Tại sao Trung Quốc không sợ Trump?

Căng thẳng Mỹ-Trung có thể gia tăng, nhưng chủ nghĩa biệt lập của Trump sẽ có lợi cho Bắc Kinh.

Nguồn: Diêm Học Thông, “Why China Isn’t Scared of Trump,” Foreign Affairs, 20/12/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Suốt nhiều năm, Donald Trump đã chỉ trích Trung Quốc, mô tả nước này là nguyên nhân gốc rễ của mọi tệ nạn ở Mỹ. Ông than thở về thâm hụt thương mại khổng lồ giữa Washington với Bắc Kinh, và đổ lỗi rằng Trung Quốc đã làm mục ruỗng trung tâm công nghiệp của Mỹ. Ông khẳng định đại dịch COVID-19 là do lỗi của Trung Quốc. Gần đây hơn, ông tiếp tục gán cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau opoid của Mỹ cho Bắc Kinh, cáo buộc Trung Quốc “tấn công” Mỹ bằng fentanyl. Trung Quốc xuất hiện trong các cuộc mít tinh và họp báo của Trump như một kẻ thù khổng lồ, một kẻ thù mà chỉ riêng ông mới có thể khuất phục. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông đã đảo lộn chính sách của Mỹ trong nhiều thập kỷ bằng cách khởi xướng một cuộc thương chiến với Trung Quốc. Khi chuẩn bị bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, những lập luận và các cuộc bổ nhiệm nội các của Trump cho thấy rằng ông sẽ củng cố cách tiếp cận cứng rắn đó. Quan hệ vốn đã trắc trở giữa hai nước sẽ càng trở nên trắc trở hơn.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc lại không nhìn Trump với sự sợ hãi. Họ đã học được rất nhiều từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Khuynh hướng bảo hộ kinh tế của ông sẽ dẫn đến nhiều tranh chấp hơn và làm gia tăng căng thẳng, nhưng Bắc Kinh tin rằng họ có thể điều hướng những cuộc đối đầu như vậy. Hơn nữa, cam kết đáng ngờ của Trump đối với các đồng minh của Mỹ sẽ khuyến khích các quốc gia khác phòng bị nước đôi, xây dựng quan hệ với Bắc Kinh để bù đắp cho sự khó lường của Washington. Khả năng xảy ra xung đột quân sự với Mỹ cũng ở mức thấp. Vì chính sách đối ngoại của Trump chưa bao giờ thể hiện bất kỳ cam kết ý thức hệ sâu sắc nào, nên có lẽ không có khả năng cạnh tranh giữa hai nước sẽ mang tính hủy diệt hơn thời Chiến tranh Lạnh. Trump không muốn bị vướng vào chiến tranh và muốn tập trung nhiều hơn vào các cải cách trong nước. Ông sẽ sớm trở lại Nhà Trắng với ý định kiềm chế Trung Quốc, nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc không sợ sự trở lại đó.

KHÔNG BỊ TRUMP LÀM NẢN LÒNG

Bắc Kinh không tin rằng kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 có nhiều ảnh hưởng đến quỹ đạo chung của chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Bất kể ai bước vào Nhà Trắng, tổng thống tiếp theo của Mỹ cũng được hậu thuẫn bởi sự đồng thuận lưỡng đảng xem Trung Quốc là mối đe dọa đối với sự thống trị toàn cầu của Mỹ và sẽ tiếp tục cố gắng kiềm chế Trung Quốc. Tất nhiên, không phải mọi thứ sẽ giữ nguyên như vậy từ chính quyền này sang chính quyền khác. Chính sách Trung Quốc của Trump trong nhiệm kỳ thứ hai không chỉ khác với chính sách của Tổng thống Joe Biden, mà còn khác với chính sách của nhiệm kỳ đầu tiên của chính ông. Ví dụ, Trump đã lấp đầy các vị trí chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia quan trọng bằng những nhân vật cực đoan cánh hữu, một số người trong số họ chưa đến 50 tuổi, đánh dấu sự thay đổi so với kiểu quan chức cấp cao mà ông đã lựa chọn sau cuộc bầu cử năm 2016. Khác với bộ máy trước đây – bộ máy với nhiều nhân vật là quan chức quân đội thấm nhuần kinh nghiệm của giai đoạn cuối Chiến tranh Lạnh, khi Trung Quốc và Mỹ là đối tác chiến lược với nhau – những lựa chọn mới của Trump đã trưởng thành trong thời kỳ Trung Quốc trỗi dậy nhanh chóng trên trường quốc tế. Họ xem Trung Quốc là mối đe dọa chính của Mỹ, và họ ủng hộ các chính sách cực đoan và mang tính cưỡng bức hơn để ngăn chặn sự tiến bộ của Trung Quốc.

Tuy nhiên, một cách tiếp cận cứng rắn như vậy có thể không hiệu quả trong bối cảnh địa chính trị đã thay đổi đáng kể kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của Trump. Khi Trump bước vào Nhà Trắng vào năm 2017, hầu hết các quốc gia đều nghĩ rằng ông sẽ hành xử giống như một nhà lãnh đạo thông thường, một người sẽ ra quyết định trung lập về mặt ý thức hệ và hợp lý về mặt kinh tế. Các đồng minh lớn của Mỹ hy vọng rằng Trump sẽ cam kết bảo vệ an ninh của họ. Bắc Kinh thậm chí còn mời Trump đến thăm Trung Quốc ngay năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông. Bất chấp sự phản đối của Mỹ đối với việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, Điện Kremlin đã mời Trump đến Moscow vào năm 2017 để tham dự lễ kỷ niệm chiến thắng Thế chiến II thường niên của Nga.

Giờ đây, các nhà lãnh đạo muốn bảo vệ đất nước của họ khỏi sự bất ổn của nhiệm kỳ thứ hai của Trump. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mời Trump đến Paris vào đầu tháng 12, hy vọng nhấn mạnh với vị Tổng thống đắc cử của Mỹ rằng người châu Âu sẽ là những người ra quyết định chính khi nói đến an ninh của họ. Đức và Nhật Bản lo ngại rằng Trump sẽ yêu cầu nhiều khoản thanh toán tài chính hơn để đảm bảo sự hiện diện của quân đội Mỹ tại các quốc gia của họ. Chính phủ lâm thời của Hàn Quốc thì sợ rằng Trump sẽ lợi dụng việc họ thiếu thẩm quyền để đòi hỏi các lợi ích kinh tế. Trump sẽ phải chật vật với thực tế là Nga và Mỹ hiện đang ở hai phe đối lập trong cuộc chiến ở Ukraine. Sự ủng hộ chính trị và viện trợ quân sự không gì lay chuyển của Washington cho chiến dịch tàn bạo của Israel ở Gaza – mà nhiều người trên thế giới xem là một hành động diệt chủng – đã phơi bày thói đạo đức giả trong các tuyên bố của Mỹ về việc bảo vệ luật pháp quốc tế và nhân quyền.

Kể từ khi Trump nhậm chức cách đây tám năm, Bắc Kinh đã trở nên thành thạo hơn trong việc quản lý sự cạnh tranh với Washington. Có thể nói rằng, cạnh tranh đã thực sự bắt đầu từ năm 2010 khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố “xoay trục sang châu Á.” Trong những năm tiếp theo, Bắc Kinh đã điều hướng những chiến lược khác nhau của chính quyền Obama, Trump, và Biden. Obama và Biden đã cố gắng kiềm chế Trung Quốc thông qua các cách tiếp cận đa phương, trong khi Trump đi theo con đường đơn phương hơn. Với kinh nghiệm đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc không hề nao núng trước viễn cảnh Trump có thêm một nhiệm kỳ nữa, và thậm chí còn công khai công bố các hướng dẫn chiến lược về cách xử lý các chính sách tiềm tàng của tổng thống đắc cử đối với Trung Quốc vào tháng 11. Theo tài liệu do tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Los Angeles công bố vào ngày 17/11, Bắc Kinh sẽ tuân thủ “cam kết tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại hòa bình, và hợp tác cùng có lợi như những nguyên tắc để xử lý quan hệ Trung Quốc-Mỹ.” “Tôn trọng lẫn nhau” ẩn ý rằng Trung Quốc sẽ trả đũa bất kỳ hành động khiêu khích nào của Trump; “cùng tồn tại hòa bình” có nghĩa là Trung Quốc sẽ tìm cách kéo Trump vào cuộc đối thoại về việc quản lý những khác biệt và xung đột để ổn định quan hệ song phương; và “hợp tác cùng có lợi” đề cập đến việc làm việc cùng nhau trong những vấn đề toàn cầu mà Trung Quốc và Mỹ có chung lợi ích, chẳng hạn như chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, phát triển các quy định và hướng dẫn cho trí tuệ nhân tạo, và hạn chế dòng chảy các loại thuốc bất hợp pháp.

CHÔNG GAI PHÍA TRƯỚC

Trump dường như có ý định áp dụng chủ nghĩa bảo hộ kinh tế trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, đặc biệt là khi nói đến Trung Quốc. Ông tuyên bố rằng mình có thể áp thêm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, áp đặt nhiều hạn chế hơn đối với đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc, cũng như vốn của Trung Quốc trên thị trường chứng khoán Mỹ, đặt ra nhiều hạn chế hơn đối với hợp tác công nghệ, và giảm số lượng sinh viên Trung Quốc du học tại Mỹ. Những quyết định này chắc chắn sẽ gây ra nhiều rạn nứt hơn giữa Bắc Kinh và Washington. Chính quyền Biden đã gia hạn mức thuế mà Trump áp dụng đối với các sản phẩm của Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, nhưng chủ yếu chỉ tập trung vào việc loại Trung Quốc khỏi các chuỗi cung ứng công nghệ, mà không tìm cách phân tách hoàn toàn nền kinh tế Mỹ khỏi Trung Quốc. Trong nhiệm kỳ của Biden, thương mại trong các lĩnh vực khác giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn được duy trì ngay cả khi hợp tác về công nghệ tiên tiến đã dừng lại. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, Trump có thể sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc phân tách sâu rộng, và cố gắng giảm mạnh thị phần của các sản phẩm Trung Quốc tại Mỹ, bao gồm cả hàng hóa được lắp ráp bên ngoài Trung Quốc nhưng phụ thuộc nhiều vào đầu tư và linh kiện của Trung Quốc. Bắc Kinh có thể sẽ trả đũa. Và động thái ăn miếng trả miếng này có thể đẩy cuộc thương chiến đang âm ỉ giữa hai cường quốc lên một đỉnh điểm mới, gây hậu quả tai hại cho nền kinh tế toàn cầu khi nhiều quốc gia khác cũng vội vã áp dụng chính sách bảo hộ của riêng họ.

Trong lúc Trump chuẩn bị leo thang chiến tranh thương mại, chính quyền của ông có thể sẽ tăng cường áp lực quân sự lên Bắc Kinh. Khi phải đối đầu với các đối thủ, Trump thường chuyển sang các chiến thuật bắt nạt và hù dọa, chẳng hạn như đe dọa tấn công Triều Tiên bằng “lửa và thịnh nộ” sau khi Bình Nhưỡng thử tên lửa tầm trung vào năm 2017. Marco Rubio, ứng viên của Trump cho chức ngoại trưởng, và Pete Hegseth, ứng viên cho chức bộ trưởng quốc phòng, đều được xem là những nhân vật diều hâu với Trung Quốc với niềm tin chống cộng mạnh mẽ. Nếu Thượng viện chấp thuận đề cử của họ, họ có thể khuyến khích xu hướng hù dọa của Trump trong lúc Mỹ tìm cách giải quyết căng thẳng quân sự với Bắc Kinh, đặc biệt là khi nói đến các vấn đề hàng hải ở Biển Đông và các cuộc xung đột xoay quanh Đài Loan. Bằng các luận điệu hiếu chiến và hành động bốc đồng, Washington có thể gây ra các cuộc khủng hoảng tương tự như cuộc khủng hoảng xảy ra sau chuyến thăm Đài Loan năm 2022 của Nancy Pelosi, khi đó là Chủ tịch Hạ viện Mỹ, khi Trung Quốc đáp trả hành động khiêu khích của Mỹ bằng cách tăng cường hoạt động quân sự ở trong và xung quanh Eo biển Đài Loan. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Trump hoặc các quan chức của ông gây ra những sự cố tương tự và làm gia tăng căng thẳng Mỹ-Trung.

Nhiệm kỳ thứ hai của Trump gần như chắc chắn sẽ làm giảm nhiệt các cuộc đối thoại chính thức giữa Bắc Kinh và Washington. Dưới thời chính quyền Obama, đã có hơn 90 kênh đối thoại chính thức giữa hai chính phủ. Đến cuối nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, không còn kênh nào trong số đó hoạt động. Trump có thể sẽ đình chỉ gần 20 kênh liên lạc với Trung Quốc mà chính quyền Biden đã thiết lập, hoặc ông có thể thay thế chúng bằng các kênh mới dưới sự giám sát trực tiếp của mình thay vì thông qua các quan chức cấp cao. Nhưng Trung Quốc sẽ hết sức thận trọng khi tiếp cận Trump, vì các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn nhớ rõ cách mà chuyến thăm Bắc Kinh của Trump vào tháng 11/2017 đã dẫn đến sự xấu đi nhanh chóng trong quan hệ song phương vào tháng tiếp theo, khi Washington phủ nhận vị thế của Trung Quốc là một quốc gia đang phát triển trong Tổ chức Thương mại Thế giới.

Ngoài sự đấu đá giữa các chính phủ, sự thù địch giữa Trung Quốc và Mỹ có thể gia tăng ở cấp độ xã hội. Chủ nghĩa dân túy đang dần mạnh lên ở cả hai quốc gia, thổi bùng ngọn lửa của chủ nghĩa diều hâu cực đoan. Nếu Trump hiện thực hóa lời đe dọa nhắm vào Trung Quốc bằng các biện pháp kinh tế và có thêm những lời đe dọa khác, căng thẳng chính trị giữa hai bên chắc chắn sẽ khuyến khích thái độ thù địch giữa người dân của họ. Cả những người theo chủ nghĩa dân túy Mỹ và những người theo chủ nghĩa dân túy Trung Quốc (các nhóm chủ yếu bao gồm những cư dân mạng cấp tiến, theo dõi những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan) đều quy nguyên nhân gây ra các vấn đề trong nước của họ là do sự độc ác của nước ngoài, một lập luận sẽ được nhà cầm quyền khuyến khích vì nó thuận tiện đổ lỗi cho một tác nhân bên ngoài. Sẽ khó để cải thiện quan hệ song phương khi áp lực văn hóa và xã hội khiến hai nước rơi vào bất hòa.

KHOẢNG CÁCH QUYỀN LỰC

Nhiệm kỳ thứ hai của Trump có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ khi ông cố gắng sử dụng áp lực kinh tế và quân sự để kiềm chế Bắc Kinh. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiệm kỳ tổng thống của Trump cũng có thể mang lại lợi ích cho Trung Quốc theo nhiều cách. Thứ nhất, sự thờ ơ tương đối của Trump đối với các vấn đề ý thức hệ có thể làm dịu đi một số khía cạnh của cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh. Chẳng hạn, với đôi mắt tập trung vào lợi nhuận, Trump chưa bao giờ thực sự quan tâm đến việc ủng hộ nhân quyền. Ông không quan tâm đến việc định hình hệ thống chính trị của Trung Quốc sao cho phù hợp với các đối tác phương Tây, và do đó, gần như không có khả năng ông can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Bắc Kinh không có kế hoạch truyền bá ý thức hệ của mình ra quốc tế. Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ tập trung vào việc duy trì sự ổn định chính trị trong nước. Xung đột kinh tế và chiến lược có thể gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump, nhưng chúng sẽ không leo thang thành xung đột ý thức hệ khiến hai bên đối đầu trực tiếp.

Chủ nghĩa biệt lập chính trị của Trump – phiên bản ngoại giao của chủ nghĩa bảo hộ kinh tế của ông – có thể khiến Mỹ giảm đầu tư vào việc bảo vệ các đồng minh truyền thống. Tổng thống đắc cử từ lâu đã chỉ trích các đồng minh của Mỹ vì lợi dụng sức mạnh và sự hào phóng của nước này. Những lời phàn nàn này có thể thúc đẩy các đồng minh của Mỹ, ở châu Âu lẫn Đông Á, nhận ra lợi ích của việc phòng bị nước đôi giữa Trung Quốc và Mỹ. Ví dụ, hãy xem xét trường hợp của Singapore. Vào năm 2010, khi cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc dần tăng cao, Singapore đã áp dụng chiến lược phòng bị nước đôi giữa hai cường quốc. Nước này đã dựa vào quan hệ kinh tế với Trung Quốc, trong khi dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh. Nhiều quốc gia khác đã làm theo, bao gồm Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, và các quốc gia thành viên ASEAN khác.

Kể từ năm 2022, cuộc chiến ở Ukraine đã làm rung chuyển nhiều nước phương Tây và buộc họ phải liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ. Nhưng nếu Trump cắt giảm viện trợ quân sự cho Ukraine, như ông đã hứa trong chiến dịch tranh cử, thì niềm tin vào các lời hứa về an ninh của Mỹ có thể suy yếu. Để củng cố nền kinh tế của mình, từ đó giúp họ hỗ trợ tốt hơn cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine, các nước châu Âu có thể trở thành những nước phòng bị rõ ràng hơn, tạo cho Trung Quốc những cơ hội mới để xây dựng quan hệ hợp tác kinh tế với các đồng minh truyền thống của Mỹ. Trump cũng tự xem mình là người gìn giữ hòa bình và muốn trở thành người đã chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Trung Quốc có thể đóng vai trò xây dựng trong việc giúp Trump đạt được mục tiêu đó. Cuộc chiến Ukraine chỉ gây ra hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế Trung Quốc và Bắc Kinh sẽ rất vui khi thấy nó kết thúc. Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với Nga. Họ có thể tận dụng ảnh hưởng đó để hợp tác với Trump và tìm ra một thỏa thuận hòa bình hiệu quả.

Trump cũng sẽ tìm cách tránh gây xung đột công khai với Trung Quốc, bất kể lời lẽ gay gắt của ông. Vấn đề độc lập của Đài Loan đã, đang, và sẽ là nguồn gây căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington, nhưng Trung Quốc và Mỹ khó có thể đi đến chiến tranh vì vấn đề này. Trong bốn năm tới, sự chú ý của Bắc Kinh sẽ tập trung đáng kể vào nhiệm vụ phục hồi nền kinh tế đang chậm lại của đất nước. Trung Quốc sẽ không lập ra một thời gian biểu thống nhất với Đài Loan vì họ chủ yếu quan tâm đến tăng trưởng GDP của chính mình. Về phần mình, Trump muốn đi vào lịch sử như một trong những tổng thống Mỹ vĩ đại nhất, ngang hàng với những nhân vật như George Washington và Abraham Lincoln. Vì mục đích đó, ông sẽ tập trung vào các cải cách trong nước và xây dựng một nền kinh tế trong nước vững mạnh. Ông sẽ không muốn bị vướng vào vấn đề Đài Loan và chấp nhận rủi ro bước vào một cuộc chiến giữa các cường quốc – suy cho cùng, ông rất tự hào vì đã không phát động một cuộc chiến nào trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.

Những ai dự đoán sẽ xảy ra chiến tranh lạnh giữa Trung Quốc và nước Mỹ của Trump đã sai lầm. Cuộc cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc không phải là về ý thức hệ – như cuộc cạnh tranh với Liên Xô – mà là về công nghệ. Trong thời đại kỹ thuật số, an ninh và thịnh vượng phụ thuộc rất nhiều vào tiến bộ công nghệ. Trung Quốc và Mỹ sẽ chiến đấu vì sự đổi mới trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, và giành giật thị trường và chuỗi cung ứng công nghệ cao. Họ sẽ không – và chắc chắn không phải dưới thời Trump – tìm cách chuyển đổi nước còn lại sang ý thức hệ quản lý ưa thích của họ. Liên Xô và Mỹ đã sử dụng các cuộc chiến ủy nhiệm để truyền bá chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản. Và cho đến nay, phương Nam toàn cầu vẫn cảm nhận được sự tàn phá và biến động mà các cuộc chiến này gây ra trên khắp thế giới. Tuy nhiên, ngày nay, các cuộc xung đột ủy nhiệm giữa các cường quốc không có mục đích như vậy. Bắc Kinh không quan tâm đến việc thay đổi ý thức hệ của một quốc gia khác. Tương tự, Trump không quan tâm đến việc truyền bá các giá trị của Mỹ, bất kể ông nghĩ chúng là gì. Ông xem cuộc chiến ở Ukraine là một cuộc chiến ủy nhiệm chống lại Nga và cho rằng nỗ lực này là đáng phản đối. Không có lý do gì để ông khơi mào một cuộc chiến ủy nhiệm chống lại Trung Quốc ở Eo biển Đài Loan hoặc ở Biển Đông. Suy cho cùng, Trung Quốc có nhiều nguồn lực kinh tế và quân sự hơn Nga.

Trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc, chính sách đối ngoại thường đóng vai trò thứ yếu so với chính sách đối nội. Dù chủ nghĩa biệt lập của Trump chắc chắn tạo ra cơ hội cho Bắc Kinh cải thiện quan hệ với các đồng minh của Mỹ, nhưng các cải cách trong nước mới là yếu tố thực sự quyết định tiến trình cạnh tranh giữa hai cường quốc. Hiện tại, cả các nhà lãnh đạo Trung Quốc lẫn đội ngũ của Trump đều đang bận tâm đến các vấn đề trong nước hơn là các vấn đề đối ngoại. Nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc thực hiện cải cách tốt hơn đội ngũ của Trump trong bốn năm tới, Trung Quốc sẽ thu hẹp khoảng cách quyền lực với Mỹ. Nhưng nếu Trump thực hiện tốt hơn Trung Quốc về khía cạnh này – đồng thời tránh các xung đột và sự ràng buộc gây tổn hại ở nước ngoài – thì khoảng cách quyền lực giữa hai nước sẽ ngày càng lớn hơn.

Theo Nghiên cứu Quốc tế

Diêm Học Thông là Giáo sư danh dự và Chủ tịch danh dự của Viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Thanh Hoa.