BRICS rục rịch mở rộng

Năm 2024, nhóm BRICS (Nhóm các nền kinh tế mới nổi) mở rộng bắt đầu đi vào hoạt động. Trong quý 3, Nga sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của hiệp hội sau khi mở rộng. Các phương tiện truyền thông đôi khi đưa tin rằng quá trình mở rộng BRICS dự kiến sẽ không dừng lại ở đó và các quyết định mới về vấn đề này có lẽ sẽ được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh này.

Liên quan đến vấn đề này, kế hoạch củng cố nội khối sau khi mở rộng đang thu hút sự quan tâm. Chủ đề này đã được đề cập trước đó, dựa trên bối cảnh các nước thành viên BRICS mới và cũ bỏ phiếu về các nghị quyết chống Nga tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Cụ thể, trong 7 nghị quyết của Đại hội đồng thông qua sau ngày 24/2/2022 (ngày chiến dịch đặc biệt của Nga nổ ra), thì bản thân Nga đã bỏ phiếu chống cả 7; trong số các thành viên cũ của BRICS, Trung Quốc đã 3 lần phản đối và bỏ phiếu trắng những lần còn lại; Ấn Độ và Nam Phi bỏ phiếu trắng 7 lần, trong khi Brazil bỏ phiếu ủng hộ 4 lần và bỏ phiếu trắng 3 lần. Trong số 6 quốc gia được mời tham gia BRICS vào mùa hè 2023 (mở rộng lần 1), Iran và Ethiopia đã 3 lần phản đối. Ngược lại thì Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia đã bỏ phiếu ủng hộ 4 lần, trong khi Argentina ủng hộ cả 7 lần.

1.jpg -0
Các nhà lãnh đạo và đại diện các quốc gia thành viên sáng lập BRICS.

Argentina trở thành trường hợp nổi bật cả trong các nghị quyết này và nhiều nghị quyết khác được đưa ra thảo luận trước đó. Trong bối cảnh hướng đến sự thống nhất nội bộ của nhóm BRICS mở rộng, việc tân Tổng thống Argentina từ chối gia nhập BRICS có lẽ mang ý nghĩa tích cực. Cũng trong bối cảnh này, điều đáng quan tâm là xem xét các ứng cử viên cho đợt mở rộng BRICS trong tương lai. Tại hội nghị thượng đỉnh trước đây của nhóm ở Nam Phi, tiêu chí kết nạp thành viên mới không được công bố công khai.

Đồng thời, có ý kiến cho rằng lãnh đạo các nước đều tự xây dựng những tiêu chí này cho riêng mình. Trước hội nghị thượng đỉnh, các phương tiện truyền thông đưa tin rằng tiêu chí khả dĩ có thể là dân số trên 100 triệu người, nhưng khó có thể nói liệu đây chỉ là suy đoán hay không. Tuy nhiên, 4 trong số 6 quốc gia nhận được lời mời đều có dân số dưới ngưỡng này. Iran có xấp xỉ 84 triệu dân. Argentina 46 triệu dân. Saudi Arabia có 32 triệu và UAE chỉ có 9 triệu dân. Như vậy, các tiêu chí thực tế khá linh hoạt.

2.jpg -1
Khối BRICS được cho là chiếm 30% diện tích, 45% dân số và 1/4 nền kinh tế toàn cầu.

Nhưng, một kết luận có thể được suy ra với mức độ chắc chắn cao, đó là các quyết định rất có thể được đưa ra thông qua cơ chế đồng thuận. Dẫn chứng là việc trước hội nghị thượng đỉnh, nhiều danh sách rút gọn khác nhau về các ứng cử viên cho đợt mở rộng BRICS đã được công bố trên các phương tiện truyền thông. Đây có lẽ cũng là suy đoán hoặc đánh giá của giới chuyên gia.

Nhưng, 5 trong số 6 quốc gia được mời đều nằm trong một hoặc nhiều danh sách rút gọn này. Trên thực tế, việc mời thêm quốc gia khác là điều hoàn toàn bất ngờ đối với công chúng. Đó là Ethiopia. Cùng với Iran, Ethiopia là quốc gia ủng hộ Nga nhất tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed cũng tham gia tích cực hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần 2 vào mùa hè năm 2023. Và, nếu áp logic này cho khả năng mở rộng của BRICS trong tương lai thì có thể cho rằng yếu tố đoàn kết với Nga là yếu tố quan trọng khi lựa chọn các ứng cử viên mới.

Tất nhiên, điều này chỉ là giả thuyết. Hiện vẫn chưa rõ một đợt mở rộng BRICS mới có diễn ra hay không và nếu diễn ra thì lãnh đạo các nước thành viên sẽ áp dụng tiêu chí riêng của họ, những tiêu chí này không công khai. Rất có thể quyết định sẽ được đưa ra theo nguyên tắc đồng thuận và điều này có nghĩa là lợi ích của tất cả các thành viên BRICS sẽ được tính đến. Tất nhiên, điều này có thể không trùng với quan điểm của Nga hoặc của cả các nước lớn khác. Nhưng, nếu diễn giải chính xác trường hợp của Ethiopia thì tình đoàn kết với Nga có thể đóng vai trò nào đó trong việc mở rộng BRICS trong tương lai. Yếu tố này có vẻ quan trọng trong việc tăng cường sự gắn kết nội khối. Nhưng, nếu BRICS có khả năng mở rộng trong tương lai, sẽ rất thú vị khi quan sát nước nào trong “danh sách dài” nêu trên sẽ nằm trong số những bên thực sự được mời tới hội nghị thượng đỉnh sắp tới.

Theo CAND

Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) là một tổ chức quốc tế bao gồm các nước thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và UAE. Tổ chức này được thành lập năm 2010 với tên viết tắt ban đầu là BRIC bao gồm chữ cái đầu của 4 quốc gia: Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, sau đó thêm Nam Phi (South Africa) gia nhập để thành BRICS. Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và UAE chính thức gia nhập tổ chức này kể từ 1/1/2024.

Các quốc gia thuộc khối BRICS chiếm 30% diện tích, 45% dân số và 1/4 nền kinh tế toàn cầu. Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc nằm trong top 10 các quốc gia có diện tích, dân số và nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cả 5 quốc gia tham gia sáng lập ban đầu đều là thành viên của nhóm G20, nhóm các nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới.