Ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học

Việt Nam được công nhận là một trong 25 quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu. Tuy nhiên, đa dạng sinh học ở nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: khai thác trái phép và quá mức tài nguyên sinh vật; nạn cháy rừng; biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường... dẫn đến sự suy giảm nguồn tài nguyên đa dạng sinh học.

Quần thể cây gạo cổ thụ tại vùng đệm Vườn quốc gia Pù Mát, tỉnh Nghệ An. (Ảnh Anh Sơn)
Quần thể cây gạo cổ thụ tại vùng đệm Vườn quốc gia Pù Mát, tỉnh Nghệ An. (Ảnh Anh Sơn)

Theo Báo cáo quốc gia lần thứ 6 đối với Công ước Ða dạng sinh học, Việt Nam có khoảng 51.400 loài sinh vật, bao gồm 7.500 chủng vi sinh vật; 20 nghìn loài thực vật trên cạn và dưới nước; khoảng 10.900 loài động vật trên cạn; 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt và hơn 11 nghìn loài sinh vật biển khác. Trong đó, nhiều loài có giá trị lớn cho việc bảo tồn, đóng góp cho khoa học và khẳng định tầm quan trọng toàn cầu của đa dạng sinh học Việt Nam như: Sao la, cheo cheo lưng bạc, mang lớn, mang Trường Sơn, thủ vằn, voi châu Á, bò rừng, hổ, báo, hươu sao, các loài linh trưởng, các loài rùa biển và rùa cạn... Hiện, các loài hoang dã chủ yếu được bảo tồn tại chỗ trong các khu bảo tồn thiên nhiên nằm trong hệ thống rừng đặc dụng. Tuy nhiên, tính đa dạng sinh học ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Ðó là quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng ở nước ta thời gian qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí, chất lượng nước và thải ra nhiều chất thải nguy hại. Nước thải sinh hoạt và công nghiệp nếu không được xử lý và thải trực tiếp vào các sông, hồ sẽ tác động xấu đến đa dạng sinh học của các hệ sinh thái tự nhiên. Việc mở rộng thâm canh nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật với nhiều nguồn gốc khác nhau được sử dụng ngày càng phổ biến và thiếu kiểm soát đã góp phần làm suy thoái các quần thể chim và côn trùng ở các vùng nông thôn và ngoại ô thành phố. Nhiều loài chim có ích chuyên tiêu diệt côn trùng có hại đã bị tiêu diệt, dẫn đến bùng phát nhiều dịch bệnh trên đồng ruộng. Hoạt động nuôi cá tra, cá ba sa và các loài thủy, hải sản theo hình thức công nghiệp với mật độ cao ở đồng bằng sông Cửu Long cũng là một nguyên nhân gây ô nhiễm hữu cơ nhiều vực nước, tác động tới hệ sinh thái.

GS,TS Trần Hiếu Nhuệ, nguyên Viện trưởng Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường nhận định: Khi ô nhiễm nguồn nước xảy ra, sự gia tăng của các chất dinh dưỡng mới có trong nguồn nước sẽ kích thích sự phát triển của cây và tảo, làm giảm đáng kể oxy trong nguồn nước, từ đó làm chết các loài thực vật và động vật có trong nguồn nước. Ngoài ra, hóa chất và kim loại nặng từ nước thải công nghiệp, đô thị cũng làm ô nhiễm nguồn nước, gây độc hại đối với sinh vật có trong nguồn nước, làm giảm khả năng sinh sản cũng như tuổi thọ của sinh vật.

Phó Tổng cục trưởng Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Thượng Hiền cho biết: Công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở nước ta đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ như số lượng và diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên tăng lên; công tác cứu hộ, tái thả vào tự nhiên một số loài nguy cấp được thực hiện; nhiều khu bảo tồn được công nhận có tầm quan trọng quốc tế. Hiện, Việt Nam đã có chín khu Ramsar, 11 khu Dự trữ sinh quyển thế giới, 10 Vườn di sản ASEAN. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những nỗ lực này vẫn chưa đủ để đảo ngược tình trạng mất mát đa dạng sinh học đang diễn ra hiện nay. Ðể khắc phục tình trạng nêu trên, Luật Bảo vệ môi trường đã được Quốc hội thông qua năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NÐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã được Chính phủ ban hành ngày 10/1/2022 có những quy định cụ thể giúp kiểm soát ô nhiễm và bảo tồn đa dạng sinh học tốt hơn. Mới đây nhất, ngày 28/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 149/QÐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu tổng quát là gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, kết nối; đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu.

Ðể thực hiện tốt các mục tiêu chiến lược đề ra, nhất là từng bước ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học do ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục ban hành, hoàn thiện chính sách, quy định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng về lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm môi trường tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học; tăng kiểm soát chất thải, nhất là chất thải nhựa, các nguồn gây ô nhiễm, duy trì và cải thiện chất lượng môi trường chung quanh các khu di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên, khu vực đa dạng sinh học cao; giám sát việc thực hiện các cam kết về bảo tồn đa dạng sinh học trong quá trình triển khai xây dựng, triển khai các dự án phát triển...

Ông Hiền cũng đề nghị, sở tài nguyên và môi trường các tỉnh, thành phố và các cơ quan có liên quan tại địa phương cần cân nhắc lồng ghép nội dung bảo tồn đa dạng sinh học trong phát triển các ngành kinh tế; thực hiện nghiêm túc đánh giá đa dạng sinh học trong đánh giá tác động môi trường. Ngoài ra, các tổ chức trong nước và quốc tế; các doanh nghiệp và cộng đồng, nhất là cộng đồng địa phương cùng chung tay phát triển một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, gìn giữ các tri thức truyền thống, các giống cây trồng, vật nuôi bản địa. Qua đó, góp phần vào công cuộc phát triển, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học chung của Việt Nam ■

Theo KHÁNH HUY/Báo Nhân Dân