Vì sao Nga lại điều máy bay ném bom đến Bắc Cực?

Bộ Quốc phòng Nga liên tục củng cố nhóm không quân ở phía Bắc thông qua việc duy trì sự hiện diện không chỉ có máy bay chiến đấu mà còn cả máy bay tiêm kích-ném bom đa năng Su-34 ở Bắc Cực, với mục tiêu kiềm chế sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Moscow đã nhiều lần cảnh báo NATO đang tăng cường hoạt động quân sự ở phía Bắc nước này.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gọi hành động của NATO là một cuộc tấn công. Nga phải đối phó sự bành trướng này bằng cách mở rộng danh sách các loại vũ khí và thiết bị quân sự tham gia bảo vệ đất nước từ phía Bắc.

Lực lượng không quân được đặc biệt chú trọng vì đây là một trong những công cụ hữu hiệu nhất để kiềm chế kẻ thù tiềm tàng trong vùng lãnh thổ rộng lớn ở Bắc Cực.

Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không và Không quân Nga, Thiếu tướng Igor Churkin cho biết gần đây khả năng của tiêm kích đánh chặn MiG-31 đã được thử nghiệm tại sân bay Rogachevo mới được phục dựng trên quần đảo Novaya Zemlya.

Trong chuyến thám hiểm Bắc Cực toàn diện mang tên “Umka-2021” tại khu vực quần đảo Franz Josef Land, 2 chiếc MiG-31 đã thực hiện một chuyến bay tầm xa: cất cánh từ sân bay Nagurskoye tới Bắc Cực, thực hiện thành công một nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu và trở về sân bay.

Trong khi đó, vào tháng 4, các máy bay tiêm kích-ném bom đa chức năng Su-34 đã được chuyển đến Bắc Cực từ vùng Chelyabinsk.

Theo Bộ Quốc phòng, các máy bay Su-34 đã thực hiện khoảng 20 phi vụ ở Bắc Cực, các phi hành đoàn thực hành tuần tra khu vực Bắc Cực, làm nhiệm vụ dẫn đường trên không và cơ động trên mặt nước.

Trong các chuyến bay, Su-34 đã phóng tên lửa đất đối không độ chính xác cao vào các mục tiêu trên biển mô phỏng tàu ngầm nổi trên mặt nước và tàu chiến của đối phương. Ngoài ra, các phi hành đoàn cũng thực hành phóng tên lửa tầm ngắn.

Bên cạnh đó, các chuyên gia đã phát triển các hệ thống trinh sát quang-điện tử, radar và trinh sát điện tử mới cho Su-34, nhờ đó phi hành đoàn có thể phát hiện mọi mục tiêu trên mặt đất và mặt nước, xác định tọa độ mục tiêu với độ chính xác cao.

Dữ liệu được truyền tự động qua một kênh liên lạc an toàn từ máy bay tới các đơn vị mặt đất trong thời gian thực. Do vậy, hiện Su-34 có thể được sử dụng hiệu quả hơn như một phần của hệ thống trinh sát và tấn công liên quân, cũng như tiến hành các hoạt động tác chiến trong không gian thông tin chung.

Trong 10 năm qua, Bộ Quốc phòng Nga đã nâng cấp một số đường băng ở Bắc Cực và xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng quân sự. Ví dụ, sau khi đường băng mới đi vào hoạt động, sân bay Nagurskoye trên đảo Alexandra Land thuộc quần đảo Franz Josef Land có thể tiếp nhận các loại máy bay, kể cả máy bay ném bom chiến lược.

Căn cứ quân sự Nga nằm xa nhất về phía Bắc - Arktichesky Trilistnik (Arctic Trefoil) đã trở thành căn cứ quân sự thường trực hoạt động cả 4 mùa. Hầu như tất cả các loại máy bay được trang bị cho Lực lượng Không quân Vũ trụ và Hàng không Hải quân Nga có thể hạ cánh ở đây quanh năm.

Nga còn dự định chi 5 tỷ Ruble (68,3 triệu USD) cho việc xây dựng sân bay Temp trên Đảo Kotelny, có chức năng tương tự như sân bay Arktichesky Trilistnik. Các sân bay Tiksi, Anadyr và Vorkuta ở Bắc Cực cũng đã được tái thiết.

Chu An (theo Sputnik)

Nguồn Baoquocte.vn