Số phận 'mong manh' của dòng sông biểu tượng tại Iran

Những cây cầu nổi tiếng tại thành phố Isfahan từng là địa điểm thu hút khách du lịch, song nay phần lớn thời gian, những cây cầu này nằm giữa lòng sông cạn nước chỉ toàn đá và cát. Hạn hán và việc đổi hướng dòng chảy đã khiến sông Zayandeh Rood  - từng là “dòng sông màu mỡ” của Iran, trở nên khô cạn từ năm 2000.

Ông Jalal Mirahmadi, 60 tuổi, chia sẻ, khi ông còn nhỏ, nước sông dâng sát dưới những vòm cầu, có lúc còn tràn ra đường phố, nay quanh năm không có nước chảy. 

Dòng sông chảy dài gần 400km từ núi Zagros ở phía Tây đến hồ Gavkhouni ở phía Đông. Đây là con sông lớn nhất ở miền Trung Iran. Khi chảy qua địa phận Isfahan, dòng sông uốn lượn quanh chân những cây cầu được xây dựng từ thế kỷ thứ 17 – thời kỳ hoàng kim của thành phố khi còn là kinh đô của Ba Tư.

Ông Ali Mohammad Fassihi - quan chức Bộ Di sản Văn hóa và Du lịch Iran, cho biết những cây cầu này có diện mạo và vẻ đẹp đặc biệt nhờ dòng chảy của sông Zayandeh Rood, nhưng khi sông khô cạn, những cây cầu này dường như mất đi ý nghĩa.

Iran, cũng như các nước láng giềng xung quanh, đã chịu ảnh hưởng của tình trạng hạn hán và nắng nóng nhiều năm. Hiện tượng thời tiết cực đoan được dự báo gia tăng do tác động của biến đổi khí hậu. Người dân Iran đôi khi chịu cảnh mất điện vào mùa Hè, khi nắng nóng gay gắt khiến họ phải tăng cường sử dụng điều hòa không khí, trong khi lượng mưa thấp làm giảm lượng nước trong các hồ chứa nước đập thủy điện.

Tuy nhiên, một nguyên nhân khác khiến Zayandeh Rood trở nên khô cạn còn là do con người. Phần lớn dòng chảy của con sông này đã được chuyển hướng để cấp nước cho tỉnh Yazd lân cận. Tháng 11 năm ngoái, hàng nghìn người dân, bao gồm cả những người nông dân, đã tụ tập ở lòng sông cạn để biểu tình phản đối. Thành phố này sau đó đã phát động một chiến dịch nâng cao nhận thức về số phận của sông, với một số biển báo được dựng lên ở Isfahan - thành phố lớn thứ ba của đất nước với 2 triệu dân sinh sống. 

Có thời điểm, nhà chức trách mở đập xả lũ thượng nguồn trong một thời gian ngắn, để tưới nước cho các ruộng lúa mì ở phía Đông Isfahan. Điều này thường xảy ra vào giữa tháng 5, là thời điểm khách du lịch lẫn người dân địa phương sẽ đổ xô đến để nhìn ngắm và chụp ảnh tại con sông này. Có những du khách cho biết họ đã chọn nán lại Isfahan lâu hơn dự kiến, chỉ để được nhìn ngắm lúc hiếm hoi Zayandeh Rood có nước chảy. 

Người vận động bảo tồn dòng sông và di sản của Isfahan, ông Borna Moussavi chia sẻ, sông Zayandeh Rood là nơi tụ tập, gặp gỡ của người dân khắp Isfahan. Dòng sông này là nơi gắn liền với đời sống tinh thần con người bởi mỗi khi vui hay buồn, thì người dân Isfahan cũng có thể ghé qua sông Zayandeh Rood. Đối với ông Moussavi, việc Zayandeh Rood hoàn toàn biến mất khiến ông cảm thấy như mất đi một người thân. 

Ông Mirahmadi cũng cho rằng dòng sông này là biểu tượng cho sức sống của Isfahan. Ông cho rằng: "Không có dòng sông này, Isfahan sẽ trở thành hoang mạc và chỉ trong 4-5 năm, nơi đây cũng có thể sẽ trở thành một thành phố hoang”.

Hoàng Châu (TTXVN)

Nguồn baotintuc.vn