Bóc tách giai thoại về Stalin: Sự thật về đội vệ sĩ khổng lồ và lối sống không vật chất

Trang tư liệu Nga Russia Beyond (RBTH) có bài viết tiết lộ tính đúng/sai của các giai thoại xung quanh cuộc đời lãnh tụ Liên bang Xô Viết Joseph Stalin.

Bóc tách giai thoại về Stalin: Sự thật về đội vệ sĩ khổng lồ và lối sống không vật chất
Lãnh tụ Joseph Stalin. Ảnh: Getty

I. STALIN SỢ MÁY BAY VÀ CẤM BAY TẤT CẢ QUAN CHỨC CẤP CAO

ĐÚNG

Điều này được RBTH ghi nhận là đúng, căn cứ theo tất cả các lần xuất hiện của lãnh đạo Stalin.

Trong cả cuộc đời, Stalin chỉ đi máy bay 2 lần, mỗi lần bay 500km: Tháng 11 năm 1943, khi ông bay từ Baku đến Tehran để gặp Roosevelt và Churchill và vào tháng 12 năm đó, khi ông bay về. Trong tất cả các chuyến đi khác, ông thường chọn di chuyển bằng đường bộ hoặc đường thủy bất luận thời gian di chuyển là bao lâu. Thậm chí, khi phải tham gia Hội nghị Potsdam vào năm 1945, Stalin cũng không di chuyển bằng máy bay. Ông chỉ tới chụp ảnh với máy bay sau đó lại đi tới Đức bằng tàu.

Bóc tách giai thoại về Stalin: Sự thật về đội vệ sĩ khổng lồ và lối sống không vật chất - Ảnh 1.

Ảnh: russiainphoto.ru

Tuy nhiên, chứng sợ máy bay của ông là chính đáng. Vào thời điểm đó, các vụ tai nạn máy bay thường xuyên xảy ra và ngay cả các kĩ sư và các cộng sự thân cận của Stalin đều thiệt mạng. Ví dụ, cho đến năm 1933, không có bài kiểm tra trình độ bắt buộc hàng năm nào cho phi công hoặc các thiết bị để tìm ra điểm mù khi bay vào buổi tối hoặc khi bay vào vùng có tầm nhìn kém. Sau một loạt các thảm họa khủng khiếp, Stalin đã ban hành lệnh cấm bay đối với tất cả các quan chức cấp cao và tất cả các thành viên của Bộ Chính trị.

II. STALIN SỬ DỤNG QUẢ ĐỊA CẦU KHI TIẾN HÀNH CÁC TRẬN CHIẾN

SAI

Chuyện kể rằng Stalin sử dụng quả địa cầu để theo dõi tất cả tình hình hoạt động và đưa ra các chỉ thị trong Thế chiến II (bởi ông không thể đọc bản đồ). Tin tức này lần đầu được đưa ra bởi lãnh đạo Xô Viết, ông Nikita Khrushchev. Phát biểu trước Đại hội lần thứ 20 vào tháng 2/1956, ông Khrushchev nói: "Chúng ta nên lưu ý rằng Stalin đã lên kế hoạch cho các hoạt động bằng cách sử dụng quả địa cầu. Vâng, thưa các đồng chí, ông ấy sử dụng quả địa cầu để theo dõi các mặt trận."

RBTH cho biết, ông Khrushchev đã cố gắng thuyết phục rằng Stalin không biết gì về các vấn đề quân sự. Tuy nhiên điều này sau đó được những người sống cùng thời với Stalin xác nhận là không đúng.

Bóc tách giai thoại về Stalin: Sự thật về đội vệ sĩ khổng lồ và lối sống không vật chất - Ảnh 2.

Ảnh: Getty

Nguyên soái Aleksandr Vasilevsky viết rằng, Stalin là "nhân tố mạnh mẽ và nhiều màu sắc nhất trong đội ngũ chỉ huy chiến lược"; Tướng Sergei Shtemenko cũng nói về quả địa cầu: "Đằng sau bàn (làm việc), trong góc phòng (làm việc của Stalin), có một quả địa cầu lớn. Tôi phải nói rằng tôi đã đến căn phòng làm việc này hàng trăm lần và chưa bao giờ thấy quả địa cầu đó được sử dụng trong quá trình thảo luận các vấn đề liên quan đến chiến đấu. Lời đồn cho rằng các hoạt động ở tiền tuyến được quyết định trên một quả địa cầu là không đúng."

III. STALIN KHÔNG NÓI TIẾNG NGA CHO ĐẾN NĂM LÊN 10 NHƯNG HỌC TIẾNG NGA ĐỂ TRỞ THÀNH LINH MỤC

ĐÚNG

Stalin đến từ Georgia, chính vì thế ông nói tiếng Georgia. Mẹ của Stalin muốn con trở thành linh mục và quyết định gửi ông ấy tới trường tôn giáo Nhà thờ Orthodox. Tuy nhiên, ông đã không được nhận bởi không biết tiếng Nga. Sau đó mẹ của Stalin đã thuyết phục đám trẻ con trong nhà thờ địa phương dạy con trai mình tiếng Nga.

Bóc tách giai thoại về Stalin: Sự thật về đội vệ sĩ khổng lồ và lối sống không vật chất - Ảnh 3.

Stalin năm 1894. Ảnh: Public domain.

"Tới năm 8 tuổi, Stalin hầu như không biết tiếng Nga, nhưng ông đã học chỉ trong 2 năm sau đó. Ông đã tốt nghiệp trường tôn giáo ở Gori, Georgia. Ông là học sinh xuất sắc trong những năm đầu tiên của mình tại Chủng viện Tiflis. Tuy nhiên, ông đã bị đuổi khỏi trường vì tham gia các hoạt động kháng chiến. Vào năm 1924, ông bắt đầu mở thư viện. Tới những năm cuối đời, thư viện có trên 20.000 sách. Stalin có lẽ phải đọc tới 500 trang sách mỗi ngày," nhà sử học Vladimir Dolmatov cho biết.

IV. STALIN CÓ NGHĨA LÀ THÉP

SAI/ CHƯA ĐƯỢC KIỂM CHỨNG

Iosif DzhugashvilI đã chọn cho mình một cái tên đi vào lịch sử: Stalin. Nhiều người cho rằng, tên ông nghe giống như bắt nguồn từ "stal" (tiếng Nga có nghĩa là thép) và cũng có thể nói, cái tên mô tả đặc trưng tính cách của ông là sự cứng rắn. Vì thế mà họ tin rằng Stalin có nghĩa là thép. Trong suốt cuộc đời ông và một thời gian sau khi ông đã mất, không có ai kiểm chứng điều này là thật hay không.

Bóc tách giai thoại về Stalin: Sự thật về đội vệ sĩ khổng lồ và lối sống không vật chất - Ảnh 4.

Ảnh: Getty

Sau đó, nhiều bằng chứng chỉ ra có vẻ như cái tên này không liên quan gì đến thép và có nhiều quan điểm khác nhau về nguồn gốc của cái tên.

V. STALIN VÀ LỐI SỐNG TÁCH RỜI VẬT CHẤT

SAI

Bóc tách giai thoại về Stalin: Sự thật về đội vệ sĩ khổng lồ và lối sống không vật chất - Ảnh 5.

Ảnh: Sputnik

Có giai thoại rất nổi tiếng rằng Stalin chỉ mặc một chiếc áo quân đội trong suốt cuộc đời, không để lại tài sản tiết kiệm sau khi mất. Thực tế là ông sống khá dư dả bởi ông có rất nhiều đặc quyền. Xe hơi, biệt thự, bác sĩ riêng, thức ăn và một đội ngũ nhân viên khổng lồ túc trực, ông có mọi thứ. Ông cũng có mức lương khoảng 45.000 USD mỗi tháng, đồng thời nhận được khoản tiền bản quyền khổng lồ cho các bài viết của mình.

VI. STALIN CỰC KỲ QUAN TÂM ĐẾN SỰ AN TOÀN CỦA BẢN THÂN

ĐÚNG

RBTH tiết lộ, Stalin được vài chục đến vài chục nghìn người hộ tống tùy từng thời điểm. Theo hồi ức của vệ sĩ Vladimir Vasilyev, ngay cả khi các buổi họp chính thức được tổ chức tại Nhà hát Bolshoi, ngoài những người bảo vệ xung quanh tòa nhà, tại lối vào và lối ra, hậu trường, thì ngay cả tại hội trường cũng có rất nhiều thành viên an ninh mặc quần áo thường dân. Cứ ba khách mời lại có 1 nhân viên an ninh. Ông không tin tưởng bất cứ ai, kể cả đầu bếp riêng của mình, và trong các bữa tiệc, ông luôn ăn sau người khác.

Bóc tách giai thoại về Stalin: Sự thật về đội vệ sĩ khổng lồ và lối sống không vật chất - Ảnh 6.

Ảnh: Getty

Trong những năm sau chiến tranh, việc bảo vệ Blizhnyaya - biệt thự của Stalin gần làng Volynskoye có thể được so sánh với Hang Sói của Hitler: "Con đường duy nhất dẫn tới biệt thự được cảnh sát tuần tra canh gác cả ngày lẫn đêm. Những người canh gác đều có cấp bậc đại úy hoặc thiếu tá, mặc dù họ mặc quần áo như những sĩ quan cấp thấp hơn. Xung quanh là khu rừng chằng chịt cây. Nếu ai đó thành công trong việc tìm được con đường đi qua này, tôi cũng sẽ không ghen tị với họ. Họ sẽ bị tấn công bởi những con chó Alsatian dọc đường," Vasilyev viết.

"Tuyến phòng thủ tiếp theo là một loạt các thiết bị chiếu sáng được mang về từ Đức. Hai chùm sáng được lắp đặt song song để bảo vệ an toàn. Nếu một con thỏ nhảy vào khu vực, đèn sẽ chiếu sáng trên bảng điều khiến của sĩ quan đang canh gác và cho anh ta biết 'kẻ xâm nhập' đang ở vị trí nào. Sau đó, có một hàng rào cao 5m đóng bằng ván rất dày. Nơi này có các cửa sổ dạng khe bắn, bên cạnh là các đồn lính canh cho các vệ binh có vũ trang. Tiếp tới hàng rào thứ hai, thấp hơn một chút. Đèn báo hiệu hải quân được lắp giữa hai bên. Và canh giữ bên cạnh ngôi nhà là những vệ sĩ cá nhân," Vasilyev nhớ lại.

Theo Soha