Cuộc “so găng” giữa Pháp và Đức hướng tới năng lượng sạch

Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) tiết lộ dự thảo kế hoạch “phân loại năng lượng xanh”, trong đó bao gồm cả năng lượng hạt nhân và khí tự nhiên, kèm với một số điều kiện. Ẩn sau kế hoạch này là cuộc đọ sức gay gắt giữa Pháp và Đức, vốn có những chủ trương phát triển năng lượng sạch hoàn toàn đối lập nhau.

Trong dự thảo kế hoạch, EC đang xem xét về khả năng phân loại hạt nhân và khí tự nhiên vào hạng mục "tài chính bền vững", một bộ quy tắc giới hạn những hoạt động có thể được gắn nhãn là các khoản đầu tư thân thiện với khí hậu. Theo đó, để được coi là “dự án xanh”, các nhà máy hạt nhân mới phải nhận được giấy phép xây dựng trước năm 2045.

Trong khi đó, đầu tư vào các nhà máy sản xuất điện bằng khí tự nhiên sẽ được coi là “dự án xanh” nếu những nhà máy này tạo ra lượng khí thải dưới 270g CO2/kilowatt giờ (kWh). EC cũng nhấn mạnh, việc phân định các tiêu chí “xanh”, “sạch” cũng như các quy định về cách quản lý phải đi cùng với việc bảo vệ lợi ích quốc gia của các nước thành viên EU.

Cuộc “so găng” giữa Pháp và Đức hướng tới năng lượng sạch
Nhà máy điện hạt nhân Belleville, vùng Cher, miền Trung nước Pháp. Ảnh: EDF 

Tuy nhiên, Pháp và Đức-hai nền kinh tế lớn nhất trong EU-đang có những ý tưởng đối lập nhau về cách thức tiến hành chuyển đổi năng lượng. Đức và một số nước phản đối điện hạt nhân và ủng hộ khí đốt trong khi Pháp lại coi hạt nhân là nguồn nhiên liệu quan trọng để có thể loại bỏ dần năng lượng từ than đá vốn phát thải nhiều khí CO2.

Pháp nằm trong số ít các quốc gia trên thế giới có một đội ngũ chuyên gia và kỹ thuật viên làm chủ được công nghệ hạt nhân. Hiện nay, 70% nguồn điện sản xuất ra ở Pháp đều đến từ hạt nhân. Các cuộc thăm dò còn cho thấy, có 51% người dân ủng hộ năng lượng hạt nhân.

Chính vì vậy, sau hai năm do dự, tháng 10-2021, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron quyết định đưa hạt nhân vào kế hoạch đầu tư năm 2030 và dành nhiều tỷ euro để nghiên cứu, phát triển các công nghệ mới cho lĩnh vực trọng điểm này.

Paris ý thức được rằng, để thực hiện tái công nghiệp hóa đất nước cần phải có chiến lược an ninh năng lượng ổn định. Cuộc khủng hoảng năng lượng vừa qua đã làm giá nhiên liệu tăng vọt khiến nhiều nước EU nhận ra rằng nhu cầu về điện tăng cao sẽ là vấn đề cho tương lai, cả trên phương diện bình ổn giá cả lẫn an ninh năng lượng.

Trong khi đó, Đức lựa chọn khí đốt như là nguồn năng lượng chuyển đổi trong quá trình chuyển sang năng lượng tái tạo. Sở dĩ Đức không lựa chọn hạt nhân bởi lẽ nước này vẫn còn ám ảnh bởi cuộc chiến tranh hạt nhân bùng phát giữa Mỹ và Liên Xô trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hay các thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986 và Fukushima năm 2011.

Do đó, loại bỏ điện hạt nhân đã được Quốc hội Đức quy định thành luật từ năm 2011 và nhận được sự đồng thuận rộng rãi trong dân chúng. Theo Luật Năng lượng nguyên tử của Đức, các nhà máy điện hạt nhân của nước này phải dừng hoạt động vào cuối năm 2021, ngoại trừ 3 nhà máy gồm: Emsland, Isar 2 và Neckarwestheim 2 sẽ dừng hoạt động trước ngày 31-12-2022.

Bộ trưởng Bộ Môi trường và bảo vệ người tiêu dùng Đức, bà Steffi Lemke nhấn mạnh việc loại bỏ điện hạt nhân giúp nước Đức an toàn hơn và tránh chất thải phóng xạ.

Cũng từ đầu những năm 2000, Đức đã định hướng chiến lược năng lượng nhằm vào các nguồn năng lượng tái tạo. Tham vọng của Berlin là trở thành quốc gia đi đầu tại châu Âu trong lĩnh vực này và nhất là khẳng định vị thế thống trị trong ngành điện gió.

Chính phủ Đức cũng hiểu rằng, ngành công nghiệp năng lượng tái tạo của mình chưa thể tranh đua được với hạt nhân. Theo thẩm định, giá 1KWh điện của Đức trung bình ở mức 0,32 euro, trong khi tại Pháp là 0,20 euro.

Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) ước tính, từ nay đến năm 2050, nhu cầu về điện sẽ còn tăng thêm từ 80 đến 130%.

Nhu cầu này khó có thể bảo đảm nếu không có sự hỗ trợ từ hạt nhân dân sự. Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Journal du Dimanche mới đây, ông Thierry Breton, Ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội khối cho biết, hiện nay, điện hạt nhân chiếm 26% trong tổng năng lượng của EU.

Từ nay đến năm 2050, EU sẽ cần đầu tư 500 tỷ euro (568 tỷ USD) vào các nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới. Hiện các nước EU và một ủy ban gồm nhiều chuyên gia sẽ tiếp tục xem xét kỹ hơn dự thảo kế hoạch “phân loại năng lượng xanh” trước khi ban hành vào cuối tháng 1 này.

BÌNH NGUYÊN

Theo QĐND