"Cơn sốt" casino ở Campuchia và những hệ lụy

 Từ trước khi xảy ra vụ việc 40 người Việt tháo chạy khỏi casino "địa ngục" ở Campuchia, cơn sốt casino ở nước này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của truyền thông quốc tế. Nhiều cảnh báo cũng đã được đưa ra.

Bùng nổ ngành công nghiệp casino ở Campuchia kéo theo nhiều hệ lụy xã hội (Ảnh: Getty)

Bùng nổ ngành công nghiệp casino ở Campuchia kéo theo nhiều hệ lụy xã hội (Ảnh: Getty)

“Bùng nổ” sòng bạc

Bắt đầu từ năm 2019, nhiều chuyên gia đã dự báo Campuchia sắp chứng kiến một đợt bùng nổ casino, với ít nhất 13 giấy phép mở sòng bạc mới được cấp phép kể từ đầu năm, nâng tổng số lên 163. Mặc dù con số casino thực sự hoạt động lúc bấy giờ chỉ có khoảng 51, nhưng vẫn là quá nhiều so với một quốc gia 16 triệu dân ở thời điểm đó.

Sophal Ear, Giáo sư chuyên về các vấn đề quốc tế đến từ Đại học Occidental ở Los Angeles, người thường xuyên có các bài viết chuyên sâu về Campuchia, lúc bấy giờ nói rằng, số lượng lớn giấy phép cấp cho sòng bạc hoạt động ở Campuchia thậm chí còn vượt qua thủ phủ casino Las Vegas của Mỹ và thậm chí vượt cả Macau, điểm đến cờ bạc số 1 thế giới.

Còn theo số liệu từ Văn phòng Liên Hợp Quốc về phòng chống ma túy và tội phạm (UNODC), số lượng casino được cấp phép ở Campuchia đã tăng từ 57 lên 150 trong giai đoạn 2014 - 2019. Mà Sihanoukville là tâm điểm.

Bằng việc biến Sihanoukville thành một “thánh địa” sòng bạc, Campuchia hy vọng sẽ cạnh tranh với các trung tâm casino khác của châu Á như Macau, Singapore và Manila, bất chấp nhiều luồng ý kiến quan ngại về những hệ lụy kéo theo.

Pháp luật Campuchia cấm người dân chơi cờ bạc và không cho người dân trong nước chơi ở các casino. Bởi vậy thành phố này hy vọng sẽ thu hút được các du khách Trung Quốc và các nước láng giếng như Việt Nam, Thái Lan - những người cũng không được phép chơi cờ bạc ở nước họ.

[ĐỌC CHẬM] "Cơn sốt" casino ở Campuchia và những hệ lụy ảnh 1

Trong giai đoạn bùng nổ, việc xin phép mở cửa một casino ở Campuchia cực kỳ dễ dàng (Ảnh: Guardian)

Trong giai đoạn bắt đầu, khoản tiền đầu tư để đăng ký mở một casino ở thành phố này chỉ là 40.000 USD/năm.

“Việc xin giấy phép hoạt động sòng bạc ở Campuchia là cực kỳ dễ dàng,” Ben Lee, người sáng lập IgamiX, công ty tư vấn về ngành công nghiệp bài bạc ở châu Á, có trụ sở tại Macau, nói. “Để nhận được giấy phép, anh chỉ cần chứng minh mình có một mảnh đất và trả một khoản phí nộp đơn cho Bộ Tài chính Campuchia.”

Các công ty điều hành casino ở đây cũng không cần phải kiểm tra danh tính hay làm rõ nguồn gốc tiền của khách đến chơi, theo một số chuyên gia trong ngành. Số tiền thu được từ hoạt động bài bạc cũng không bị đánh thuế, mà chính phủ chỉ thu một khoản tiền phí hoạt động hàng tháng từ các casino cỡ lớn, và một khoản phí cố định đối với từng bàn và máy chơi bạc tại các casino nhỏ hơn.

Những ưu đãi đặc biệt này đã thu hút nhiều tay chơi nhỏ lẻ đến đầu tư và tràn ngập thị trường lúc bấy giờ. Các công ty của Trung Quốc nhận thấy tiềm năng từ ngành công nghiệp đang bùng phát ở Campuchia, đã đổ số tiền khổng lồ để đăng ký hoạt động casino trực tuyến ở nước này.

Cũng nhờ làn sóng đầu tư này mà chính phủ Campuchia đã thu được khoản tiền khoảng 70 triệu USD từ ngành công nghiệp sòng bạc trong năm 2019, tăng từ mức 46 triệu USD so với năm trước đó, tạo điều cho việc phát triển các lĩnh vực khác của nước này như giáo dục, kinh tế và thu hút khách du lịch.

Không ngẫu nhiên khi mà thị trường mục tiêu của các casino ở Sihanoukville là du khách Trung Quốc. Ngay từ khi làn sóng casino bùng nổ, số lượng du khách Trung Quốc đến thành phố ven biển này cũng bùng nổ theo, mà điểm đến quan trọng nhất mà nhiều người tìm kiếm chính là sòng bạc.

Theo tờ Phnom Penh Post, trong năm 2018, có hơn 2 triệu du khách Trung Quốc đến Campuchia, mặc dù không rõ có bao nhiêu trong số này đến vì mục đích đánh bạc.

Những hệ lụy ở Sihanoukville

[ĐỌC CHẬM] "Cơn sốt" casino ở Campuchia và những hệ lụy ảnh 2

Hàng loạt khu phức hợp, nhà hàng khách sạn, sòng bạc nổi lên ở Sihanoukville. (Ảnh: CNN)

Từng là khu vực ven biển thanh bình, là thiên đường cho các du khách bình dân, Sihanoukville đã biến thành một công trường xây dựng khổng lồ trong trong giai đoạn bùng nổ casino. Phần lớn các tòa nhà mới xây ở thành phố này là casino. Vào năm 2015, nơi đây chỉ có 15 sòng bạc, thì đến năm 2019 đã có 88.

Vẫn theo Phnom Penh Post, năm 2018, nước này cấp phép 52 casino, nâng tổng số sòng bạc trên cả nước lên 150, chủ yếu nhờ sự phất lên của ngành kinh doanh casino ở Sihanoukville.

“Khoảng 90% cơ sở kinh doanh ở Sihanoukville, bao gồm khách sạn, nhà hàng, trung tâm giải trí… hiện do người Trung Quốc sở hữu,” bà Astrid Noren-Nilsson, chuyên gia về Đông Nam Á công tác tại Đại học Lund (Thụy Điển), nói.

Mặt tiền nhiều tòa nhà ở Sihanoukville hiện đầy biển hiệu viết bằng tiếng Trung. Dọc bãi biển, món lẩu Tứ Xuyên đã thay thế các quán bia bình dân mà du khách phương Tây từng mê mẩn.

Nhưng làn sóng bùng nổ casino cũng mang đến nhiều hệ lụy cho thành phố này.

Thu nhập từ các kênh du lịch bình dân truyền thống giảm mạnh buộc họ phải làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm ở các công trường xây dựng. Nhà đầu tư Trung Quốc mở nhiều casino ở thành phố Sihanoukville nên người dân địa phương bị thu hồi đất, mất cửa mất nhà.

Nhóm công tác về tài chính (tổ chức chống tội phạm do các nước G7 thành lập) đã đưa Campuchia vào danh sách các nước dễ xảy ra rửa tiền vì thiếu quy định về casino. Ngành casino trực tuyến cũng được quản lý hết sức lỏng lẻo.

Theo Marta Kassztelan, phóng viên thường trú của SCMP tại Campuchia, các hoạt động lừa đảo là hậu quả khi ngành công nghiệp cờ bạc bùng nổ tại Sihanoukville những năm gần đây.

"Thành phố này là tập trung nhiều hoạt động kinh doanh mờ ám", Pech Pisey, giám đốc điều hành của một tổ chức quốc tế về minh bạch chi nhánh Campuchia, nhận định.

Yun Min, cựu thị trưởng Sihanoukville, năm 2018 cho rằng "mafia Trung Quốc" đứng sau tình trạng tội phạm gia tăng ở thành phố. "Chúng ẩn mình để thực hiện nhiều tội ác và bắt cóc các nhà đầu tư Trung Quốc, gây mất an ninh trong tỉnh," Yun Min khi đó nói với Reuters.

Những du khách “0 đồng”

[ĐỌC CHẬM] "Cơn sốt" casino ở Campuchia và những hệ lụy ảnh 3

Một dãy cửa hiệu có biển hiệu bằng tiếng Trung, được vận hành bởi người Trung Quốc ở Sihanoukville (Ảnh: Kyodo News)

Những tưởng rằng sự bùng nổ casino và khách du lịch ở Sihanoukville sẽ tạo nên môi trường kinh doanh và điều kiện sống tốt hơn cho người dân bản địa, nhưng phần lớn những du khách này lại không mang lại chút lợi nhuận nào.

Các sòng bạc và khách sạn ở Sihanoukville chủ yếu nhằm thu hút khách Trung Quốc, đặc biệt là giới trung lưu mới. Năm 2018, 2 triệu trong tổng số 6,2 triệu du khách tới Campuchia là người Trung Quốc.

Nhiều du khách Trung Quốc đi nước ngoài lần đầu tiên. Họ thích ở trong khách sạn và ăn trong nhà hàng của người Trung Quốc đầu tư hoặc làm việc. Một số được đưa thẳng từ sân bay tới casino và ở đó cả tuần đánh bạc rồi bay về Trung Quốc. Người dân Campuchia gọi những du khách Trung Quốc như vậy là du khách "0 đồng” vì họ không tiêu một xu nào ở Campuchia. Họ đến theo tour trọn gói, cả chuyến đi đã được trả tiền trước khi họ rời Trung Quốc.

Cũng bởi vậy mà nhiều hộ dân ở Sihanoukeville vốn sống dựa vào ngành du lịch truyền thống nói rằng doanh thu của họ “bốc hơi” nhanh chóng. Những dãy nhà gỗ cho thuê, nhà hàng ăn uống dọc bãi biển từng hút khách Tây “ba lô” giờ bị bỏ không hoặc đóng cửa.

“Tôi vẫn kiếm được ít khách địa phương nhưng khách du lịch Trung Quốc không đến đây và du khách phương Tây bỏ đi. Tôi thích khách Tây vì họ đến đây để vui vẻ, không chỉ có đánh bài như khách Trung Quốc,” Keo Puth Vireak, chủ một gian hàng trên bãi biển, nói.

Cuộc sống khó khăn của dân bản địa

[ĐỌC CHẬM] "Cơn sốt" casino ở Campuchia và những hệ lụy ảnh 4

Công nhân người bản địa làm việc tại một công trường xây dựng ở Sihanoukville (Ảnh: Nikkei)

Cũng do lượng người Trung Quốc đổ tới Sihanoukville làm ăn tăng lên rất nhiều, nên những công việc “ngon ăn” đều bị chiếm dụng, trong khi người dân bản xứ phải làm những công việc khó khăn và nguy hiểm. “Trên công trường, người Campuchia được thuê để làm những công việc tầm thường, nguy hiểm,” Athit Kong, một cán bộ công đoàn, nói với CNN.

Nhiều lao động tại đây không có đồ bảo hộ lao động, họ đi giày thể thao, không có mũ bảo hộ và quấn áo hoặc vải quanh miệng để che bụi. Họ thường ngủ ngay tại lán trại trên công trường, đối mặt với nhiều rủi ro. Tháng 8/2019, một tòa nhà ở Sihanoukville đổ sập khiến 28 người thiệt mạng.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, 7 doanh nhân, gồm 5 người Trung Quốc, bị truy tố tội ngộ sát, theo Reuters. 4 người bị bắt và 3 người bỏ trốn. Thị trưởng Yun Min từ chức sau vụ việc.

Làm việc ở công trường nguy hiểm đã đành, làm việc cho các casino cũng vất vả không kém. Các công ty quản lý sòng bạc Trung Quốc đã áp dụng hệ thống phân biệt lao động, trong đó có những chính sách khác nhau về tiền lương và phúc lợi giữa lao động Trung Quốc và người Campuchia bản địa. Theo nhà nghiên cứu lao động Ivan Franceschini, nhân viên casino người Trung Quốc có thu nhập trung bình cao hơn 4,5 lần so với các đồng nghiệp người Campuchia, dù đảm nhiệm cùng một vị trí công việc.

Một vấn đề khác là, khi nguồn tiền đầu tư của Trung Quốc đổ về, cơ sở hạ tầng của Sihanoukville trải qua giai đoạn phát triển quá độ, làm cạn kiệt các nguồn lực của địa phương. Tình trạng mất điện, mất nước xảy ra thường xuyên, rác, nhựa, túi ni-lông đầy các bãi biển. Nhiều con suối bị ô nhiễm đổ thẳng ra biển.

[ĐỌC CHẬM] "Cơn sốt" casino ở Campuchia và những hệ lụy ảnh 5

Nước thải chưa qua xử lý được đổ thẳng ra biển (Ảnh: CNN)

Nhiều người dân bản địa thậm chí không đủ tiền sống ngay trong chính thành phố của mình: Trước đây, giá thuê một căn hộ 2 phòng ngủ chỉ tốn 300 USD/tháng, thì đến năm 2019 đã tăng gấp 10 lần do nhu cầu thuê của người Trung Quốc tăng vọt.

“Chúng tôi ở đây đã được 13 năm,” một cư dân 66 tuổi tên Boeun Korng kể. “Giờ cuộc sống hết sức khó khăn. Cả cộng đồng phải trông chờ vào một giếng nước duy nhất. Khu chúng tôi không có điện”, bà Korng nói.

Theo tờ Cambodia Daily, mức độ đầu tư khủng khiếp của Trung Quốc vào Sihanoukville cũng gây ra phản ứng dữ dội từ người dân bản địa, bởi chúng tạo ra tình trạng bạo lực và bất ổn xã hội gia tăng.

San Chey, Giám đốc điều hành Mạng lưới chi nhánh về Trách nhiệm xã hội (Affiliated Network for Social Accountability Cambodia), cho rằng những gì người dân bản địa phải gánh chịu vượt xa những gì họ nhận được.

“Ngành công nghiệp casino không mang lại lợi ích gì cho chúng tôi. Số lượng casino tăng cao nên bị coi là xu hướng đáng lo ngại cho đất nước. Tôi không tin rằng tiền thuế thu được từ ngành công nghiệp này đóng góp cho việc đưa ra giải pháp cho vấn đề này.”

Theo Viettimes