Điểm sáng tăng trưởng, sản xuất an toàn

Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) là một trong những cụm cảng nước sâu lớn nhất cả nước, giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm lưu thông hàng hóa khu vực phía Nam với các thị trường lớn trên thế giới.

Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng cụm cảng này vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao. Thành công đó nhờ đổi mới chiến lược đầu tư kinh doanh kết hợp với các giải pháp bảo đảm an toàn để thực hiện mục tiêu kép.

Sản xuất an toàn với "3 tại chỗ"

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cụm cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam vẫn duy trì hiệu quả các hoạt động gắn với thực hiện nghiêm những giải pháp phòng ngừa dịch bệnh. Chứng kiến quy trình kiểm soát người và phương tiện ra-vào cảng CMIT (thuộc cụm cảng Cái Mép-Thị Vải), chúng tôi ghi nhận công tác phòng dịch được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc. Cảng đã áp dụng phương châm “3 tại chỗ” để sản xuất an toàn. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Trưởng phòng Quan hệ chính quyền và Công vụ (cảng CMIT) cho biết: Chúng tôi bố trí chỗ ăn, nghỉ với diện tích 1.000m2 cho hơn 350 cán bộ, công nhân viên và người lao động; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tài xế ra-vào cảng và các tàu cập cảng, tất cả đều phải được test nhanh thường xuyên. Ban giám đốc cảng đã xây dựng và triển khai luyện tập phương án ứng phó khi dịch Covid-19 xâm nhập cảng theo các tình huống từ thấp đến cao, cả đường biển và trên bờ.
 

Điểm sáng tăng trưởng, sản xuất an toàn
 Tàu nước ngoài tải trọng lớn cập Cảng quốc tế Tân Cảng-Cái Mép (TCIT), tháng 6-2021.

Nhằm tạo khí thế, động lực cho cán bộ, công nhân viên, người lao động trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, cảng Tân Cảng-Cái Mép Thị Vải (TCTT) đã phát động thi đua “21 ngày đêm chống dịch và sản xuất”, với nội dung “2 nhất” (chấp hành các quy định phòng, chống dịch cao nhất; bảo đảm phục vụ sản xuất, kinh doanh hiệu quả nhất). Theo đó, toàn cảng tuyệt đối tuân thủ quy định “5K”, duy trì chặt chẽ các chế độ trực, tăng cường kiểm tra từng công đoạn có nguy cơ lây lan dịch bệnh; thực hiện phân ca hợp lý, bảo đảm giãn cách giữa các bộ phận, tổ, đội trong quá trình làm việc. Doanh nghiệp cũng đã thực hiện “3 tại chỗ”, bảo đảm ăn, ở cho 250 người lao động; bố trí khu vực sinh hoạt, làm việc độc lập giữa các bộ phận, thực hiện giãn cách các nhóm công việc thường xuyên tiếp xúc với khách hàng.

Tại cảng quốc tế Gemalink, lãnh đạo doanh nghiệp đã chủ động bố trí khu vực lưu trú tập trung cho người lao động, được kiểm soát bằng hệ thống camera có kết nối với hệ thống thông tin của địa phương để phối hợp giám sát hoạt động phòng, chống dịch bệnh; lắp đặt camera quan sát, sắp xếp phân luồng, lối vào nơi làm việc, không để tình trạng đông người chen lấn; công nhân làm việc phải giãn cách tối đa; trong phòng ăn không ngồi đối diện; tổ chức xét nghiệm 3 ngày/lần cho toàn thể người lao động.

Ông Phạm Quốc Long, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Gemadept (chủ đầu tư cảng quốc tế Gemalink) cho biết: Lượng hàng xuất nhập khẩu đi qua cụm cảng Cái Mép-Thị Vải chiếm tỷ trọng lớn nên nếu cảng biển bị dừng hoạt động do dịch Covid-19 sẽ gây hệ lụy nặng nề cho nền kinh tế đất nước. Cho nên các doanh nghiệp đều ý thức được vai trò của công tác phòng ngừa dịch bệnh với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để sản xuất an toàn trong thời gian dài. Mặc dù còn gặp những khó khăn nhất định nhưng các doanh nghiệp trong cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải luôn nỗ lực thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, vừa phát triển sản xuất, vừa ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh...

Điểm sáng tăng trưởng, sản xuất an toàn
Một trong những dấu ấn quan trọng là cảng quốc tế Tân Cảng-Cái Mép (TCIT) đã thiết lập cột mốc kỷ lục về sản lượng xếp dỡ hàng hóa từ tàu mẹ thuộc hãng tàu ONE, đạt 15.615 TEU. 

Giữ vững thành quả, tạo đà tăng trưởng

Cụm cảng Đông Nam Bộ, gồm TP Hồ Chí Minh-Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu, với trọng tâm là cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải, đang thu hút sự quan tâm của khách hàng là những hãng tàu lớn thuộc châu Âu, Bắc Mỹ, Tây Ấn, châu Á... Theo đánh giá của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, Cái Mép-Thị Vải nằm trong nhóm cảng biển có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, với mức tăng khoảng 22%/năm.

Một trong những dấu ấn quan trọng là cảng quốc tế Tân Cảng-Cái Mép (TCIT) đã thiết lập cột mốc kỷ lục về sản lượng xếp dỡ hàng hóa từ tàu mẹ thuộc hãng tàu ONE, đạt 15.615 TEU. Đây cũng là mức sản lượng xếp dỡ trên một tàu mẹ cao nhất Việt Nam từ trước đến nay. Trong khi đó, cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) đã thành công trong việc đón hai tuyến tàu mẹ chở hàng hóa trực tiếp đi Mỹ, kết nối Cái Mép với các cảng trên hành trình châu Á-bờ Đông Mỹ.

Ngoài ra, các cảng khác như: Gemalink, SSIT, TCTT... cũng đã đón thêm từ một đến hai tuyến dịch vụ mới. Tính chung đến cuối tháng 7-2021, các liên minh hãng tàu đã đưa thêm 8 tuyến dịch vụ mới vào Cái Mép-Thị Vải. Ông Kurita, Tổng giám đốc cảng TCIT cho biết: Thành công đó là kết quả của việc đầu tư các cẩu bờ hiện đại nhất Việt Nam, có tầm với lên tới 24 hàng container (khoảng 70m); bổ sung hàng chục chiếc cẩu bãi, xe đầu kéo và xe nâng... TCIT đang tiếp tục trang bị thêm 3 cẩu bờ với kích thước lớn hơn để thay thế 3 cẩu bờ cỡ trung hiện tại. Bên cạnh đó, chúng tôi chủ động tìm kiếm đối tác, kết nối với các hãng tàu lớn để mở rộng khai thác những tuyến vận chuyển quốc tế nhằm mang lại hiệu quả cao hơn.

Điểm sáng tăng trưởng, sản xuất an toàn
Cảng quốc tế Tân Cảng-Cái Mép (TCIT) luôn nhộn nhịp hoạt động làm hàng. 

Cũng với chính sách đổi mới chiến lược, mở rộng đầu tư, cảng CMIT và cảng quốc tế Gemalink đã trang bị thêm cẩu bờ hiện đại, triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách kinh doanh và tổ chức điều hành sản xuất, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, rút ngắn thời gian tàu chờ tại cảng, tiết kiệm chi phí... Những giải pháp này tạo uy tín cho khách hàng, thu hút các hãng tàu cập cảng.

Mặc dù tăng trưởng ấn tượng nhưng các doanh nghiệp đang hoạt động tại cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải cũng gặp khó khăn nhất định do hạ tầng kết nối giao thông và dịch vụ chưa thực sự đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu, xếp dỡ hàng hóa; dịch vụ khép kín chưa hoàn chỉnh và chi phí còn cao... Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, giai đoạn 2021-2030, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu dự kiến triển khai đầu tư dự án trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại cụm cảng này; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương lân cận để phát triển hạ tầng giao thông và hệ thống cảng cạn. Theo ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cùng với sự đầu tư, kết nối của các doanh nghiệp cảng, sở sẽ xây dựng kế hoạch đầu tư kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông đến cụm cảng nước sâu, kết nối đường bộ với hệ thống đường cao tốc và Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai; nạo vét luồng, dòng chảy; đồng thời thống nhất với TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai trong việc bảo đảm hạ tầng thuận lợi để vận chuyển hàng hóa đến cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải, giúp cho cụm cảng hoạt động thêm hiệu quả, phát triển xứng tầm khu vực.
NGÂN GIANG - PHẠM CÔNG

Theo QĐND