Tình yêu thiên nhiên của con người bắt đầu từ đâu?

Bảo vệ thiên nhiên là một cuộc đấu tranh, rất dài và mệt mỏi, giữa con người với nhau. Còn thiên nhiên thì luôn im lặng, kể cả khi phán xét.

 

Tình yêu thiên nhiên bắt đầu từ đâu?

Mấy tháng trước, tôi có dịp xuống Đồng Tháp Mười, rồi bắt ghe vào Vườn quốc gia Tràm Chim. Trong khi chúng tôi đang du ngoạn, bất ngờ có con chim bay vụt lên. Thái Ngọc – cô hướng dẫn viên – chỉ cho tôi và nói: “Con cò ốc đó anh”.

Không chỉ mỗi con cò ốc, Ngọc có thể gọi tên vanh vách bất cứ con chim nào bay lên trong cái Vườn quốc gia rộng hơn 7.000 ha đó. Ngọc kể, từ hồi 15 tuổi, cô đã xác định rồi sẽ vào đây làm. Cứ tan học là cô xin vào Tràm Chim, đi theo các anh chị hướng dẫn viên. Cô học hỏi rồi nhập tâm từng loài chim, đặc điểm ngoại hình, tập tính sinh sống, rồi điều kiện tự nhiên ở đây, mùa nào nước lên mùa nào nước xuống, thời gian nào trong ngày nên đưa khách đi và đi đường nào để thấy nhiều chim đẹp mà không quấy rầy chúng…

Nhìn ánh mắt lấp lánh của cô, tôi hiểu cô yêu Tràm Chim và các loài sinh vật tự nhiên ở đây đến thế nào. Rất lâu rồi tôi mới gặp một người yêu thiên nhiên một cách bản năng và thuần khiết như thế (những người yêu thiên nhiên một cách màu mè và ồn ào thì nhiều).

Yêu thiên nhiên, đó là một thứ tình cảm rất khó xây dựng nên, nếu chỉ bằng giáo dục kiểu sách vở. Mặc dù môn Sinh học được đưa vào chương trình giảng dạy từ rất sớm, nhưng những trang sách giáo khoa có kèm hình minh họa xa lạ và nhàm chán không thể khiến học sinh cảm thấy gần gũi với những con vật, cây cỏ xung quanh mình. Trẻ nhỏ thành phố bây giờ vẫn nhìn con bò bảo con trâu. Còn không ít những người trưởng thành, hễ đi picnic là lại xả rác bừa bãi, giẫm vào vườn hoa thảm cỏ, và bẻ những miếng thạch nhũ triệu năm tuổi mang về làm kỷ niệm. Chúng ta không biết yêu thiên nhiên thực sự, tôi nghĩ thế, vì cơ bản là chúng ta không thực sự hiểu thiên nhiên là gì, và thiên nhiên cần gì?

Các nhà nghiên cứu Mỹ cho rằng, nhiều trẻ em hiện đại đang mắc một hội chứng gọi là “rối loạn thiếu tự nhiên”. Hậu quả là trẻ sẽ giảm bớt sự tinh nhạy của các giác quan, khó tập trung, và có thể chất cũng như tinh thần rất yếu đuối, dễ bị suy sụp. Bởi vậy, ở Mỹ, đang ngày càng thịnh hành một mô hình mà họ gọi là “trường mầm non ngoài trời”. Ở đó, những đứa trẻ được đưa vào rừng, học bài trên những thảm lá mục, dưới gốc cây, trượt trên bùn, đào giun bằng tay và hứng chịu cả những cơn mưa rừng bất chợt trong mái lá tự tạo. Việc đem tới những thay đổi cụ thể về tinh thần và thể chất cho trẻ nhờ những khóa học ngoài trời này vẫn còn là chủ đề tranh cãi, nhưng chắc chắn, các em có được một ý thực cực tốt về thiên nhiên và bảo vệ thiên nhiên.

Ở Việt Nam, hàng tháng, tôi vẫn nhận được email từ Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam, đặt tại chân Tam Đảo, thông báo về hoạt động của họ. Những con người ở đấy vẫn nỗ lực không mệt mỏi để đi cứu những con gấu bị người ta nhốt để rút mật theo những cách man rợ nhất. Về mặt bảo tồn loài, những con gấu sau khi được cứu và đưa về trung tâm đã vô giá trị. Chúng bị tổn thương đến mức không còn có thể phục hồi, mất khả năng sinh tồn tự nhiên, thậm chí mất luôn chức năng sinh sản. Nhưng người ta cố gắng cứu chúng, và kể câu chuyện về chúng, để con người một lúc nào đó sẽ ngừng việc coi mật gấu là thứ thuốc thần diệu cho xoa bóp, hay cương dương.

Giáo dục sự hiểu biết và yêu thiên nhiên cho trẻ nhỏ, hay cố cứu những sinh vật đang tuyệt chủng dần, đó đều là những nỗ lực cho tương lai. Nhưng còn hiện tại?

Hôm qua, tôi đọc được tin cá chết hàng loạt trên sông Đồng Nai vì nguồn nước bị ô nhiễm. Nhưng cũng trên dòng sông ấy, ngày 16/10 vừa rồi, ngư dân bắt được con cá hô 130k. Dĩ nhiên là con cá được tính theo giá thịt – 1,5 triệu đồng/ kg. Những chuyện như thế vẫn diễn ra. Người ta chỉ quan tâm tới con cá của mình bị chết, tới giếng nước của mình vẩy đục mà không biết bảo tồn con cá hô (catlocarpio siamensis) nằm trong top đầu sách đỏ sắp tuyệt chủng; không biết giữ cho nguồn nước, cho con sông xung quanh mình trong xanh.

Làm thế nào để sống, đó là bài toán của người dân. Còn làm thế nào để người dân sống mà không xâm hại thiên nhiên, đó là bài toán của nhà quản lý.

Bảo vệ thiên nhiên là một cuộc đấu tranh, rất dài và mệt mỏi, giữa con người với nhau. Còn thiên nhiên thì luôn im lặng, kể cả khi phán xét.

Theo GIA HIỀN / VNEXPRESS