Paris đầy rác, Pháp lên kế hoạch tìm lại kinh đô ánh sáng xưa

Sau khi tiếp nhận hàng loạt phản ảnh của người dân về việc hình ảnh ‘kinh đô ánh sáng' ngày càng xuống cấp, giới chức Paris gần đây đã công bố một bản "tuyên ngôn về vẻ đẹp", gồm kế hoạch cải tạo thủ đô.

Paris đầy rác, Pháp lên kế hoạch tìm lại kinh đô ánh sáng xưa - Ảnh 1.

Hình ảnh rác thải chất đống trên đường được người dân thành phố đăng tải trên mạng xã hội kèm hashtag #SaccageParis (Paris đầy rác) - Ảnh: AP

Trong bản kế hoạch mới nhất, ông Emmanuel Grégoire, phó thị trưởng Paris, cho biết vào năm 2015, chính quyền Paris đã cho phép người dân địa phương nộp đơn xin phép trồng hoa xung quanh các gốc cây trên đường.

Tuy nhiên, ông Grégoire thừa nhận kể từ đó, những gốc cây bên đường trở nên ngổn ngang, chứa đầy rác, chất thải động vật, và “không đạt yêu cầu nhìn từ quan điểm thẩm mỹ”.

Theo kế hoạch, giới chức Paris cam kết “giải quyết không khoan nhượng" các hành vi đổ rác nơi công cộng, nỗ lực xử lý việc dán apphich bừa bãi trong thành phố, và đặt ra vấn đề cải thiện công tác chăm sóc cây xanh công cộng.

Những vạch kẻ đường màu vàng “mất thẩm mỹ" dành cho làn xe đạp sẽ bị xóa bỏ theo cam kết trước đó. Các rào chắn bêtông cũng sẽ được thay thế bằng phiên bản "kín đáo hơn".

Theo báo The Guardian, từ nửa đầu năm 2021, người dùng mạng xã hội ở quốc gia này liên tục lan truyền nhiều hình ảnh “kinh đô ánh sáng" với rác thải chất đống, những băng ghế mục nát, xe máy bị bỏ hoang bên vệ đường và các khu vực trồng cây công cộng không được chăm sóc tốt và gắn hashtag #SaccageParis (Paris đầy rác).

Phần lớn sự giận dữ của người dân thành phố nhắm vào Tòa thị chính vì chính quyền đã thay thế và không bảo tồn tốt các di sản kiến ​​trúc độc đáo của Paris, bao gồm cả kiến trúc đường phố được xây dựng từ giữa thế kỷ 19, dưới thời Napoléon III.

Ban đầu, Văn phòng thị trưởng đã cáo buộc hashtag #SaccageParis là một "chiến dịch bôi nhọ" nhưng sau khi sự giận dữ của người dân thành phố có dấu hiệu leo thang, chính quyền Paris đã chính thức vào cuộc.

Hôm 18-1, ông Grégoire thừa nhận chiến dịch này có mặt hữu ích vì nó buộc những cơ quan hữu trách “phải tự vấn lại bản thân và nhanh chóng tìm cách khắc phục". Tuy nhiên, ông khẳng định một số bức ảnh được đăng kèm hashtag trên đã phản ánh không đúng thực tế Paris và đang cố phóng đại vấn đề.

Theo Tuổi trẻ