"Bạo loạn bài bản" ở Kazakhstan: Mưu đồ khủng khiếp của kẻ giật dây làm loạn cả đất nước?

Có những nguyên nhân nội tại và nguyên nhân từ bên ngoài dẫn đến cuộc bạo loạn mới đây ở Kazakhstan.

Tình hình chính trị và an ninh ở  Kazakhstan hiện nay đang từng bước được ổn định. Các lực lượng thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) đến hỗ trợ chính quyền Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đã trở về nơi xuất phát. Giờ là lúc nhìn lại những sự kiện đầy kịch tính của cuộc khủng hoảng để  rút ra những bài học và chuẩn bị cho những tình huống có thể đe dọa chủ quyền, nền độc lập và ỏn định chính trị của đất nước Trung Á có vai trò địa chính trị quan trọng này trong tương lai. 

Các cuộc biểu tình hoà bình leo thang trở thành bạo động

Ngày 2/1/2022, các cuộc biểu tình bắt đầu bùng nổ tại thành phố Zhanaozen và chỉ trong hai ngày đã lan rộng ra hầu hết các thành phố lớn của đất nước. Tình hình ở Almaty, thành phố lớn nhất Kazakhstan là nghiêm trọng nhất. Hàng nghìn người biểu tình đã chiếm giữ sân bay quốc tế, xông vào đốt phá trụ sở hành chính của thành phố và toà nhà Hội đồng an ninh quốc gia, phóng hoả vào toà nhà công tố viên và đảng "Ánh sáng Tổ quốc - Nur Otan" cầm quyền và chiếm dinh thự của Tổng thống tại Almaty.

Những người biểu tình cũng đã đánh sập một tượng đài của N. Nazarbayev. Tất cả các sân bay đều phải đóng cửa, các dịch vụ ngân hàng và thông tin liên lạc đều bị gián đoạn. Sáng 6/1/2022, các cuộc đọ súng đã diễn ra tại Quảng trường Cộng hòa thuộc thành phố Almaty.

Các cuộc đụng độ đẫm máu đã xảy ra giữa cảnh sát và những người biểu tình. Nhiều nhân viên cảnh sát đã bị thiệt mạng, hơn 500 người biểu tình bị thương vong và bị bắt giữ, trong đó có hơn 10 người bị thiệt mạng. Hơn 120 xe ô tô, bao gồm cả xe cảnh sát, xe cứu thương và xe cứu hoả đã bị thiêu rụi trong đêm, 120 cửa hàng và ki-ốt và 180 cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống bị phá hủy.

Bạo loạn bài bản ở Kazakhstan: Mưu đồ khủng khiếp của kẻ giật dây làm loạn cả đất nước? - Ảnh 1.

Biểu tình hóa bạo động ở Kazakhstan đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Thủ đô Nur-Sultan cũng không yên tĩnh. Từ đêm ngày 4/1/2022, việc truy cập Internet, đặc biệt là các mạng xã hội và tin nhắn messenger bị hạn chế. Chính quyền Kazakhstan tuyên bố tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm đã được ban bố trên toàn quốc. Đến nay, các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục lan rộng, mặc dù các nhà chức trách đã thông báo giảm giá xăng dầu và hơi đốt.

Đây là một trong những cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất trong lịch sử Kazakhstan. Đến nay, các cuộc biểu tình vẫn đang diễn ra tại nhiều thành phố Kazakhstan. Từ các đòi hỏi về kinh tế, những người biểu tình bắt đầu đưa ra các yêu cầu chính trị, đòi chính phủ phải giải tán, tổ chức bầu cử tự do và cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev phải rút khỏi chính trường.

Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev tuyên bố sẽ nắm giữ chức Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia thay cho cựu Tổng thống N. Nazarbayev, đồng thời giải tán chính phủ, khẳng định sẽ không rời đất nước và quyết tâm khôi phục lại trật tự công cộng. Ông cũng tuyên bố cá nhân ông chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình hình chính trị tại đất nước và cam kết sẽ sớm đưa ra một gói đề nghị để khắc phục khủng hoảng.

Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev cầu cứu Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể

Sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, Tổng thống K. Tokayev đã yêu cầu sự giúp đỡ của các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) để đối phó với làn sóng biểu tình bạo lực. Ông gọi những gì xảy ra ở Kazakhstan là một cuộc xâm lược của các băng đảng nước ngoài.

Đáp ứng yêu cầu của Tổng thống K. Tokayev, Hội đồng của Tổ chức CSTO đã quyết định cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới Kazakhstan, một quốc gia thành viên của tổ chức, trong bối cảnh tình hình bất ổn an ninh ở đó.

Hiệp ước CSTO là một liên minh chính trị-quân sự được thành lập ngày 7/10/2002 bao gồm Liên bang Nga, Belarus, Kazakhstan, Tajikistan, Kyrgyzstan và Armenia. Tổ Mục tiêu của tổ chức này là đảm bảo an ninh tập thể, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nền độc lập của các quốc gia thành viên, hợp tác quân sự và duy trì an ninh và hòa bình trong khu vực.

Nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình

Nguyên nhân nội tại: Thứ nhất, người Kazakhstan không hài lòng với tình hình kinh tế, đời sống gặp nhiều khó khăn. Thứ hai, sau khi Nursultan Nazarbayev, người nắm quyền lãnh đạo đất nước trong 30 năm và từ chức vào năm 2019, nhiều người hy vọng sẽ có nhiều thay đổi. Họ tin rằng những gương mặt mới xuất hiện, sẽ có nhiều tự do hơn.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng, Tổng thống mới Kassym-Jomart Tokayev là người của N. Nazarbayev và trên thực tế, chính phủ hiện nay vẫn là chính phủ của N. Nazarbayev không có N. Nazarbayev mà thôi. Ông K. Tokayev vẫn trung thành và thực hiện chính sách của người tiền nhiệm.

Bạo loạn bài bản ở Kazakhstan: Mưu đồ khủng khiếp của kẻ giật dây làm loạn cả đất nước? - Ảnh 2.

Cựu tổng thống Nursultan Nazarbayev.

Ngay sau khi được cử giữ chức Tổng thống, ông là đổi tên thủ đô Astana thành Nur-Sultan và nhiều bức tượng N. Nazarbayev được dựng lên để vinh danh vị cựu Tổng thống. Hơn nữa, ông N. Nazarbayev tuy rút về phía sau, nhưng vẫn giữ ghế Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia là cơ quan quyền lực hết sức quan trọng trong hệ thống chính trị của Kazakhstan. Đây là những tín hiệu cho thấy toàn bộ hệ thống mà N. Nazarbayev xây dựng sẽ tiếp tục được duy trì.

Trong suốt 3 năm cầm quyền của Tổng thống K. Tokayev, không hề có bất kỳ cải cách thực sự nào, kéo theo sự trì trệ về kinh tế, cộng thêm với hậu quả của đại dịch Covid-19 làm cho đời sống đã khó khăn càng trở nên chật vật hơn. Hai năm trở lại đây, tình hình kinh tế - xã hội ngày càng suy sụp.

Nạn thất nghiệp, lương thấp, các loại thuế do chính phủ áp đặt cao vọt, lạm phát, nợ nần chồng chất, cộng thêm những yếu kém trong việc xử lý đại dịch Covid-19. Những vấn kinh tế - xã hội này tích tụ từ lâu nay là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự bất bình của của các tầng lớp nhân dân Kazakhstan.

Việc tăng giá xăng dầu và hơi đốt chỉ là giọt nước tràn ly làm bùng nổ các cuộc biểu tình. Tình hình này rất giống những gì đã xảy ra ở Kyrgyzstan năm 2020, đòi hỏi sự cần thiết cấp bách phải có các cải cách kinh tế - xã hội tại Kazakhstan.

Nguyên nhân bên ngoài: Ngày 5/1/2022, phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev nói: "Các cuộc biểu tình được tổ chức bài bản là rất đáng chú ý. Điều này chứng tỏ có bàn tay của những kẻ chủ mưu đặt ra một kế hoạch hành động được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, kể cả việc cung cấp tài chính."

Bình luận về những gì đang diễn ra tại Kazakhstan, nhà phân tích chính trị người Nga Yevgeny Satanovsky cho đây thực sự là một cuộc "cách mạng màu". Các cuộc bạo động được tổ chức và chỉ đạo sát sao, những người biểu tình theo chủ nghĩa tự do và Hồi giáo đang tìm cách lật đổ chính quyền.

Bạo loạn bài bản ở Kazakhstan: Mưu đồ khủng khiếp của kẻ giật dây làm loạn cả đất nước? - Ảnh 3.

Các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục lan rộng, mặc dù các nhà chức trách đã thông báo giảm giá xăng dầu và hơi đốt.

Satanovsky nói thêm: "Các cựu bộ trưởng và các quan chức khác của cấp lãnh đạo đầu tiên, đã bị loại khỏi chính quyền trước đây hiện đang sống ở nước ngoài chính là những người đứng sau các cuộc biểu tình bạo động này."

Ông cũng lưu ý đến một thực tế là tình trạng bất ổn bùng phát vào thời điểm sắp diễn ra các cuộc đàm phán giữa Nga với Mỹ và NATO. Mỹ và phương Tây cho rằng, do tình hình căng thẳng trong vấn đề Ukraine và trước thềm các cuộc đàm phán với Mỹ và NATO, Nga sẽ không can thiệp vào các sự kiện ở Kazakhstan. Việc gây bất ổn ở một đất nước có chung biên giới và quan hệ tốt với Nga sẽ là sức ép lên các cuộc đàm phán sắp tới.

Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng, một số tổ chức phi lợi nhuận (NPO), các tổ chức phi chính phủ (NGO) của phương Tây hoạt động ở Kazakhstan, có thể đóng vai trò trong tình hình bất ổn hiện nay của nước này.

 

Họ cũng cho rằng, các cơ quan tình báo phương Tây quan tâm đến Kazakhstan, vì quốc gia này có quan hệ tốt với Trung Quốc và Nga, mà Washington gọi là hai đối thủ chính của họ trong thế kỷ 21.

Hoạt động của phương Tây trước khi xảy ra khủng hoảng và trong các sự kiện hiện nay là rất đáng chú ý. Tình hình này làm cho người ta nhớ lại phong trào Euromaidan ở Ukraine năm 2014 và mới đây ở Belarus.

Tình hình Kazakhstan vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường. Trước mắt, bạo loạn cần phải được chấm dứt. Các vấn đề của Kazakhstan cần phải được giải quyết hoà bình trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật thông qua đối thoại, không có sự can thiệp từ bên ngoài.

Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev một mặt hết sức kiên quyết trấn áp những phần tử nổi loạn, mặt khác đang cố gắng có các biện pháp nhằm ổn định tình hình, giải quyết các vấn đề tồn tại, kể cả các đòi hỏi hợp pháp của những người biểu tình.

Hy vọng rằng, chính quyền Kazakhstan, đứng đầu là Tổng thống K. Tokayev sẽ có các quyết sách đúng đắn,  làm trật tự ở Kazakhstan sẽ được khôi phục và tình hình sẽ sớm đi vào ổn định.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai

Ủy viên Thường vụ Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam