NATO tấn công Nam Tư : Sự kiện làm thay đổi vĩnh viễn quan hệ giữa Nga và phương Tây

Sự kiện NATO ném bom Nam Tư vào mùa xuân năm 1999 đã làm thay đổi vĩnh viễn quan hệ giữa Nga và phương Tây.

 

Ngày 24/3/1999, cô sinh viên Elena Milincic đang ở nhà cùng chị gái và một người bạn ở Belgrade. Đột nhiên, buổi tối yên tĩnh bị gián đoạn bởi tiếng còi báo động không kích. Các cô gái nhanh chóng trốn dưới gầm bàn. Đó không phải là nơi an toàn nhất, nhưng họ đã gặp may khi nơi họ ở không bị tấn công.

Suốt 77 ngày sau đó, những cô gái này và các cư dân Belgrade khác thường xuyên phải ẩn náu để tránh bom. Các cuộc không kích là một phần trong chiến dịch quân sự của NATO chống lại Nam Tư (khi đó chỉ bao gồm Serbia và Montenegro).

su kien lam thay doi vinh vien quan he giua nga va phuong tay hinh anh 1
Tòa nhà ở Belgrade bốc cháy sau cuộc dội bom của NATO ngày 2/4/1999. Ảnh: Getty

Cái cớ của NATO

Vấn đề Kosovo đã tồn tại từ nhiều thế kỷ trước. Nằm ở phía Tây Nam Serbia giáp biên giới với Albania, vùng Kosovo là nơi sinh sống của hai dân tộc Balkan: người Serb và người Albania. Người Serb coi khu vực này là một phần quan trọng trong lịch sử và văn hóa của đất nước. Tuy nhiên, người Albania cũng đã sống ở đó hàng thế kỷ.

Vào giữa thế kỷ 19, số lượng người Albania ở Kosovo nhiều ngang bằng với số lượng người Serb. Xung đột sắc tộc là một vấn đề phổ biến ở vùng Balkan. Người Serb, người Albania, người Croatia, người Digan và người Serb theo đạo Hồi đã sống cạnh nhau trong nhiều thế kỷ và vẫn giữ những đặc điểm văn hóa của riêng mình. Tuy nhiên, xung đột giữa họ đã dẫn đến những vụ thảm sát tàn bạo.

Trong Thế chiến thứ hai, vùng Balkan bị Đức và Italy chiếm đóng. Người Serb bị trục xuất khỏi Kosovo và nhiều người đã thiệt mạng. Sau chiến tranh, Josip Broz Tito lên nắm quyền ở Nam Tư và tình hình trở nên tồi tệ hơn. Ông không cho phép người Serb tị nạn quay trở lại khu vực và muốn dùng Kosovo để gây áp lực với Albania. Ông hy vọng khu vực này sẽ trở thành “cầu nối” giữa hai nước. Tuy nhiên, kế hoạch đã thất bại và khu vực này ngày càng thiên về Albania hơn.

Vào thời điểm Nam Tư bắt đầu tan rã (tính từ đầu những năm 1990 khi nhà nước liên bang vỡ dần thành từng quốc gia riêng), dân số ở Kosovo gồm khoảng 75% người Albania và 20% người Serb. Phần còn lại là người Digan và các nhóm thiểu số khác.

Từ những năm 1990, Kosovo đã tích cực nỗ lực tách khỏi Nam Tư, và người Albania ở Kosovo hướng về Albania. Trong thời kỳ Tito cầm quyền (1945-1980), giới trí thức theo chủ nghĩa dân tộc trong khu vực đã gia tăng đáng kể về số lượng và đặt nền tảng tư tưởng cho các nỗ lực ly khai.

Năm 1991, Kosovo tổ chức trưng cầu ý dân về độc lập và bầu cử tổng thống. Nam Tư không công nhận nhà nước mới nhưng trên thực tế khu vực này đã ly khai. Năm 1996, một đội quân được thành lập mang tên Quân đội Giải phóng Kosovo (KLA) đã phát động một cuộc chiến tranh du kích chống lại người Serb.

Vào mùa hè năm 1998, KLA đã chiếm gần 40% Kosovo. Chính quyền ở Belgrade nhận ra họ đã không thể kiểm soát tình hình và phát động chiến dịch quân sự chống lại Kosovo.

Theo nhà sử học người Nga chuyên về các cuộc xung đột và chính trị quốc tế Roman Shumov, truyền thông phương Tây đã đưa tin về chiến dịch của Nam Tư ở Kosovo một cách phiến diện. Dư luận ở châu Âu và Mỹ chỉ biết rằng những người theo chủ nghĩa dân tộc Serbia bạo lực đã giết hại những nông dân Albania ôn hòa như thế nào. Giới lãnh đạo phương Tây gây áp lực buộc Belgrade phải chấm dứt đổ máu, nhưng không ai đưa ra yêu cầu tương tự đối với các chiến binh KLA hoặc chỉ trích việc Albania bơm vũ khí cho Kosovo và huấn luyện các chiến binh.

Trong một chiến dịch tại làng Racak ở Kosovo vào tháng 1/1999, lực lượng an ninh Nam Tư đã tiêu diệt hàng chục “kẻ khủng bố” trong khi phái đoàn của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) tại đây gọi vụ việc là một “cuộc thảm sát” các nông dân Albania.

Cuộc kiểm tra của Uỷ ban Pháp y Belarus và Phần Lan đã không thể đi đến kết luận rằng tất cả các thi thể tìm thấy ở Racak đã bị giết ở cự ly gần và tất cả đều là thường dân Albania. Đã có nghi ngờ rằng nhiều người trong số họ thực ra là binh sĩ KLA, thiệt mạng trong khi chiến đấu.

Nhà khoa học pháp y Phần Lan Helena Ranta sau này thừa nhận rằng báo cáo về việc giết hại thường dân được thực hiện dưới áp lực của người đứng đầu phái đoàn OSCE.

Các sự kiện ở Racak được dùng làm lý do biện minh cho cuộc tấn công của NATO vào Nam Tư. Tổng thống Slobodan Milosevic được yêu cầu rút lực lượng Nam Tư khỏi Kosovo ngay lập tức và chuyển giao quyền kiểm soát khu vực cho lực lượng quốc tế của NATO. Lần này, các yêu cầu được hỗ trợ bởi lực lượng quân sự.

NATO không kích Belgrade

Các cuộc tấn công của NATO vào Nam Tư bắt đầu vào ngày 24/3/1999. Có tổng cộng 13 quốc gia đã tham gia vào chiến dịch này, trong đó Mỹ đóng vai trò chủ chốt. Liên minh không có kế hoạch tiến hành một chiến dịch trên bộ mà sử dụng lực lượng không quân và tên lửa hành trình để tấn công vào Nam Tư.

su kien lam thay doi vinh vien quan he giua nga va phuong tay hinh anh 2
Lửa bùng phát từ một tòa nhà bị trúng bom ở Belgrade. Hình ảnh được phát trên truyền hình Nam Tư đêm 24/3/1999

Tương quan lực lượng giữa 2 bên hoàn toàn không cân xứng. NATO sử dụng hơn 1.000 máy bay và trực thăng, chủ yếu từ các căn cứ quân sự ở Italy và tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. KLA có vài nghìn chiến binh, nhưng khả năng chiến đấu của các đơn vị này khá thấp.

So với phi đội của NATO, lực lượng của Nam Tư khá yếu. Không quân nước này chỉ có 11 máy bay chiến đấu tương đối hiện đại và một số hệ thống phòng thủ tên lửa lỗi thời do Liên Xô cung cấp từ lâu.

NATO bắt đầu chiến dịch bằng việc phóng vài chục tên lửa hành trình Tomahawk. Sau đó máy bay tấn công bắt đầu ném bom. Mục tiêu đầu tiên là làm tê liệt hệ thống phòng thủ tên lửa của Nam Tư.

Lực lượng Nam Tư đã có thể bắn hạ một máy bay chiến đấu tàng hình F-117 của Mỹ. Tuy nhiên, những thắng lợi như vậy cũng không thể thay đổi được diễn biến của chiến dịch. Họ chỉ có thể hành động từ mặt đất và tấn công lẻ tẻ máy bay đối phương bằng hệ thống phòng không. Các phi công của họ cũng cố gắng tấn công đối phương bằng máy bay chiến đấu. Đây thực sự là hành động dũng cảm, nhưng thực tế là vô dụng xét theo quan điểm quân sự. Trong suốt toàn bộ chiến dịch, NATO chỉ mất 3 máy bay và 2 trực thăng.

Các cuộc tấn công vào quân đội không hiệu quả lắm và các đơn vị Nam Tư vẫn giữ được khả năng chiến đấu cho đến khi chiến tranh kết thúc. Khoảng 30 phương tiện chiến đấu bị phá hủy và hàng trăm binh sĩ và sĩ quan người Serbia thiệt mạng và bị thương.

Xét đến thực tế hơn 90.000 quân nhân và cảnh sát đóng ở Kosovo và 65.000 người khác bảo vệ phần còn lại của Nam Tư, tổn thất không phải là quá lớn. Nói cách khác, các cuộc tấn công của NATO đã vô hiệu hóa lực lượng không quân và các hệ thống phòng không, nhưng không ảnh hưởng lớn đến khả năng chiến đấu của quân đội Nam Tư.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng dân sự đã bị thiệt hại nặng nề do các vụ đánh bom của NATO, vì việc che chắn một cây cầu hoặc tháp truyền hình khó hơn rất nhiều so với việc che giấu một chiếc xe tăng. Cầu cống, cơ sở công nghiệp và hệ thống viễn thông bị tấn công hàng ngày. Nhiều tòa nhà ở Belgrade vẫn đổ nát cho đến ngày nay.

su kien lam thay doi vinh vien quan he giua nga va phuong tay hinh anh 3
Một tòa nhà trụ sở của quân đội Serbia bị phá hủy một phần trong cuộc dội bom của NATO năm 1999. Bức ảnh do AP chụp ngày 24/3/2011.

Trong suốt thời gian này, các trận chiến giữa quân đội Serbia của Nam Tư và lực lượng KLA vẫn tiếp tục diễn ra. Vài chục tình nguyện viên từ Nga đã tham gia chiến đấu và ít nhất 3 người thiệt mạng.

Vào thời điểm đó, Nga đang trải qua thời kỳ kinh tế rất khó khăn và sự hỗ trợ của nước này dành cho Nam Tư chỉ còn mang tính biểu tượng. Sau khi NATO bắt đầu các cuộc không kích, Nam Tư muốn gia nhập liên minh giữa Nga và Belarus, nhưng Tổng thống Nga Boris Yeltsin đã ngăn chặn sáng kiến này.

Hàng nghìn người biểu tình tại Đại sứ quán Mỹ ở Moscow mỗi ngày. Ngoài việc lên tiếng phản đối, Nga thực sự không thể làm gì để ngăn chặn chiến dịch của NATO.

Vào ngày 1/6/1999, Tổng thống Milosevic đồng ý với mọi yêu cầu của NATO. Lực lượng gìn giữ hòa bình của liên minh quân sự tiến vào Kosovo và quân đội Nam Tư rút khỏi khu vực.

Trong vài năm, các cuộc đàm phán về tình trạng của khu vực đã không mang lại kết quả nào. Năm 2008, Kosovo tuyên bố độc lập và được hầu hết các quốc gia phương Tây công nhận.

Vài năm sau sự kiện năm 1999, Montenegro đã tách khỏi Nam Tư trong hòa bình và cái tên Nam Tư không còn tồn tại trên bản đồ. Tổng thống Slobodan Milosevic bị lật đổ năm 2000 do tình trạng bất ổn ở Belgrade và bị bí mật dẫn độ tới tòa án hình sự quốc tế ở La Hay. Năm 2006, trước khi phiên tòa kết thúc, ông qua đời trong nhà tù ở tuổi 64 và ngay lập tức dấy lên những nghi ngờ về nguyên nhân cái chết của ông.

Bước ngoặt trong quan hệ giữa Nga và phương Tây

Theo nhà sử học Shumov, vụ NATO đánh bom Nam Tư là một bước ngoặt quan trọng và đã làm thay đổi mãi mãi quan hệ giữa Nga và phương Tây.

Giới lãnh đạo cấp cao của Nga có lý do để lo ngại. Moscow thấy rõ rằng luật pháp quốc tế không mang lại bất kỳ sự đảm bảo nào trên trường quốc tế. Nam Tư bị phá hủy mà không có cơ sở nghiêm túc nào, đơn giản vì các chính trị gia phương Tây đã quyết định như vậy. Đất nước bị mất một phần lãnh thổ và vùng đất tách ra phải chịu cuộc “thanh lọc sắc tộc” trong khi phương Tây nhắm mắt làm ngơ. Tất cả những điều này được thực hiện dưới chiêu bài “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”. Toàn vẹn lãnh thổ được coi là một trong những nguyên tắc bất khả xâm phạm của luật pháp quốc tế nhưng nó cũng bị chà đạp.

Rõ ràng là cả các hiệp định lẫn luật pháp quốc tế đều không thể bảo vệ bất kỳ quốc gia nào, kể cả Nga, khỏi lực lượng quân sự bên ngoài, và các quốc gia chỉ có thể dựa vào tình hình chính trị và khả năng của chính mình để đối phó với các mối đe dọa.

Nga cũng gặp phải vấn đề tương tự với quân nổi dậy Hồi giáo ở Chechnya. Điện Kremlin không khỏi nghĩ rằng, nếu phương Tây đã lấy cớ để tấn công Nam Tư thì họ cũng có thể sử dụng chiến lược tương tự chống lại Nga.

Các nhà báo và chính trị gia phương Tây thường nhấn mạnh rằng tình hình ở Kosovo rất đặc biệt. Nhưng khu vực này rõ ràng không khác gì hàng chục điểm nóng khác. Tại sao Kosovo là “trường hợp đặc biệt”? Tại sao Transnistria, Nam Ossetia, Abkhazia, Nagorno-Karabakh, Krajina hay Catalonia không đặc biệt như vậy? Những tình huống nào khác sẽ được coi là “đặc biệt” và những xung đột nào khác giữa chính quyền và phe ly khai sẽ là cơ sở đủ lớn để NATO thực hiện các vụ đánh bom?

Vụ đánh bom Belgrade không phải là lần cuối cùng quy tắc pháp luật và yêu cầu công lý bị các nước phương Tây phớt lờ. Cuộc chiến ở Iraq đã diễn ra chỉ 4 năm sau đó.

Những sự kiện ở Nam Tư đã cho Nga thấy rằng, một quốc gia muốn bảo vệ chủ quyền trước các mối đe dọa từ bên ngoài chỉ có thể dựa vào sức mạnh của chính mình và vào các đồng minh đã được chứng minh.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)
Theo RT