Hậu quả nghiêm trọng của đại dịch Covid-19
Ngày 31/12/2019, chính quyền Trung Quốc đã công bố một đợt bùng phát đầu tiên bệnh viêm phổi cấp tính ở thành phố Vũ Hán. Tác nhân gây bệnh là một loại Coronavirus chủng mới SARS-CoV-2, gây ra bệnh Covid-19. Đến ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới tuyên bố Covid-19 là một đại dịch. Đến nay, đại dịch Covid-19 đã lây lan ra hầu hết các nước trên thế giới. Theo con số thống kê của WHO, đến ngày 15/9/2020, đã có trên dưới 20 triệu trường hợp bị lây nhiễm và gần 1 triệu ca tử vong. Covid-19 không chỉ là một thách thức to lớn đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe và nền kinh tế toàn cầu, mà còn phơi bày tất cả các điểm yếu của mối quan hệ giữa các quốc gia.
Số nạn nhân và các trường hợp nhiễm virus-19 đang tăng lên theo cấp số nhân. Các nước đang áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm trọng hơn đối với công dân của mình, số lượng thành phố bị cách ly ngày càng tăng, thị trường tài chính thế giới lao dốc và có nguy cơ sụp đổ, các công ty, văn phòng và nhà máy phải đóng cửa, hệ thống giao thông, đi lại toàn cầu đã gần như ngừng hoạt động.
Trong những thập kỷ gần đây, thế giới đã phải đối mặt với nhiều khủng hoảng và các vấn đề khác nhau. Sau thế chiến thứ hai, chiến tranh lạnh đã dẫn đến hình thành một trật tự lưỡng cực trong quan hệ quốc tế. Sự tan rã của Liên Xô và sụp đổ của bức tường Berlin năm 1991, tiếp đến là vụ khủng bố 9/11/2001 tại Mỹ đã đưa thế giới từ trật tự lưỡng cực sang đơn cực. Các cuộc xung đột vũ trang mới bùng nổ, các tổ chức khủng bố, đặc biệt là Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tăng cường hoạt động từ Trung Đông đến châu Phi, châu Âu và các nơi khác trên thế giới. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 cũng đã đẩy nến kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Tất cả những sự kiện đó đều ảnh hưởng to lớn đến quan hệ quốc tế, nhưng không có cuộc khủng hoảng nào lại tác động đến nhiều quốc gia, làm rung chuyển nền tảng trật tự quốc tế một cách toàn diện đáng kể như đại dịch Covid-19.
Trong trật tự thế giới mới, cán cân quyền lực sẽ chuyển từ Tây sang Đông
Nhiều nhà nghiên cứu chiến lược cho rằng Covid-19 đang làm thay đổi bàn cờ chính trị thế giới. Trật tự thế giới cũ đã trở nên không còn phù hợp, cần phải có một trật tự thế giới mới mới có thể giải quyết được những vấn đề mang tính chất toàn cầu. Cán cân quyền lực toàn cầu sẽ thay đổi căn bản. Mỹ sẽ không còn là siêu cường duy nhất do phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức mới cả trong và ngoài nước. Vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ đang gặp nhiều thách thức.
Covid-19 sẽ làm cho cán cân quyền lực và phạm vi ảnh hưởng chuyển từ Tây sang Đông. Mặc dù có tiềm lực to lớn về tài chính, những tiến bộ về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực y tế, các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ và châu Âu đã phản ứng và hành động hết sức chậm chạp, dẫn đến sự lây lan dịch bệnh trên diện rộng, tử vong hàng loạt và đang trở thảnh ổ dịch lớn nhất thế giới.
Các nước phương Đông, trong đó có Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Singapore, Việt Nam và nhiều nước khác, với nguồn lực hạn chế đã có các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh này hữu hiệu và xử lý được cuộc khủng hoảng tốt hơn rất nhiều. Trung Quốc là nguồn gốc của đại dịch, lúc đầu phạm nhiều sai lầm, nhưng đến nay về cơ bản đã ngăn chặn được sự lây lan của bệnh dịch và số người tử vong thấp hơn nhiều so với các nước châu Âu và Mỹ.
Cạnh tranh vai trò lãnh đạo thế giới giữa Mỹ và Trung Quốc
Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc gần đây trở nên hết sức căng thẳng đang leo thang đến đỉnh cao. Ngày 21/7/2020, chính quyền Mỹ đã yêu cầu đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston và đe doạ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh. Đáp lại, ngày 24/7/2020, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã yêu cầu Mỹ đóng cửa Lãnh sự quán tại Thành Đô. Cả hai phía đều tiến hành các cuộc tập trận quân sự lớn nhằm biểu dương lực lượng. Các nhà quan sát quốc tế không loại trừ khả năng sắp tới xảy ra một cuộc chiến tranh nóng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Những động thái này là nằm trong chính sách của hai cường quốc nhằm tranh giành vai trò lãnh đạo thế giới trong bối cảnh đang có nhiều thay đổi do đại dịch Covid-19
Nước Mỹ đang đứng trước những khó khăn chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra. Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng, Covid-19 sẽ dẫn đến những thay đổi sâu sắc hơn tại Mỹ. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19 đến nay, Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong với hơn 6,8 triệu người bị lây nhiễm và gần 200 nghìn người chết. Trong thời gian gần đây, tại Mỹ mỗi ngày có 70 nghìn ca lây nhiễm mới và mỗi phút có một người chết do Covid-19.
Kinh tế Mỹ đang bước vào giai đoạn suy thoái chưa từng có, tổng thu nhập quốc nội (GDP) quý II năm nay giảm 32,9%. Sự suy thoái kinh tế này hầu như đã xoá đi tất cả những thành tựu tăng trưởng kinh tế từ năm 2015 và trở thành mức suy giảm kỷ lục kể từ năm 1947, khi chính phủ Mỹ bắt đầu tập hợp các số liệu thống kê như vậy. Theo Bộ Lao động Mỹ, con số thất nghiệp ở Mỹ hiện lên tới hơn 42 triệu người. Nội bộ nước Mỹ, trong chính quyền, cũng như ngoài xã hội chưa bao giờ có nhiều mâu thuẫn và bất bình như hiện nay. Bất đồng sâu sắc chưa từng có giữa đàng Cộng hoà và đảng Dân chủ. Nhiều cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng triệu người đang lan rộng trên khắp cả nước phản đối phương cách của chính quyền trong việc xừ lý bệnh dịch Covid-19 và đời sống khó khăn.
Trung Quốc là nước đông dân nhất thế giới với 1,4 tỷ người, có một nền kinh tế phát triển nhanh với tỷ lệ tăng trưởng trung bình 6-7%, có năm lên tới 9-10%, tổng thu nhập quốc nội đạt khoảng 14 nghìn tỷ USD, đứng thứ hai sau Mỹ. Sức mạnh quân sự của Trung Quốc không ngừng lớn mạnh và cũng chỉ đứng thứ hai sau Mỹ.
Trung Quốc có thể sẽ là nước đầu tiên ra khỏi cuộc khủng hoảng này và vươn lên mạnh mẽ. Quý II này kinh tế Trung Quốc đã đạt được mức tăng trưởng 3,2%. Các chuyên gia dự báo tổng thu nhập quốc nội (GDP) năm 2020 của Trung Quốc thể sẽ tăng ít nhất 5,5%. Điều này đang đưa Trung Quốc lên vị trí hàng đầu để lấy lại sự cân bằng cán cân lực lượng trên phạm vi toàn cầu. Nhiều nhà nghiên cứu chiến lược của Mỹ như Joseph Nye, Brzezinski, Farid Zakaria, Richard Haass, Kissinger...nhận định rằng, nếu thế giới quay trở lại trật tự lưỡng cực thì Trung Quốc sẽ là ứng viên nặng ký ngang hàng với Mỹ.
Trong tình hình mới, chính quyền Mỹ đang phải tính toán lại chiến lược của mình. Nếu mục tiêu chính của họ là duy trì sự lãnh đạo thế giới, thì Washington sẽ phải tham gia vào một cuộc đối đầu địa chính trị không khoan nhượng với Trung Quốc trên tất cả các mặt trận. Tuy nhiên, nếu Mỹ tập trung giải quyết những vấn đề trong nước, tìm cách cải thiện đời sống của người dân Mỹ đang suy giảm và xuống cấp, theo nhiều nhà phân tích chính trị thì Mỹ nên hợp tác với Trung Quốc. Ngược lại, duy trì tình trạng đối đầu với Mỹ hoàn toàn không có lợi cho Trung Quốc. Vì vậy, lựa chọn tốt nhất cho Bắc Kinh là hợp tác với Washington.
Đại dịch Covid-19 mà thế giới đang trải qua chưa đi được nửa chặng đường và có lẽ còn lâu mới kết thúc. Thời gian từ năm 2020 đến năm 2025, sẽ là giai đoạn hết sức khó khăn, tình hình thế giới sẽ còn mờ mịt. Việc giải quyết hậu quả lây lan của Covid-19 sẽ còn hết sức khó khăn.
Một trong những nguyên nhân để Covid-19 hoành hành trên khắp thế giới là do thiếu lập trường thống nhất và sự phối hợp giữa các quốc gia nhằm đưa ra một kế hoạch chung để ngăn chặn căn bệnh này. Việc cấp bách đầu tiên là tìm cách chấm dứt càng sớm càng tốt sự lây lan của đại dịch. Để đạt được mục tiêu này chỉ có cách duy nhất là các nước hợp tác với nhau để tìm ra một loại vắc-xin mới có hiệu quả để điều trị cho bệnh nhân. Rất tiếc, nhiều nước vẫn phải tự mò mẫm đi tìm con đường chống dịch riêng của mình và tồi tệ hơn nữa là một số nước khác còn tìm mọi cách để giữ độc quyền khi tìm ra loại vắc-xin này.
Đại sứ Nguyễn Quang Khai (VPDF)