Chủ nhật, 20/07/2025 - 22:04

Liệu quân đội Trung Quốc có sẵn sàng cho chiến tranh?

Những vấn đề nội bộ có thể không ảnh hưởng đến nỗ lực chiến tranh.

 

 

Nguồn: M. Taylor Fravel, “Is China’s Military Ready for War?”, Foreign Affairs, 18/07/2025

Biên dịch: Viên Đăng Huy

Một làn sóng thanh trừng mới đã càn quét giới lãnh đạo cấp cao của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Kể từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20 vào tháng 10 năm 2022, hơn 20 sĩ quan cấp cao của PLA từ cả bốn quân chủng – lục quân, hải quân, không quân và lực lượng tên lửa – đã biến mất khỏi tầm mắt công chúng hoặc bị cách chức. Sự vắng mặt của các tướng lĩnh khác cũng đã được báo cáo, điều này có thể báo trước các cuộc thanh trừng bổ sung.

Đáng chú ý nhất, kể từ mùa thu năm 2023, ba trong số sáu thành viên cấp cao của Quân ủy Trung ương Đảng, cơ quan cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) chịu trách nhiệm giám sát lực lượng vũ trang, đã bị cách chức. Người đầu tiên bị sa thải là Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc, người bị cách chức vào tháng 10 năm 2023 và bị khai trừ khỏi đảng vào tháng 6 năm 2024. Sau đó, vào tháng 11 năm ngoái, Miêu Hoa, Giám đốc Bộ Công tác Chính trị của Quân ủy Trung ương, cơ quan quản lý nhân sự và các công tác đảng, đã bị đình chỉ vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” trước khi chính thức bị loại khỏi Quân ủy Trung ương vào tháng trước. Và gần đây nhất, tờ Financial Times đưa tin rằng Hà Vệ Đông, Phó Chủ tịch Quân ủy, người đã không xuất hiện trước công chúng kể từ đầu tháng 3, đã bị thanh trừng.

Chưa bao giờ một nửa Quân ủy Trung ương bị cách chức trong một khoảng thời gian ngắn như vậy. Điều kỳ lạ hơn nữa là cả ba tướng lĩnh này trước đây đều được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăng chức; họ được bổ nhiệm vào Quân ủy Trung ương vào năm 2022, sau khi ông Tập củng cố quyền kiểm soát tại Đại hội Đảng lần thứ 20. Hà Vệ Đông thậm chí còn là thành viên của Bộ Chính trị, một trong những cơ quan ra quyết định hàng đầu của đảng, bao gồm 24 nhà lãnh đạo đảng cấp cao nhất. Cả Miêu và Hà đã được các nhà phân tích mô tả là một phần của “phe Phúc Kiến” trong PLA, vì các tướng lĩnh này đã đóng quân ở tỉnh đó cùng thời điểm với ông Tập và được cho là có mối quan hệ thân cận với ông.

Việc các cuộc thanh trừng cấp cao này đang diễn ra không nằm ngoài tầm mắt của các nhà quan sát bên ngoài. Năm 2027, PLA sẽ kỷ niệm 100 năm thành lập. Đây cũng là năm mà ông Tập kỳ vọng lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ đạt được những bước tiến đáng kể trong quá trình hiện đại hóa. Cuối cùng, năm này đáng chú ý vì, theo cựu Giám đốc CIA Bill Burns, ông Tập đã chỉ thị PLA phải “sẵn sàng vào năm 2027 để thực hiện một cuộc xâm lược thành công” Đài Loan. Chỉ thị của ông Tập không cho thấy Trung Quốc sẽ thực sự xâm lược Đài Loan vào năm đó, nhưng, như Burns đã nói, chúng đóng vai trò là “một lời nhắc nhở về sự nghiêm túc trong mục tiêu và tham vọng của ông”.

Với những mục tiêu đầy tham vọng như vậy được đặt ra cho PLA, câu hỏi đặt ra là làn sóng thanh trừng mới này có thể ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng của PLA như thế nào. Bản thân các cuộc thanh trừng có thể làm chậm một số chương trình hiện đại hóa vũ khí, phá vỡ cấu trúc chỉ huy và ra quyết định, và làm suy yếu tinh thần – tất cả những điều này sẽ làm giảm khả năng chiến đấu của PLA trong ngắn hạn đến trung hạn. Bắc Kinh hiện có thể buộc phải thận trọng hơn trước khi thực hiện các chiến dịch quân sự quy mô lớn, chẳng hạn như một cuộc tấn công đổ bộ vào Đài Loan, ngay cả khi PLA tiếp tục gây áp lực lên Đài Loan bằng các hoạt động trên không và tuần tra hải quân quanh đảo.

Tuy nhiên, điều hữu ích cần nhớ là Bắc Kinh hiếm khi chờ đợi điều kiện thích hợp trước khi ra lệnh cho PLA tham chiến. Ví dụ, vào năm 1950, lực lượng Trung Quốc đã can thiệp để hỗ trợ Bình Nhưỡng trong Chiến tranh Triều Tiên, mặc dù nền kinh tế và xã hội Trung Quốc đã bị tàn phá bởi nhiều năm nội chiến. Năm 1962, PLA tấn công Ấn Độ, mặc cho việc sĩ quan quân sự cấp cao nhất của Trung Quốc vừa mới bị thanh trừng vì dám chất vấn về Đại nhảy vọt thảm khốc của Mao Trạch Đông. Năm 1979, Bắc Kinh đã điều động một lực lượng PLA chưa được chuẩn bị kỹ càng đến Việt Nam, nơi quân đội Trung Quốc phải gánh chịu tổn thất nặng nề nhưng chỉ đạt được lợi ích chính trị hạn chế. Bây giờ, cũng như khi đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể theo đuổi chiến tranh ngay cả khi các điều kiện kinh tế và chính trị trong nước có vẻ không thuận lợi – và ngay cả khi PLA chưa sẵn sàng chiến đấu.

Những kẻ bị ruồng bỏ

Đối với các nhà quan sát bên ngoài, việc thu thập thông tin chi tiết và phân tích các cuộc thanh trừng đang diễn ra ở Trung Quốc là vô cùng khó khăn. Đảng Cộng sản Trung Quốc hiếm khi công bố chúng, và ngay cả khi được công khai, các cáo buộc dẫn đến việc sa thải thường được mô tả một cách mơ hồ chỉ là vi phạm kỷ luật. Các cáo buộc được công bố công khai cũng có thể không phản ánh lý do thực sự đằng sau việc một quan chức bị cách chức. Tuy nhiên, có một số lý do có khả năng khiến Lý, Miêu, Hà và các sĩ quan cấp cao khác bị thanh trừng.

Đầu tiên, một lý do phổ biến cho nhiều cuộc thanh trừng là tham nhũng. Tham nhũng từ lâu đã hoành hành trong PLA và rộng hơn là Đảng Cộng sản Trung Quốc. Kể từ khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012, Bắc Kinh đã tăng hơn gấp đôi ngân sách quốc phòng để tài trợ cho quá trình hiện đại hóa nhanh chóng của quân đội. Lượng tiền mới đổ vào này, đặc biệt liên quan đến mua sắm vũ khí và các dự án xây dựng, đã làm tăng cơ hội cho các sĩ quan và giám đốc điều hành ngành công nghiệp quốc phòng để thổi phồng ngân sách hoặc bòn rút tiền. Trước khi trở thành bộ trưởng quốc phòng, ông Lý đã phụ trách cục phát triển vũ khí của Quân ủy Trung ương, cơ quan giám sát quá trình mua sắm. Vài tháng trước khi ông Lý bị cách chức, cả tư lệnh và chính ủy Lực lượng Tên lửa PLA, và hai phó chính ủy, đều bị giam giữ. Sự mở rộng nhanh chóng của lực lượng tên lửa PLA dưới thời ông Lý, gồm 300 hầm phóng và tăng cường đáng kể kho tên lửa đạn đạo, có lẽ đã tạo ra nhiều cơ hội cho việc làm giàu bất chính.

Một số tướng lĩnh cũng có thể đã bị thanh trừng vì họ tham gia hối lộ liên quan đến thăng chức và mạng lưới bảo trợ. Đây là một vấn đề đã tồn tại từ lâu đối với PLA: thường thì các sĩ quan có mối quan hệ tốt nhất, chứ không phải những người có năng lực nhất, được thăng cấp cao hơn. Miêu, người đứng đầu Bộ Công tác Chính trị, giám sát nhân sự và bổ nhiệm. Nếu những quyết định thăng chức mà ông ta ký duyệt không hoàn toàn dựa trên năng lực, điều đó có thể đã góp phần vào sự sụp đổ của ông ta. Người tiền nhiệm của Miêu, Trương Dương, đã bị điều tra vào năm 2017 vì những lý do tương tự. Chưa đầy hai tháng sau, ông tự sát, và năm sau, ông bị khai trừ khỏi đảng sau khi chết.

Các thành viên Quân ủy Trung ương và các sĩ quan cấp cao khác cũng có thể đã bị cách chức nếu họ bị cho là đang lợi dụng việc bổ nhiệm nhân sự để tạo ra các trung tâm quyền lực hay những “đỉnh núi” riêng của mình trong nội bộ PLA. Các sĩ quan cấp cao ưu tiên việc tích lũy quyền lực cá nhân là một mối lo ngại đối với ông Tập, bởi vì họ tạo ra sự xung đột về lòng trung thành và căng thẳng bè phái trong lực lượng vũ trang, điều này có thể gây hại cho khả năng sẵn sàng tác chiến. Vì Miêu và Hà là những thành viên mới được bổ nhiệm vào Quân ủy Trung ương, họ có thể đã tìm cách củng cố vị trí của mình bằng cách gây bất lợi cho các thành viên kỳ cựu, chẳng hạn như Phó Chủ tịch xếp thứ nhất Trương Hữu Hiệp, một người bạn thời thơ ấu của ông Tập. Ông Tập đã giữ ông Trương, hiện 75 tuổi, trong Quân ủy Trung ương mặc dù tuổi nghỉ hưu thông thường là 68.

Cuối cùng, có thể là những sĩ quan cấp cao bị thanh trừng không hề phạm lỗi gì ngoài việc kém năng lực: Ông Tập có thể đơn thuần là không hài lòng với thành tích của họ và mất niềm tin vào khả năng lãnh đạo và đạt được các mục tiêu của ông đối với PLA. Như Joel Wuthnow và Phillip Saunders đã nhận xét trong cuốn sách mới của họ, Hành trình tìm kiếm bá quyền quân sự của Trung Quốc (China’s Quest for Military Supremacy), cấu trúc mối quan hệ giữa đảng và lực lượng vũ trang khiến ông Tập khó lòng tin tưởng các tướng lĩnh của mình. PLA được hưởng quyền tự chủ đáng kể với ít sự giám sát trực tiếp, vì vậy đảng phải dựa vào PLA để tự kỷ luật. Hơn nữa, bản chất chuyên biệt cao của các vấn đề quân sự hiện đại có nghĩa là đảng thiếu chuyên môn để đảm bảo rằng PLA đang đạt được các mục tiêu hiện đại hóa của đảng.

Thế lưỡng nan về an ninh

Dù lý do cho các cuộc thanh trừng gần đây là gì, chúng gần như chắc chắn sẽ làm suy giảm khả năng sẵn sàng chiến đấu của Trung Quốc và sự tự tin của giới lãnh đạo Trung Quốc vào năng lực của PLA. Để PLA giành chiến thắng trong các cuộc xung đột tiềm tàng ở vùng ngoại vi Trung Quốc, đặc biệt là một cuộc chiến tranh giành Đài Loan, họ tìm cách làm chủ các hoạt động tác chiến liên hợp, kết hợp các yếu tố từ các quân chủng và binh chủng khác nhau để đạt được các mục tiêu quân sự. Sự phức tạp của các hoạt động như vậy đòi hỏi sự thống nhất chỉ huy và lập kế hoạch tích hợp, khả năng tương tác của các nền tảng trong và giữa các quân chủng, sự phân quyền và linh hoạt, và các hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc và giám sát mạnh mẽ. Tái tổ chức PLA để thực hiện tốt hơn các hoạt động như vậy là một trong những lý do chính mà ông Tập đã phát động các cuộc cải cách tổ chức chưa từng có vào năm 2015. Giờ đây, mặc dù ông Tập có một số lý do để tránh thực hiện hành động quân sự lớn chống lại Đài Loan, ông cũng có thể lo ngại về việc PLA sẽ hoạt động tốt như thế nào ngay sau các cuộc thanh trừng.

Nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc phát hiện ra tham nhũng trong hệ thống mua sắm vũ khí, chẳng hạn, giới lãnh đạo đảng có thể nghi ngờ độ tin cậy và hiệu suất của các hệ thống vũ khí tiên tiến được phát triển và triển khai trong thập kỷ qua. Theo tình báo Mỹ, một số tên lửa đạn đạo mới của Trung Quốc được nạp nước chứ không phải nhiên liệu, và các cửa chống nổ được xây dựng cho các silo mới cần được sửa chữa hoặc thay thế. Các nỗ lực có thể đang được tiến hành để xem xét và cấp lại chứng nhận cho các hệ thống vũ khí mới và đã được lên kế hoạch để đảm bảo chúng sẽ hoạt động như mong đợi, điều này có thể làm chậm quá trình phát triển và triển khai chúng.

Các cuộc thanh trừng cũng làm gián đoạn hoạt động của toàn bộ hệ thống chỉ huy. Quân ủy Trung ương, một cơ quan gồm sáu thành viên do ông Tập làm chủ tịch để giám sát tất cả các khía cạnh của PLA, có 15 đơn vị cấp dưới. Tuy nhiên, với việc ba trong số sáu thành viên vắng mặt, các quyết định quan trọng liên quan đến hoạt động, lập kế hoạch và phát triển lực lượng có thể bị trì hoãn cho đến khi các thành viên thường trực mới được bổ nhiệm. Ví dụ, trước khi gia nhập Quân ủy Trung ương, Hà Vệ Đông đã đóng vai trò quan trọng trong việc lập kế hoạch hoạt động với tư cách là tư lệnh Chiến khu Đông bộ, lực lượng của ông sẽ đóng vai trò trung tâm trong bất kỳ hoạt động nào chống lại Đài Loan; giờ đây đỉnh cao của việc ra quyết định quân sự ở Trung Quốc thiếu một người có kinh nghiệm của ông.

Việc ra quyết định và chỉ huy cũng có thể bị ảnh hưởng theo những cách khác. Các sĩ quan ở mọi cấp độ có thể trở nên thận trọng hơn rất nhiều vì sợ đưa ra các quyết định có thể sau này khiến họ bị cuốn vào một cuộc thanh trừng. Sự sẵn lòng chủ động của các sĩ quan cấp thấp hơn cũng sẽ bị ảnh hưởng, củng cố hơn nữa xu hướng tập trung hóa việc ra quyết định của PLA, làm suy yếu các hoạt động tác chiến liên hợp hiệu quả. Các sĩ quan ở mọi cấp độ sẽ dành nhiều thời gian hơn để tham gia vào công tác chính trị và các buổi học liên quan đến ý thức hệ và kỷ luật đảng thay vì các nhiệm vụ quân sự chuyên môn. Tinh thần cũng có thể bị ảnh hưởng, khi các sĩ quan lo lắng ai có thể là người tiếp theo, thúc đẩy sự ngờ vực trong đội ngũ sĩ quan và làm suy yếu sự gắn kết.

Sẵn sàng hay chưa?

Nhưng việc tập trung vào biến động lãnh đạo trong PLA có thể ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng hoạt động của nó như thế nào không nên che khuất một thực tế cơ bản: ông Tập có thể thấy cần phải chiến đấu ngay cả khi PLA chưa hoàn toàn sẵn sàng. Kể từ khi thành lập Cộng hòa Nhân dân vào năm 1949, Trung Quốc thường tham chiến khi điều kiện có vẻ không thuận lợi.

Năm 1950, sau nhiều cuộc tranh luận giữa các nhà lãnh đạo cấp cao của đảng, Bắc Kinh quyết định can thiệp vào Chiến tranh Triều Tiên, biến cuộc xung đột thành một cuộc chiến chủ yếu giữa Trung Quốc và Mỹ. Vào thời điểm đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tập trung vào việc củng cố quyền kiểm soát trên toàn quốc và tái thiết nền kinh tế sau cuộc chiến với Quốc dân đảng. Nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của đảng và quân đội, mệt mỏi sau nhiều năm nội chiến khốc liệt, đã miễn cưỡng đối đầu với lực lượng mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, cuối cùng, lý do chiến lược là giữ Mỹ cách xa biên giới Trung Quốc (và lý tưởng là khỏi toàn bộ Bán đảo Triều Tiên) đã lấn át những lo ngại này. Nhưng đến thời điểm đình chiến vào năm 1953, lực lượng vũ trang Trung Quốc đã chịu hơn 500.000 thương vong, trong khi cuộc chiến kết thúc gần như nơi nó bắt đầu, dọc theo vĩ tuyến 38, và Mỹ bắt đầu xây dựng một mạng lưới liên minh dọc theo vùng ngoại vi phía đông của Trung Quốc.

Đầu thập kỷ sau, Trung Quốc tấn công lực lượng Ấn Độ trên biên giới tranh chấp của hai nước. Vào thời điểm đó, Mao đang ở thế yếu về chính trị sau kế hoạch Đại nhảy vọt thảm khốc của ông, một chiến dịch công nghiệp hóa mà trong đó có tới 45 triệu người đã chết đói. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo đảng và quân đội Trung Quốc đã kết luận rằng chiến tranh là cần thiết để làm giảm áp lực của Ấn Độ đối với Tây Tạng và khôi phục ổn định cho biên giới Trung-Ấn. Hơn nữa, cuộc tấn công xảy ra chỉ vài năm sau khi Bành Đức Hoài, sĩ quan quân sự cấp cao nhất của Trung Quốc trong suốt những năm 1950, bị thanh trừng vì nghi ngờ về sự sáng suốt của Đại nhảy vọt. Việc Bành bị cách chức cũng dẫn đến việc loại bỏ các sĩ quan quân sự cấp cao khác được coi là có quan hệ mật thiết với ông, làm rung chuyển Bộ Chỉ huy tối cao PLA. Trong trường hợp này, Trung Quốc đã có ưu thế áp đảo trên chiến trường, tiêu diệt lực lượng Ấn Độ và đạt được các mục tiêu chính trị của mình, khi Ấn Độ không thách thức Trung Quốc trên biên giới về mặt quân sự trong hai thập kỷ tiếp theo.

Năm 1979, Bắc Kinh xâm lược Việt Nam, bề ngoài là để dạy cho Hà Nội một bài học vì đã liên minh với Liên Xô, kẻ thù của Trung Quốc lúc bấy giờ, và vì đã đưa quân vào Campuchia, nước được Bắc Kinh hậu thuẫn. Vào thời điểm đó, Trung Quốc chỉ mới bắt đầu phục hồi sau sự hỗn loạn kinh tế và chính trị của Cách mạng Văn hóa. Phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình vẫn đang trong cuộc đấu tranh quyền lực với người kế nhiệm được Mao lựa chọn, Hoa Quốc Phong. Và PLA bị chia rẽ giữa những người theo Mao và những người cải cách. Đặng nhận thức rõ những thiếu sót của PLA, đã mô tả lực lượng này là “cồng kềnh, lỏng lẻo, kiêu ngạo, xa hoa và lười biếng” – khó có thể ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Đặng thậm chí đã trì hoãn cuộc xâm lược một tháng sau khi cố vấn quân sự trưởng của ông báo cáo rằng quân đội chưa sẵn sàng. Tuy nhiên, nhu cầu thể hiện quyết tâm chống lại sự bao vây của Liên Xô đã lấn át tình trạng sẵn sàng. Lực lượng PLA đã phải trả giá đắt, với hơn 31.000 thương vong chỉ trong một tháng giao tranh, và Việt Nam không rút quân khỏi Campuchia cho đến cuối những năm 1980.

Những hành động quân sự này ở Triều Tiên, Ấn Độ và Việt Nam đại diện cho những lần sử dụng vũ lực lớn nhất mà PLA đã thực hiện kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc. Trong cả ba trường hợp, các tính toán chính trị đã vượt lên trên khả năng sẵn sàng quân sự và các điều kiện thuận lợi trong nước. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi các hoạt động này là các cuộc xung đột tất yếu, không phải là lựa chọn hay cơ hội. Nếu các cuộc thanh trừng gần đây làm tổn hại đến khả năng sẵn sàng của PLA và phản ánh sự tự tin của ông Tập vào PLA, thì việc sử dụng vũ lực mang tính cơ hội có thể ít xảy ra hơn trong ngắn hạn đến trung hạn. Nhưng nếu ông Tập coi hành động quân sự chống lại Đài Loan là cần thiết, ông vẫn sẽ ra lệnh cho PLA tham chiến.

Theo Nghiên cứu Quốc tế

TAYLOR FRAVEL là Giáo sư Khoa học Chính trị và Giám đốc Chương trình Nghiên cứu An ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts.