Số phận những người con các lãnh đạo Liên Xô ra trận trong Thế chiến II: Sự hy sinh bi thảm của con trai Stalin

Không chỉ một, mà có đến hai người con của Stalin đã ra trận và một người đã tử nạn trong một hoàn cảnh bi thảm.

Trong cuộc chiến chống phát xít Đức, những người con trai của các thành viên cấp cao trong ban lãnh đạo Liên Xô đã được cử ra chiến trường và chiến đấu như những người lính Hồng quân bình thường. Sau đây là một số nhân vật nổi tiếng nhất và câu chuyện về họ được trang Russia Beyond (RBTH) tổng hợp.

1. YAKOV DZHUGASHVILI

 

Số phận của con các lãnh đạo Liên Xô ra trận trong Thế chiến II: Bi thảm nhất là con trai Stalin - Ảnh 1.

Yakov Dzhugashvili bị Đức Quốc Xã bắt giữ. Ảnh: Wolfram von Richthofen

Khi cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại chống lại Đức Quốc xã nổ ra vào ngày 22/6/1941, con trai cả của lãnh tụ Liên Xô Joseph Stalin, ông Yakov Dzhugashvili (họ thật của nhà lãnh đạo Liên Xô), đã được cử ra chiến trường trên cương vị chỉ huy một đại đội thuộc Trung đoàn pháo số 14 chống lại tập đoàn xe tăng số 4 của phát xít Đức.

Tuy nhiên, thời gian ông Yakov tham chiến không kéo dài. Vào ngày 16/7/1941, trong trận chiến ở Belarus, ông đã bị người Đức bắt làm tù binh.

Đức Quốc Xã đã nhanh chóng xác định được danh tính của người vừa bị bắt giữ và tìm mọi cách để thuyết phục Yakov hợp tác. Nhưng Yakov đã từ chối tất cả và nói rằng: "Tôi thấy xấu hổ với cha vì tôi vẫn còn sống".

Số phận của con các lãnh đạo Liên Xô ra trận trong Thế chiến II: Bi thảm nhất là con trai Stalin - Ảnh 2.

Thi thể của Yakov mắc trên hàng rào thép gai sau khi ông bị người Đức bắn chết. Ảnh: Getty

Một số chiến dịch đã được triển khai để giải cứu Thượng úy Dzhugashvili, nhưng tất cả đều thất bại. Đề nghị của Đức mà Stalin nhận được thông qua Hội Chữ thập đỏ để đổi Yakov lấy các tướng bị bắt tại Stalingrad đã bị nhà lãnh đạo Liên Xô từ chối thẳng thừng.

"Người Đức đề xuất hoán đổi Yasha lấy một số người của họ... Mặc cả với họ ư? Không, chiến tranh là chiến tranh", bà Svetlana Alliluyeva, con gái của lãnh tụ Stalin, nhớ lại câu nói của cha mình trong một cơn tức giận.

Sau khi những nỗ lực dụ dỗ tù binh thất bại, người Đức đã thay đổi cách đối xử với ông Yakov từ lịch sự sang cực kỳ tàn nhẫn. Ngày 14/4/1943, ông Yakov đã lao vào hàng rào thép gai có điện của trại tập trung Sachsenhausen và ngay lập tức bị một lính canh bắn chết. Việc ông Yakov định tự tử, trốn thoát hay toàn bộ vụ việc có phải do quân Đức dàn dựng hay không, cho đến nay vẫn là một ẩn số.

2. VASILY STALIN

Số phận của con các lãnh đạo Liên Xô ra trận trong Thế chiến II: Bi thảm nhất là con trai Stalin - Ảnh 3.

Vasily Stalin.

Đầu Thế chiến II, con trai út của lãnh tụ Stalin là Vasily - người đã tốt nghiệp trường phi công năm 1940 và được phân về trụ sở Không quân ở Moskva. Tuy nhiên ông mong muốn được ra mặt trận chiến đấu, thay vì ở lại hậu phương.

Mùa hè năm 1942, Vasily Stalin cuối cùng cũng đã được ra trận và vào tháng 2/1943, ông được bổ nhiệm làm chỉ huy Trung đoàn Hàng không Chiến đấu số 32. Vasily tích cực tham gia các trận không chiến, thực hiện 26 lần xuất kích và đích thân bắn rơi 2 máy bay địch.

Sergei Dolgushin, một phi đội trưởng trong trung đoàn của ông, kể rằng đơn vị này đã bắn rơi hàng chục máy bay địch chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 3/1943. "Theo quy tắc của trung đoàn, người đầu tiên tấn công máy bay - Vasily - được coi là người lập chiến công, nhưng anh ấy lại nhấn mạnh rằng đó là nỗ lực của cả đội. Tôi đã từng đề cập nhưng anh ấy chỉ xua tay và nói: 'Đừng!'".

Con trai của nhà lãnh đạo Liên Xô luôn thực hiện nhiệm vụ mà không mang theo dù - để ông không thể sống sót nếu như rơi vào tay kẻ thù.

Trên cương vị chỉ huy Sư đoàn Hàng không Tiêm kích 286, Đại tá Vasily đã góp công kết thúc Thế chiến II và được trao tặng nhiều danh hiệu, huân chương cao quý vì những đóng góp của mình.

3. LEONID KHRUSHCHEV

 

Số phận của con các lãnh đạo Liên Xô ra trận trong Thế chiến II: Bi thảm nhất là con trai Stalin - Ảnh 4.

Leonid Khrushchev.

Leonid Khrushchev - con trai của nhà lãnh đạo Nikita Khrushchev - đã là một phi công giàu kinh nghiệm từ rất lâu trước khi Thế chiến II nổ ra. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình từ năm 1933. Trong Chiến tranh Liên Xô-Phần Lan (Mùa đông), ông đã đăng ký làm tình nguyện viên ra tiền tuyến và thực hiện hơn 30 phi vụ trên máy bay ném bom Ar-2.

Khi chiến tranh với Đức Quốc Xã nổ ra, ông Leonid đang phụ vụ trong Trung đoàn máy bay ném bom tốc độ cao 134. Ông thường tiến hành ba hoặc bốn lần xuất kích mỗi ngày, thậm chí đôi khi không có máy bay chiến đấu hỗ trợ.

Vào ngày 26/7/1941, trở về sau một nhiệm vụ, máy bay của ông bị tấn công bởi một nhóm máy bay chiến đấu của Đức. Leonid đã tìm cách đưa chiếc máy bay bị bắn thủng lỗ chỗ đến một sân bay ở quê nhà để hạ cánh, nhưng trong quá trình hạ cánh ông đã bị thương nặng ở chân. Chiếc máy bay đã tiếp đất nhưng trong trạng thái lật nhào. Leonid đã bị treo ngược trong buồng lái khoảng một giờ, trước khi được thợ máy giúp kéo ra ngoài và đưa đến bệnh viện.

Mùa đông năm 1942, Leonid trở lại mặt trận và được trao tặng Huân chương Biểu ngữ Đỏ vì lòng dũng cảm trong chiến đấu. Tuy nhiên, ông không còn muốn lái máy bay ném bom nữa và sau khi được đào tạo lại, ông đã chuyển sang lái máy bay chiến đấu.

Trận chiến cuối cùng của Thượng úy Leonid Khrushchev diễn ra vào ngày 11/3/1943, gần thị trấn Zhizdra, cách Moskva 300 km. Ông Leonid đã được báo cáo là mất tích.

4. TIMUR FRUNZE

Số phận của con các lãnh đạo Liên Xô ra trận trong Thế chiến II: Bi thảm nhất là con trai Stalin - Ảnh 6.

Timur Frunze.

Timur Frunze có hai người cha, cả hai đều là những nhân vật cấp cao trong giới lãnh đạo Liên Xô. Cha đẻ của ông là Mikhail Frunze, một nhà cách mạng lỗi lạc và là Bộ trưởng Quốc phòng. Tuy nhiên, vào đầu thập niên 1930, cả cha và mẹ của Timur đều đã qua đời và anh được người kế nhiệm của Frunze là ông Kliment Voroshilov nhận nuôi.

Sau khi quyết định theo nghiệp quân sự, Timur ban đầu đăng ký theo học tại trường pháo binh. Tuy nhiên, ông lại bị bầu trời hấp dẫn và vào năm 1940, ông đã tốt nghiệp loại xuất sắc từ một trường phi công quân sự.

Timur Frunze là một người đầy tiềm năng và có triển vọng trở thành một con át chủ bài thực sự: trong vòng chưa đầy hai tuần với tư cách là một phần của Trung đoàn Hàng không Tiêm kích 161, ông đã thực hiện 9 lần xuất kích, tự mình bắn rơi hai máy bay địch và cùng đồng đội bắn rơi một chiếc khác.

Tuy nhiên, số phận đã không cho Timur đủ thời gian để phát huy hết khả năng của mình. Vào ngày 19/1/1942, tại một vị trí gần Staraya Russa, máy bay của ông đã giao chiến với một nhóm máy bay chiến đấu của Đức và ông đã thiệt mạng.

5. ANH EM NHÀ MIKOYAN

 

Số phận của con các lãnh đạo Liên Xô ra trận trong Thế chiến II: Bi thảm nhất là con trai Stalin - Ảnh 7.

Alexey, Stepan và Vladimir Mikoyan.

Anastas Mikoyan, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân ủy Liên Xô cũng có 3 người con trai tham gia chiến đấu trong Thế chiến II.

Người con trai cả, Stepan, phục vụ trong Trung đoàn Hàng không Tiêm kích 11, đã thực hiện 10 lần xuất kích trong trận chiến Moskva và suýt bỏ mạng trên chiến trường. Ngày 16/1/1942, chiếc Yak-1 của ông một máy bay chiến đấu Liên Xô khác bắn rơi do nhầm lẫn. Stepan đã cố gắng đưa máy bay tiếp đất, nhưng ông bị bỏng và gãy chân. Ông được người dân địa phương đưa đến bệnh viện dã chiến.

Đến mùa thu năm 1942, Stepan đã bình phục và bắt đầu bay trở lại, nhưng ông không trực tiếp tham gia Trận Stalingrad mà đóng góp trong vai trò hỗ trợ đồng đội.

Người con trai thứ hai của nhà Mikoyan, Vladimir, đã tham gia trận Stalingrad nhưng không may thiệt mang trong lần xuất kích ngày 18/9/1942. Sau cái chết của em trai, Stepan đã tạm thời bị đình chỉ thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu.

Tuy nhiên, trước khi chiến tranh kết thúc, ông Stepan đã thực hiện thêm hàng chục nhiệm vụ chiến đấu và tham gia hộ tống và bảo vệ các máy bay, đoàn tàu đặc biệt quan trọng.

Người em thứ 3 trong gia đình Mikoyan - Alexei - cũng sống sót sau Thế chiến II. Là thành viên của Trung đoàn Hàng không Chiến đấu 12, ông đã thực hiện 19 lần xuất kích cho đến cuối năm 1944 - khi ông bị chấn thương cột sống và mặt, do trục trặc bánh xe trong quá trình hạ cánh. Sau khi xuất viện, ông đã trở lại và tiếp tục nhiệm vụ cho đến khi cuộc chiến kết thúc./.

Nguồn Soha

(Theo RBTH)