Vì sao Nga tăng cường quân ở biên giới Ukraine?

Các nhà phân tích đã tìm cách lý giải động cơ khiến Nga triển khai lực lượng quân sự hùng hậu tới gần biên giới Ukraine trong những tuần gần đây.

Theo Sputnik, Cao ủy Đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell ước tính Nga đã triển khai hơn 100.000 binh sĩ đến Crimea và khu vực giáp biên giới Ukraine. Ông Borrell nhận định đây là đợt triển khai lực lượng lớn nhất của quân đội Nga tại biên giới Ukraine từ trước đến nay.

Lầu Năm Góc cũng dẫn nguồn tin tình báo cho biết, quy mô triển khai lực lượng quân sự của Nga thậm chí lớn hơn so với năm 2014 khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Các nhà phân tích, cũng như các quan chức Ukraine và phương Tây, đã tốn nhiều công sức để lý giải động cơ phía sau hoạt động điều quân của Nga: Liệu đây chỉ đơn giản là động thái nhằm gửi thông điệp tới Ukraine và chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, hay đó là sự chuẩn bị cho hành động quân sự của Nga hoặc thậm chí là một cuộc xung đột toàn diện với Ukraine?

Hiện tại, chỉ Nga mới biết câu trả lời là gì. Tuy nhiên hầu hết các nhà quan sát đều kết luận rằng, việc Nga công khai dồn quân tới biên giới Ukraine có thể chỉ là chiến thuật răn đe, mặc dù vẫn không thể loại trừ nguy cơ leo thang xung đột.

"Nhìn chung, tình hình hiện tại đã tốt hơn so với một tuần trước đó", Oleksiy Semenov, cựu cố vấn Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine, cho biết trong cuộc phỏng vấn hôm 16/4.

"Tôi có thể nói rằng khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh thực sự hoặc thậm chí là một cuộc xung đột quân sự quy mô trung bình - có thể ở tiền tuyến hoặc ở biên giới - là thấp. Nhưng điều đó không có nghĩa là tình hình không thay đổi", ông Semenov nhận định.

Xung đột ở miền Đông Ukraine đã hạ nhiệt kể từ năm 2015, sau khi các bên đạt được một thỏa thuận hòa bình chấm dứt giao tranh. Tuy nhiên, tiến trình hòa bình sau đó đã đi vào bế tắc, khiến nhiều khu vực ở miền Đông Ukraine nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng ly khai. Ukraine cáo buộc phe ly khai do Nga kiểm soát đã đối đầu với quân đội chính phủ Ukraine, song Moscow đã nhiều lần bác bỏ.

Kể từ cuối tháng 3, mạng xã hội Nga tràn ngập những video cho thấy các đoàn tàu chở xe bọc thép và pháo hạng nặng tiến vào Crimea và khu vực gần miền Đông Ukraine. Động thái này diễn ra cùng thời điểm với một loạt tuyên bố cứng rắn trên các phương tiện truyền thông Nga. Cùng lúc đó, lệnh ngừng bắn ở miền Đông Ukraine giữa phe ly khai và chính phủ Ukraine đã sụp đổ, khiến các vụ nổ súng gia tăng.

Theo ABC News, ước tính số lượng binh sĩ Nga được triển khai gần Ukraine hiện dao động từ khoảng 60.000 - 100.000 người, mặc dù nhiều người trong số này thường xuyên đóng quân tại đây. Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho biết Moscow đã chuyển 2 đơn vị lục quân và 3 đơn vị không quân đến biên giới phía tây nam, khẳng định việc tăng cường lực lượng là một phần của chiến dịch nhằm "kiểm tra khả năng sẵn sàng" chiến đấu để đối phó với các hoạt động leo thang căng thẳng từ Mỹ và NATO.

Nga đã lập một căn cứ thực địa mới quy mô lớn cho hàng trăm phương tiện. Động thái này có thể thấy rõ trên hình ảnh vệ tinh, hoặc do các nhà báo nước ngoài tiết lộ khi họ được cho phép đến gần khu vực này.

Thông điệp của Nga

Vì sao Nga tăng cường quân ở biên giới Ukraine? - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Moscow năm 2011 (Ảnh: AFP).

Hầu hết các nhà quan sát tin rằng động thái dồn quân của Nga thực chất nhằm gửi đi một thông điệp, hơn là một lời cảnh báo cho một cuộc xung đột quân sự.

Nhiều nhà quan sát cho rằng sự phô trương lực lượng của Nga có thể nhằm gửi tín hiệu với cả Ukraine và chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Theo Dmitry Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, đối với Ukraine, đây là lời cảnh báo về nỗ lực của nước này nhằm sử dụng lực lượng quân sự để chiếm lại các vùng lãnh thổ bị phe ly khai chiếm đóng, đồng thời bày tỏ sự không hài lòng trước sự chuyển hướng gần đây của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khi ông có lập trường ngày càng quyết đoán hơn với các nhóm thân Nga tại Ukraine.

Còn đối với Mỹ, chuyên gia Trenin cho rằng động thái của Nga giống như một lời cảnh báo về việc Washington nên "để mắt" hơn tới Ukraine.

Các nhà phân tích khác nhận định đây là phép thử ban đầu của Nga đối với chính quyền Biden và cũng là thông điệp từ Điện Kremlin rằng, Moscow có thể hành động nếu lợi ích của họ bị phớt lờ.

Các động thái của Nga đã thành công trong việc thu hút sự chú ý của phương Tây. Tổng thống Joe Biden đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và đề nghị tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh trong những tháng tới, điều mà các nhà phân tích cho rằng ông Putin đang nóng lòng chờ đợi.

Một số nhà phân tích tin rằng Điện Kremlin đã "bắt thóp" các động thái quyết đoán hơn của Ukraine gần đây để thể hiện lập trường của Moscow. Căng thẳng Nga - Ukraine leo thang khi Tổng thống Zelensky cấm 3 kênh truyền thông thân Nga và trừng phạt một nhà tài phiệt quyền lực được cho là thân cận với Tổng thống Putin ở Ukraine. Ông Zelensky cũng lệnh tiến hành các cuộc tập trận quân sự gần biên giới với Nga.

"Mặc dù các động thái của Ukraine vào thời điểm đó không phải là sự chuẩn bị cho một cuộc tấn công quân sự. Nhưng Điện Kremlin vẫn quyết định nắm bắt các động thái này để gia tăng lực lượng", chuyên gia Trenin nhận định.

Theo chuyên gia Trenin và các nhà phân tích khác, Nga thực sự lo ngại về việc các nhà lãnh đạo của Ukraine có thể đang hiểu lầm những tuyên bố ủng hộ từ Mỹ, rằng Washington ủng hộ Kiev trong việc sử dụng vũ lực để giành lại các khu vực bị phe ly khai chiếm đóng ở Đông Ukraine.

Thành Đạt

Theo Dân trí

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link