Nhiệt độ toàn cầu tăng có thể gây ra đại dịch bệnh thận

Các bác sĩ cảnh báo bệnh thận mãn tính liên quan đến sốc nhiệt có thể trở thành một đại dịch sức khỏe ảnh hưởng đến hàng triệu lao động trên khắp thế giới, trong bối cảnh nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng lên trong những thập kỷ tới.

Theo trang The Guardian (Anh), các bác sĩ cho rằng cần phải nghiên cứu thêm về mối liên hệ giữa sốc nhiệt và CKDu, bệnh thận mãn tính không rõ nguyên nhân, để đánh giá quy mô tiềm tàng của căn bệnh này.

Dạng thông thường của bệnh thận mạn (CKD) là tình trạng mất dần chức năng thận, thường gặp ở người cao tuổi và những người mắc các bệnh khác như tiểu đường và cao huyết áp. Trong khi đó, CKDu xuất hiện chủ yếu ở các vùng nông thôn nóng nực của các quốc gia như El Salvador và Nicaragua. Những khu vực này thường có số lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp tử vong vì suy thận cao đột biến.

CKDu cũng đã ảnh hưởng đến nhiều người lao động chân tay nặng nhọc trong điều kiện nhiệt độ nóng nực ở các khu vực khác của Trung Mỹ, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Trung Đông, châu Phi và Ấn Độ.

Thận làm nhiệm vụ tạo nước tiểu và loại bỏ các chất thải dư thừa trong cơ thể. Chức năng này khiến thận đặc biệt nhạy cảm với nhiệt độ khắc nghiệt. Các chuyên gia cho rằng CKDu cần được công nhận là một căn bệnh liên quan đến sốc nhiệt, khi những tổn thương liên qua đến thận ở người lao động ngày càng tăng cao, đặc biệt là những người phải lao động ngoài trời. Những tổn thương này có thể phát triển thành bệnh thận nặng hoặc suy thận hoàn toàn theo thời gian.

Tiến sĩ Cecilia Sorensen, Giám đốc Hiệp hội Toàn cầu về Giáo dục khí hậu và Sức khỏe tại Đại học Columbia cho biết khi những tổn thương thận ở mức độ thấp lặp đi lặp lại mà không xuất hiện các triệu chứng, người lao động thậm chí có thể không biết họ đang mắc bệnh, cho đến khi mọi thứ trở nên tồi tệ đến mức bệnh thận đã phát triển ở giai đoạn cuối.

“Chúng tôi vẫn chưa rõ phạm vi của căn bệnh này vì chúng tôi không theo dõi nó. Tuy nhiên, xét về mức phổ biến và mức độ nghiêm trọng của vấn đề, có một số khu vực đã trở thành điểm nóng của căn bệnh này”, bà Sorensen nói.

Nhiệt độ toàn cầu tăng có thể gây ra đại dịch bệnh thận - Ảnh 1.

Một người từng là công nhân mía đường có vấn đề về thận, mang theo một chiếc quan tài giả trong một cuộc biểu tình ở Nicaragua, nơi hàng chục nghìn lao động đã mắc bệnh CKDu. Ảnh: AP

Những người mắc bệnh có xu hướng là những lao động làm việc trong điều kiện nắng nóng ngoài trời. Họ thường xuất thân trong những hoàn cảnh dễ bị tổn thương - về mặt xã hội và kinh tế - với khả năng tiếp cận chăm sóc y tế hoặc bảo hiểm hạn chế, hoặc sống ở những khu vực có cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe kém phát triển.

Bà Sorensen nói rằng theo dữ liệu hiện tại, những người làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, hoặc được làm việc nhiều thời gian hơn thông thường mà không có thời gian nghỉ ngơi, chẳng hạn như lao động nông nghiệp, có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tiến sĩ Ramón García Trabanino - bác sĩ thận học lâm sàng và Giám đốc y tế tại Trung tâm Lọc máu của El Salvador - đã nhận thấy số lượng bệnh nhân CKD tăng bất thường khi ông còn là sinh viên y khoa hơn 2 thập kỷ trước.

“Họ là những người đàn ông trẻ tuổi. Họ đã tử vong vì không có chi phí hoặc khả năng để điều trị chạy thận. Chúng tôi đã làm những gì tốt nhất có thể, nhưng nhiều người vẫn không qua khỏi và con số ngày càng tăng cao”, ông nói. Kể từ đó, ông bắt đầu nghiên cứu căn bệnh này ở Mexico, Nicaragua, Costa Rica và Panama.

“Nếu bạn nhìn vào bản đồ nhiệt độ cao nhất trong khu vực ở Trung Mỹ, bạn sẽ thấy rằng chúng trùng với các khu vực có nhiều người mắc bệnh thận. El Salvador và Nicaragua là hai quốc gia có tỉ tỷ lệ tử vong do CKD cao nhất. Tỷ lệ tử vong của El Salvador cao hơn khoảng 10 lần so với ước tính. Số lượng bệnh nhân mới cũng đang quá tải”, ông nói.

Nhiệt độ toàn cầu tăng có thể gây ra đại dịch bệnh thận - Ảnh 3.

Các bác sĩ đang tiến hành một ca ghép thận ở Mỹ. Ảnh: CNN

Mặc dù cho rằng CKDu có liên quan đến tiếp xúc nhiệt và mất nước, một số nhà khoa học cũng tin rằng việc tiếp xúc với hóa chất nông nghiệp và các tác nhân lây nhiễm, cấu tạo gien và các yếu tố xã hội khác ảnh hưởng đến sức khoẻ, như đối nghèo suy dinh dưỡng, cũng có khả năng gây ra căn bệnh này.

Song Giáo sư Tord Kjellstrom tại Trung tâm Quốc gia về Dịch tễ học và Sức khỏe dân số của Đại học Quốc gia Australia, cho biết vấn đề sốc nhiệt do nắng nóng không được chú ý trong các cuộc tranh luận về cách giảm thiểu tác động tồi tệ nhất do biến đổi khí hậu.

“Khi mức độ và cường độ ngày nắng nóng tăng lên, nhiều người lao động sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn hơn để tránh sốc nhiệt do nắng nóng, đặc biệt là 2/3 dân số toàn cầu sống ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tìm trạng ấm lên toàn cầu là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với cuộc sống của người lao động và sinh kế của hàng triệu người. Các chính sách mới về khí hậu phải tính đến điều này để đối phó với những tình huống sắp xảy ra”, ông nói.

Hải Vân

Theo Soha