Bảo tồn và phát triển vùng đất ngập nước: Mục tiêu để Việt Nam phát triển bền vững

Việc bảo tồn và phát triển các vùng đất ngập nước là xác định là một trong những mục tiêu để Việt Nam phát triển bền vững.

Những vùng đất ngập nước được coi là "những mạch máu của Trái Đất". Bởi có tới 40% tổng số các loài động thực vật trên thế giới sống hoặc sinh sản tại các vùng đất ngập nước. Đất ngập nước hỗ trợ các hệ sinh thái quan trọng và đa dạng sinh học. 

Tại Việt Nam, diện tích đất ngập nước lên tới khoảng 12 triệu ha và phân bố ở mọi vùng sinh thái của đất nước. Những khu vực này có mức độ đa dạng sinh học cao, chứa đựng nhiều chức năng và giá trị quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế của người dân cũng như đóng vai trò lớn trong đời sống văn hóa - xã hội.

Thống kê cho thấy, các vùng đất ngập nước đã cung cấp lương thực, thủy sản cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD. Do đó, việc bảo tồn và phát triển các vùng đất ngập nước là một trong những mục tiêu để Việt Nam phát triển bền vững.

Bảo tồn và phát triển vùng đất ngập nước: Mục tiêu để Việt Nam phát triển bền vững - Ảnh 1
Các vùng đất ngập nước ở Việt Nam có tổng diện tích lên tới khoảng 12 triệu ha và phân bố ở mọi vùng sinh thái của đất nước.

Trong bối cảnh gần 90% vùng đất ngập nước trên thế giới đã bị suy thoái hoặc thậm chí biến mất, việc nâng cao nhận thức trên toàn cầu về các vùng đất ngập nước, nỗ lực phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái quan trọng là một trong những nhiệm vụ cấp bách của toàn thế giới hiện nay.

Trên cơ sở đó, Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 30/8/2021 đã thông qua Nghị quyết 75/317 về việc lập ra Ngày Đất ngập nước thế giới vào ngày 2/2 hằng năm, nhằm nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của cộng đồng thế giới về tầm quan trọng thiết yếu của vùng đất ngập nước.

Việc thông qua nghị quyết này được coi là một dấu mốc quan trọng đối với Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt là nơi cư trú của các loài chim nước (gọi tắt là Công ước Ramsar), theo đó một lần nữa khẳng định rằng các vùng đất ngập nước rất quan trọng đối với con người và thiên nhiên và phải đạt được sự phát triển bền vững.

Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên trở thành thành viên của Công ước Ramsar từ năm 1989 và là thành viên tích cực của Sáng kiến khu vực Ramsar Indo-Burma của Đông Nam Á (bao gồm 5 nước: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar).

Đến nay, Việt Nam đã có 9 khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar) gồm: 7 Vườn quốc gia (Xuân Thủy, Nam Định; Ba Bể, Bắc Kạn; Bầu Sấu - Cát Tiên, Đồng Nai; Tràm Chim, Đồng Tháp; Mũi Cà Mau, Cà Mau; Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu; U Minh Thượng, Kiên Giang) và 2 khu bảo tồn thiên nhiên (Láng Sen, Long An; Vân Long, Ninh Bình).

Với nỗ lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với các địa phương, năm 2020, Việt Nam công bố thành lập thêm được 2 khu bảo tồn đất ngập nước gồm Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang-Cầu Hai (tỉnh Thừa Thiên - Huế) và Khu bảo tồn đất ngập nước Thái Thụy (tỉnh Thái Bình).

Năm 2021, Việt Nam đề cử danh hiệu khu Ramsar cho vùng đất ngập nước Bắc Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai). Đến nay, Việt Nam đã có 47 vùng đất ngập nước được quy hoạch trên phạm vi toàn quốc.

Từ khi tham gia Công ước Ramsar đến nay, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến quản lý đất ngập nước, tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý và phát triển bền vững đất ngập nước ở Việt Nam. Gần đây nhất, Nghị định số 66/2019/NĐ-CP về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước được ban hành và đặt mục tiêu nâng cao hơn nữa hiệu quả bảo tồn và sử dụng khôn khéo đất ngập nước, đặc biệt là phát huy các giá trị dịch vụ, bảo vệ đặc tính sinh thái của các hệ sinh thái đất ngập nước có giá trị cao về đa dạng sinh học, môi trường và kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở các quy định này, Việt Nam hướng tới quản lý đất ngập nướcphải dựa trên phương pháp tiếp cận hệ sinh thái, quản lý tổng hợp các đối tượng, các mối quan hệ qua lại tác động lên các thành phần của hệ sinh thái đất ngập nướcvà tính đến các yếu tố biến đổi khí hậu, xuyên biên giới để đảm bảo duy trì chất lượng dịch vụ hệ sinh thái của đất ngập nước.

Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021 - 2030 có thể xem như bước khẳng định chắc chắn của Việt Nam sẽ song hành cùng nỗ lực quốc tế trong bảo tồn và phát huy giá trị của các vùng đất ngập nước.

Mục tiêu đến năm 2025, cả nước sẽ có 13 khu đất ngập nước được công nhận là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar) và tăng lên 15 khu vào năm 2030; tăng số lượng các khu bảo tồn đất ngập nước và phục hồi được ít nhất 25% vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái. 

Đến năm 2030, các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc cần được kiểm soát có hiệu quả việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và phát triển các hoạt động, chương trình du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường.

Theo Kinh tế Môi trường