Thận trọng với trách nhiệm

Những kết quả không tốt trước bóng đá Indonesia vừa qua buộc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phải nói lời chia tay HLV Philippe Troussier theo cách ít tốn kém nhất về mặt tài chính.

 

Nói cách khác, việc kết thúc hợp đồng với HLV Troussier chỉ là điều ít tệ nhất, một giải pháp bắt buộc để những người quản lý bóng đá Việt Nam kiểm soát tình hình.

Trước mắt, tham vọng đoạt vé dự World Cup 2026 của bóng đá Việt Nam xem như đã không còn, đội tuyển còn mất luôn suất trực tiếp dự Asian Cup 2027. Nghĩa là trong ít nhất 2 năm nữa, chúng ta không có cơ hội được thi đấu với những đội bóng hàng đầu châu Á ở những đấu trường chính thức. Như vậy, bóng đá Việt Nam bị kéo lùi lại đến hơn 5 năm, tự vứt bỏ những cơ hội để qua đó nâng tầm đẳng cấp. Những tác động xấu sẽ còn lan đến nguồn thu tài trợ, các giải đấu nội địa mà cụ thể là V-League. Nhưng trên hết và quan trọng nhất, đó là nỗi buồn, sự thất vọng của người hâm mộ. Những hậu quả không thể đong đếm được.

Kinh nghiệm của nhiều cuộc khủng hoảng trong quá khứ cho thấy càng vội vàng, càng dễ mắc sai lầm. Không nói đâu xa, ngay sau khi HLV Park Hang-seo chia tay vì một loạt kết quả không như ý của cuối nhiệm kỳ, thay vì phân tích cho kỹ thực trạng nền bóng đá, nguyên nhân vì sao một người đã 5 năm gắn bó, cực kỳ am hiểu bóng đá Việt Nam phải chủ động ra đi, thì chúng ta vẫn cứ lạc quan quá mức vào triển vọng dự World Cup 2026. Từ đó, mới tìm đến HLV Troussier, người có bản lý lịch tương ứng với sự lạc quan của chúng ta, để rồi càng đi càng hụt chân và té ngã đau đớn.

Vậy chúng ta rút ra được gì từ bài học đắt giá này? Không thể không đề cập đến trách nhiệm của VFF, những người hơn ai hết phải hiểu rõ nội lực của bóng đá nước nhà và ai mới thực sự là người phù hợp để làm HLV trưởng. Những cảnh báo về khả năng thất bại của HLV Troussier đã được nhắc đến từ sớm, kết quả thi đấu cũng như sự thể hiện trên sân cỏ đều ở khoảng cách khá xa so với mục tiêu, nhưng gần như VFF không có một động thái đủ quyết liệt để tránh cho tình hình đến mức tồi tệ như hiện nay.

Nếu VFF không nhìn nhận được tồn tại này, không dũng cảm kiểm điểm các sai sót trong quy trình lập kế hoạch, chuẩn bị nhân sự, định hướng tầm nhìn và xác định mục tiêu, tiêu chí chọn lựa HLV cũng như hệ thống giám sát công việc, thì không có gì đảm bảo những sai lầm không xuất hiện trong tương lai, với một HLV khác.

Bóng đá Việt Nam có một tài sản vô giá, đó là tình yêu của người hâm mộ luôn trường tồn. Khi bóng đá trở thành “món ăn tinh thần”, là nơi khởi nguồn cảm hứng với thể thao của hàng triệu CĐV, thì những nhà quản lý bóng đá phải thực sự thận trọng và tinh tường. Họ cần phải có đủ trình độ và năng lực để chịu trách nhiệm với các quyết định của mình khi chọn HLV cho các đội tuyển, để không làm đau những trái tim nhiệt huyết và luôn đồng hành với bóng đá Việt Nam.

Càng thận trọng với trách nhiệm của mình thì mới tránh cho bóng đá Việt rơi vào cuộc khủng hoảng mới, đừng để người hâm mộ bóng đá Việt phải hụt hẫng, vì khi đánh mất niềm tin kéo dài sẽ khó mà vực dậy nổi.

ĐĂNG LINH/Theo SGGP