"Lá bài" hút phiếu bầu của ông Biden hết tác dụng: Biểu tình lan khắp Mỹ, các nước vùng Vịnh quay lưng

Chuyến thăm mới của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tới Trung Đông mang lại ít kết quả hơn kỳ vọng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã tiến hành chuyến công du mới tới Trung Đông từ 29/4 - 1/5/2024, gồm Ả Rập Saudi, Jordan và Israel. Đây là chuyến công du thứ bảy của ông Blinken đến khu vực kể từ khi bùng nổ cuộc xung đột Israel - Hamas ngày 7/10/2023. Chuyến đi với kỳ vọng đạt được thoả thuận ngừng bắn ở Dải Gaza và bình thường hoá quan hệ Ả Rập Saudi - Israel, nhưng đã không đạt được kết quả mong muốn.

"Lá bài Trung Đông" nhằm tranh thủ phiếu bầu

Chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ đang diễn ra gay gắt giữa đương kim Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump, cả hai đều đã giành được số phiếu đại biểu cần thiết của hai đảng Dân chủ và Cộng hoà để bước vào cuộc bầu cử ngày 5/11/2024. 

Các vấn đề Trung Đông được Tổng thống Joe Biden sử dụng như một lá bài nhằm tranh thủ phiếu bầu của cử tri Mỹ, giúp ông có cơ hội chiến thắng trước ông Donald Trump, đặc biệt trong tình hình ông đang gặp vấn đề về sức khỏe.

Cuộc xung đột Israel - Hamas tại Gaza đã bước sang tháng thứ 7 mà không đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin, trong khi đó người dân Gaza đang đứng trước thảm hoạ nhân đạo chưa từng có với khoảng 35.000 người thiệt mạng, hơn 75.000 người bị thương, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, 1,5 triệu người mất nhà cửa. Chảo lửa Trung Đông đang lan rộng ra toàn bộ khu vực.

Chính sách Trung Đông của chính quyền Tổng thống Joe Biden đang bị dư luận nước Mỹ chỉ trích mạnh mẽ về thái độ thiên vị tuyệt đối Tel Aviv, không đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin giữa Israel và Hamas. Các cuộc biểu tình của sinh viên các trường đại học đang diễn ra trên khắp nước Mỹ và bắt đầu lan rộng sang châu Âu ủng hộ Palestine, đòi Israel chấm dứt cuộc chiến chống lại Hamas ở Gaza, kêu gọi chính quyền Biden không viện trợ quân sự cho Israel.

Các cuộc đàm phán về bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Ả Rập Saudi do Mỹ làm trung gian bế tắc do Israel không đáp ứng các điều kiện chính của Riyadh là đồng ý thành lập một nhà nước Palestine độc lập.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ tấn công vào Rafah, nơi có hơn một triệu người tỵ nạn Palestine đang sinh sống, bất chấp sự phản đối của quốc tế và bất kể có đạt được thỏa thuận về ngừng bắn và trao đổi tù binh với Hamas hay không. Ông bác bỏ mọi đề xuất về một lệnh ngừng bắn nhằm chấm dứt chiến tranh ở Gaza.

Các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas tăng về lệnh ngừng bắn và trao trả con tin ở Cairo với sự trung gian của Ai Cập, Qatar và Mỹ vẫn bế tắc do quan điểm hai bên vẫn còn rất xa nhau.

Chú thích ảnh

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: AFP/TTXVN

Mục đích chuyến thăm Trung Đông của ông Blinken

Ưu tiên hàng đầu của Washington là tìm cách dừng cuộc xung đột đẫm máu ở Dải Gaza, ngăn chặn cuộc tấn công của Israel vào Rafah, thành phố phía nam Dải Gaza, nơi có hơn 1,5 triệu người Palestine di tản đang sinh sống. Cuộc tấn công này sẽ gây thảm thỏa cho dân thường và kích động tình cảm chống Israel và Mỹ, làm phức tạp thêm chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Joe Biden.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết, chuyến thăm cũng nhằm mục đích gây áp lực lên Thủ tướng Israel Netanyahu để thực hiện các bước đi cụ thể mà Tổng thống Biden yêu cầu nhằm cải thiện tình hình nhân đạo đang xấu đi ở Gaza.

Mục tiêu trước mắt của Nhà Trắng là đạt được một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas, giải thoát các con tin do Hamas bắt giữ, tăng cường đưa viện trợ nhân đạo vào Gaza, đồng thời thảo luận với các nước khu vực Trung Đông về tương lai của Gaza.

vv.jpg

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Benjamin Netanyahu tại Tel Aviv ngày 18/10/2023. Ảnh: GPO

Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố ông Blinken sẽ gặp các quan chức cấp cao của Ả Rập Saudi tại Riyadh và cũng sẽ tổ chức một cuộc họp toàn diện hơn với những người đồng cấp từ 5 quốc gia Ả Rập gồm Qatar, Ai Cập, Ả Rập Saudi, UAE, Jordan, một số nước Vùng Vịnh và châu Âu;  tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) được tổ chúc tại Riyadh để thảo luận về giải pháp cho cuộc xung đột Israel - Palestine và hình thức quản lý, tái thiết Gaza sau chiến tranh.

Thúc đẩy các cuộc thương lượng về bình thường hoá quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Israel vốn đang bị đình trệ do cuộc chiến Gaza và các biện pháp tăng cường hợp tác giữa Washington và Riyadh cũng được đưa vào chương trình nghị sự, coi đây là một trong những vấn đề quan trọng trong chuyến đi của Ngoại trưởng Blinken.

Kết quả chuyến thăm

Mâu thuẫn trong quan điểm của Washington 

Có thể nói cả 7 chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tới Trung Đông đều không đạt được kết quả mong muốn. Washington đã không gây được áp lực buộc Israel phải ngừng cuộc chiến ở Gaza. Những chuyến công du đó còn phản ánh sự mâu thuẫn trong quan điểm của Mỹ giữa lời nói và việc làm trên thực tế.

Mỹ tuyên bố về tầm quan trọng của lệnh ngừng bắn giữa Hamas và Israel, ngăn chặn chiến tranh, phản đối Israel tấn công vào Rafah, nhưng lại tiếp tục cung cấp vũ khí cho Tel Aviv, sử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn tất cả các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đòi Israel phải chấm dứt chiến sự tại Gaza. Mới đây nhất Tổng thống Joe Biden đã ký lệnh cung cấp vũ khí cho Israel bao gồm hơn 25.000 tấn đạn dược và thiết bị quân sự, Quốc hội Mỹ cũng thông qua gói viện trợ bổ sung 14,2 tỷ USD cho Tel Aviv.

Washington ủng hộ một giải pháp hai nhà nước, thành lập một nhà nước Palestine độc lập, là người trung gian, hoà giải nhưng Mỹ không có bất cứ một hành động nào buộc Israel chấp nhận giải pháp này. Hơn thế nữa, ngày 19/4/2024, Mỹ đã phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an ủng hộ Palestine trở thành thành viên Liên hợp quốc.

12345-4922-1714779081.png

Cảnh đổ nát tại Rafah sau khi bị Israel không kích hôm 3/5. Ảnh: AFP

Cuộc vận động bất thành của Mỹ

Nhà phân tích chính trị của Tiểu vương quốc Dubai, Tiến sĩ Jassim Khalfan, đã đánh giá thấp kết quả và tác động chuyến đi của Ngoại trưởng Blinken tới khu vực Trung Đông hồi tuần qua. Ông nói với báo “Al-Sharq Al-Awsat”: “Từ khi nhậm chức Ngoại trưởng, ông Blinken đã tiến hành các chuyến thăm con thoi đến khu vực, nhưng không đạt được bất kỳ kết quả thực sự nào. Tổng thống Biden cũng thăm khu vực nhiều lần và đưa ra nhiều lời hứa, nhưng không lời hứa nào được thực hiện.”

Tiến sỹ Khalfan coi các chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ là “mâu thuẫn và xung đột với nhau”. Ông nói: “Chính quyền Mỹ bác bỏ các hành động của Thủ tướng Israel Netanyahu, nhưng lại ủng hộ các chính sách của chính phủ Israel.”

Ông Khalfan cho rằng chính sách Trung Đông của Mỹ là “nắm cây gậy từ giữa - holding the stick from the middle”, vì họ muốn tỏ ra là một một lực lượng quốc tế thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực, nhưng lại ủng hộ mọi hành động của Israel kể từ khi bùng nổ cuộc xung đột Gaza và nay mới bắt đầu nói về sự cần thiết của một lệnh ngừng bắn.

Ông Blinken cũng không thuyết phục được Ả Rập Saudi bình thường hoá quan hệ với Israel. Ngoại trưởng Ả Rập Saudi Faisal bin Farhan vẫn giữ điều kiện tiên quyết là Israel phải đồng ý việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập và chấm dứt chiến sự tại Gaza. 

Đến nay, Thủ tướng Netanyahu vẫn tuyên bố bác bỏ giải pháp hai nhà nước và việc trao trả cho Chính quyền Palestine quyền kiểm soát Gaza, những yêu cầu được cộng đồng quốc tế ủng hộ rộng rãi.

Theo nhiều nguồn tin, trong chuyến công du này, ông Blinken không bỏ qua việc vận động các nước Vùng Vịnh ngừng hợp tác với Nga, Trung Quốc và đoàn kết chống Iran. Tuy nhiên, các nước này đã khẳng định chính sách đối ngoại độc lập của mình, UAE đã quyết định đóng cửa căn cứ quân sự Dhafra của Mỹ, khẳng định không cho phép Mỹ sử dụng căn cứ này vào việc tấn công Iran.

Có thể nói, kết quả chuyến công du thứ bảy của Ngoại trưởng Blinken đến Trung Đông một lần nữa cho thấy thất bại trong chính sách Trung Đông của Mỹ. Washington đã không góp phần tìm ra được giải pháp cho cuộc xung đột Israel - Palestine kéo dài 76 năm nay, không chấm dứt được cuộc chiến của Israel ở Gaza, bạo lực ngày càng lan rộng ra toàn bộ khu vực. Việc Mỹ thiên vị và dành sự hỗ trợ to lớn cho Israel là nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc chiến tranh triền miên tại Trung Đông và không đạt được một giải pháp công bằng cho cuộc xung đột Palestine - Israel.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai, Ủy viên Thường vụ Quỹ HB&PT Việt Nam