ASEAN - LHQ bắt đầu từ những năm 1970 chủ yếu trong lĩnh vực hoạt động phát triển. Đến 2011, hai bên ký tuyên bố nâng cấp lên quan hệ đối tác toàn diện và từ đó hàng năm hai bên tổ chức họp cấp cao giữa lãnh đạo của ASEAN và Tổng thư ký LHQ.

Việc HĐBA lần đầu tiên tổ chức phiên họp hợp tác ASEAN - LHQ đã góp phần nâng cao nhận thức vai trò, đóng góp của ASEAN cũng như về tầm quan trọng của hợp tác hai bên, khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong duy trì hòa bình an ninh ổn định khu vực, đồng thời tạo cơ hội để ASEAN chia sẻ với cộng đồng quốc tế định hướng trong việc giải quyết các vấn đề khu vực. 

Việc tổ chức phiên họp đầu tiên về hợp tác ASEAN - LHQ là thành công của chúng ta khi đảm nhiệm trách nhiệm kép: Chủ tịch ASEAN và UVKTT HĐBA.

Độc lập, tự chủ trong mọi quyết định

Ở những tình huống phức tạp, với vấn đề khác biệt và bất đồng giữa các nước thành viên, Việt Nam đã có hướng xử lý thế nào để vừa thể hiện được lập trường cân bằng, đáp ứng những mối quan tâm chính đáng của các nước cũng như mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, thưa ông Đỗ Hùng Việt?

Xung đột trên thế giới diễn ra ở mọi khu vực, từ châu Mỹ, châu Âu, châu Phi hay châu Á. Việc chúng ta đảm nhận vai trò UVKTT HĐBA - cơ chế quan trọng hàng đầu trong việc gìn giữ hòa bình an ninh quốc tế và phải xử lý tất cả các vấn đề phức tạp trong bối cảnh các nước lớn cạnh tranh quyết liệt là thách thức rất lớn.

Tôi nghĩ xuất phát từ bài học lịch sử, kinh nghiệm ứng xử quan hệ quốc tế, xuất phát từ đường lối đối ngoại độc lập tự chủ thì nguyên tắc quan trọng hàng đầu là phải duy trì được độc lập, tự chủ đó trong bất kỳ quyết định nào chúng ta đưa ra.

Ứng xử với nước lớn không chọn bên mà chọn luật pháp quốc tế
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì phiên thảo luận mở về Hiến chương LHQ

Phải xác định được lợi ích quốc gia của Việt Nam, đó là duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phục vụ cho phát triển; Lợi ích trong việc tăng cường thúc đẩy quan hệ song phương với các nước lớn, các nước láng giềng và các nước đối tác; Lợi ích là hỗ trợ để HĐBA ra quyết định phục vụ cho những lợi ích chung của quốc tế về hòa bình ổn định, an ninh và phát triển.

Một yếu tố nữa trong việc xử lý những vấn đề khó khăn là việc chúng ta luôn luôn dựa vào luật pháp quốc tế, dựa vào Hiến chương LHQ. Đây là cái neo rất quan trọng. 

Ngay trong tháng 1, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chủ trì phiên thảo luận mở với chủ đề “Kỷ niệm 75 năm LHQ: Tuân thủ Hiến chương để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”. Sự kiện có sự tham dự đông đảo nhất của các nước thành viên HĐBA từ trước đến nay.

Chúng ta đã đề cao được vai trò của Hiến chương LHQ với những nguyên tắc cơ bản về tôn trọng độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình...

Dựa trên những nguyên tắc đó, chúng ta luôn có được cách xử lý phù hợp. Đôi khi có thể nước nay nước kia nói chúng ta chọn bên. Nhưng chúng ta luôn khẳng định chọn lợi ích của chúng ta, chọn các nguyên tắc chung của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế để xây dựng lập trường của mình.

Ứng xử với nước lớn không chọn bên mà chọn luật pháp quốc tế
Đại sứ Lê Lương Minh

Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

Đại sứ Lê Lương Minh có chia sẻ thế nào về những đánh giá của cộng đồng quốc tế khi Việt Nam đảm nhận vai trò UVKTT HĐBA?

Lãnh đạo ASEAN, LHQ và các nước nói chung đều đánh giá tích cực sự tham gia và đóng góp của Việt Nam. Họ cho rằng ta có lập trường rất kiên định, cân bằng, có trách nhiệm và nhất quán. Các nước nhìn nhận Việt Nam như một đối tác tin cậy, giúp họ có thể phản ánh khách quan lập trườngcủa mình.

Cho đến nay liệu Việt Nam đã hoàn thành được các mục tiêu đề ra khi tham gia HĐBA chưa, thưa ông Đỗ Hùng Việt?

Chúng ta cũng mới tham gia được 6 tháng trong HĐBA, mới là ¼ chặng đường. Chúng ta cũng đã có kết quả bước đầu rất quan trọng. Đó là triển khai cụ thể đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước đề ra. Ta đã phục vụ và bảo vệ được lợi ích sát sườn của Việt Nam, góp phần tạo dựng được môi trường hòa bình ổn định để phát triển; đóng góp tiếng nói góp phần làm giảm căng thẳng ở các nơi, tạo điều kiện cho các hoạt động gìn giữa hòa bình, các hoạt động hỗ trợ nhân đạo ở nơi xung đột.

Chúng ta cũng thúc đẩy được sự tôn trọng và đề cao vai trò của luật pháp quốc tế của Hiến chương LHQ trong quan hệ quốc tế.

Tất cả những điều này có thể nói dù nhỏ nhưng đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa theo đúng tinh thần của Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới mà Đảng đã thông qua.

Lợi ích xa mà gần

Vậy đâu là lợi ích Việt Nam có được trong 6 tháng qua?

Có lẽ lợi ích lớn mà chúng ta đã đạt được, đó là đóng góp tiếng nói để HĐBA có những quyết định hỗ trợ cho việc giảm căng thẳng nhiều xung đột, tạo điều kiện cho các bên ngồi lại với nhau trao đổi tìm kiếm các giải pháp để giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Rộng hơn là tạo dựng ra một môi trường quốc tế ổn định hơn để phục vụ trực tiếp cho lợi ích của chúng ta - lợi ích phát triển.

Đôi khi cũng có những người bạn của tôi hỏi tôi là “Cuối cùng tham gia HĐBA để làm gì? Toàn những chuyện ở châu Phi, ở Trung Đông xa xôi, chúng ta có lợi ích gì ở đấy?”. Thực ra nếu các khu vực đó có hòa bình và ổn định thì mới có thể mang lại ổn định chung trong bối cảnh các nước phụ thuộc lẫn nhau như hiện nay.

Khi tham gia HĐBA, chúng ta mới có điều kiện để thể hiện quan điểm của mình trên rất nhiều vấn đề. Ví dụ, mâu thuẫn hiện nay giữa Ai Cập - Ethiopia và Sudan liên quan đến việc xây dựng đập thủy điện. Mặc dù ở rất xa, nhưng tại HĐBA, ta thể hiện rất rõ quan điểm của mình về việc là sử dụng bền vững nguồn nước xuyên biên giới. Qua đó, ta cũng thể hiện quan điểm liên quan đến vấn đề rất sát sườn là sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.

Ứng xử với nước lớn không chọn bên mà chọn luật pháp quốc tế
Ông Đỗ Hùng Việt - Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao)

Lời chúc hoàn thành nhiệm vụ

Hiện nay cạnh tranh giữa các nước lớn rất gay gắt. Các thể chế đa phương gặp nhiều thách thức do những hành động đơn phương cường quyền không tôn trọng luật pháp quốc tế và xâm phạm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ có xu hướng gia tăng. Như vậy phương hướng tham gia HĐBA của Việt Nam trong 17 tháng còn lại là gì, thưa ông Đỗ Hùng Việt?

Chặng đường phía trước còn rất là dài và khó khăn. Ở đây có 2 phương hướng lớn mà chúng ta xác định. Đó là tăng cường vai trò luật pháp quốc tế, của Hiến chương LHQ, vai trò của các tổ chức khu vực, đặc biệt là hình ảnh vị thế của ASEAN.

Hai là, bên cạnh việc xử lý các vấn đề khu vực, các xung đột, chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục để lại những dấu ấn. Để làm được điều đó, ta đã xác định một số ưu tiên lớn sẽ thúc đẩy.

Đầu tiên là câu chuyện về việc khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có việc xử lý các thách thức do vấn đề bom mìn đặt ra.

Tăng cường đóng góp cho các hoạt động gìn giữa hòa bình của LHQ; nỗ lực thúc đẩy các vấn đề nhân đạo như bảo vệ thường dân, bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu ở trong xung đột vũ trang hay là bảo vệ phụ nữ và trẻ em.

Như vậy trong 17 tháng tiếp theo, ông có mong muốn có thể nhận được “mảnh giấy thiện chí” như Đại sứ Lê Lương Minh từng có?

Tôi mong khi kết thúc nhiệm kỳ HĐBA sẽ nhận được “mảnh giấy” từ Đại sứ Lê Lương Minh trong đó ghi một lời chúc mừng nho nhỏ đã hoàn thành nhiệm vụ. Còn từ góc độ quốc tế, chúng tôi chỉ mong nếu có một mảnh giấy thiện chí thì nội dung sẽ là cảm ơn Việt Nam đã có những đóng góp thiết thực cho hoạt động của HĐBA.

Tuần Việt Nam

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link