Viễn cảnh khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran còn mờ mịt

Chỉ vài ngày trước khi diễn ra lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi, Bộ Ngoại giao Iran đã công bố bức thư của Ngoại trưởng nước này Mohammad Javad Zarif gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres liên quan tới việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân năm 2015, hay còn có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Ngày 30-7, tờ Tehran Times cho biết, trong bức thư đề ngày 20-7, Ngoại trưởng Zarif nêu rõ Iran đã thể hiện thiện chí bằng việc tham gia các cuộc đàm phán để đạt một giải pháp ngoại giao cho vấn đề hạt nhân của nước này. Kết quả là vào năm 2015, sau 13 năm đàm phán, Iran và 5 nước Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ cùng với Đức (còn gọi là nhóm P5+1: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) đã ký kết JCPOA. Nghị quyết 2231 của HĐBA LHQ nêu rõ việc ký kết JCPOA đánh dấu sự thay đổi cơ bản trong việc xem xét vấn đề hạt nhân Iran. Nghị quyết 2231 cũng nhấn mạnh JCPOA sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại bình thường với Iran. Các bên tham gia ký kết khẳng định việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran là “một phần thiết yếu” của JCPOA.

Tuy nhiên, theo Ngoại trưởng Zarif, Mỹ và các đồng minh châu Âu chưa bao giờ tuân thủ các cam kết trong JCPOA cũng như nhiều điều khoản của Nghị quyết 2231 một cách thiện chí. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Iran cáo buộc chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho đến nay vẫn tiếp tục thực hiện chính sách “khủng bố kinh tế” của chính quyền Donald Trump nhằm vào Iran với cùng mục tiêu. “Các nước phương Tây tham gia JCPOA tiếp tục sử dụng sức ép kinh tế để đạt được những mục tiêu chính trị bất hợp pháp mà họ đã không đạt được trong quá trình đàm phán JCPOA kéo dài. Mỹ cùng với Anh, Pháp và Đức công khai vi phạm và liên tục thể hiện rõ ý đồ không tốt để ép buộc Iran đàm phán lại các điều khoản thông qua việc gây sức ép về kinh tế”, Ngoại trưởng Zarif nhấn mạnh.

Viễn cảnh khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran còn mờ mịt
Các đại biểu tham dự vòng đàm phán nhằm khôi phục JCPOA tại Vienna ngày 20-6. Ảnh: Tân Hoa xã

Trên thực tế, kể từ khi Mỹ rút khỏi JCPOA và tái áp đặt trừng phạt Iran vào năm 2018, Tehran đã dần thu hẹp các cam kết của mình trong thỏa thuận hạt nhân. Sau khi nhậm chức hồi đầu năm nay, Tổng thống Biden cam kết đưa Mỹ quay trở lại JCPOA và Washington cho rằng Tehran cũng mong muốn như vậy. Iran và các cường quốc còn lại tham gia JCPOA đã nối lại đàm phán vào tháng 4-2021 tại Vienna (Áo) nhằm khôi phục thỏa thuận này trong khi Mỹ tham gia gián tiếp các cuộc đàm phán. Theo một số nguồn tin, các bên hiện còn bất đồng về những vấn đề trọng tâm như các bước Tehran cần thực hiện để trở lại tuân thủ thỏa thuận cũng như các bước nới lỏng trừng phạt mà Washington có thể thực hiện và các hành động cụ thể phải thực hiện nếu đạt được thỏa thuận.

Cho đến nay, các bên đã trải qua 6 vòng đàm phán, gần đây nhất là vào ngày 20-6 vừa qua. Thứ trưởng Ngoại giao Abbas Araqchi, đồng thời cũng là trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran, cho biết vòng đàm phán tiếp theo tại Vienna cần phải đợi đến sau khi Tổng thống đắc cử Raisi dự kiến nhậm chức vào ngày 5-8 tới đây. Tuy nhiên, quyền quyết định cuối cùng tại Iran lại thuộc về lãnh tụ tinh thần tối cao, Đại giáo chủ Ali Khamenei. Theo Reuters, ngày 28-7, Đại giáo chủ Khamenei tuyên bố Iran sẽ không chấp nhận những yêu cầu “cứng nhắc” của Washington trong các cuộc đàm phán nhằm khôi phục JCPOA. Nhà lãnh đạo Iran cũng cho rằng Mỹ không có gì để bảo đảm sẽ không rút khỏi thỏa thuận một lần nữa. Trong khi đó, ngày 29-7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định tiến trình đàm phán với Iran về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 không thể diễn ra vô thời hạn mặc dù Washington theo đuổi con đường ngoại giao. Theo ông Blinken, tiến trình sẽ phụ thuộc vào phía Iran. Washington sẽ theo dõi động thái của Tehran và sẵn sàng trở lại Vienna để tiếp tục các cuộc đàm phán.

HOÀNG VŨ

Theo QĐND