Căng thẳng Mỹ - Israel sau cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an

Mối quan hệ giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã xấu thêm sau khi Mỹ không phủ quyết nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ở Gaza tại cuộc bỏ phiếu ở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

 

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Sau khi Mỹ bỏ phiếu trắng tại Hội đồng Bảo an ngày 25/3, ông Netanyahu đã đột ngột hủy chuyến thăm Washington trong tuần này của một phái đoàn cấp cao Israel.

Đây là nghị quyết đầu tiên mà Hội đồng Bảo an thông qua được sau bốn lần thất bại. Nghị quyết yêu cầu Israel và Hamas ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza trong tháng Ramadan và kêu gọi Hamas thả tất cả các con tin vô điều kiện.

Tuy nhiên, ngay trước cuộc bỏ phiếu, ông Netanyahu tuyên bố nghị quyết nêu trên không gắn điều kiện ngừng bắn với việc thả con tin.

Văn phòng của Thủ tướng Netanyahu nêu rõ: “Nghị quyết ngày hôm nay mang lại cho Hamas hy vọng rằng áp lực quốc tế sẽ buộc Israel chấp nhận một lệnh ngừng bắn mà không có việc thả con tin, qua đó làm tổn hại đến cả nỗ lực chiến tranh và nỗ lực giải thoát con tin của Israel”.

Về phần mình, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas Greenfield đảm bảo rằng nghị quyết này có nghĩa là lệnh ngừng bắn phải diễn ra như một phần của thỏa thuận trả tự do cho các con tin.

Trong bối cảnh cuộc đua tái tranh cử dần nóng lên, ông Biden phải đối mặt với áp lực kiềm chế các cuộc tấn công của Israel ở Gaza.

Về phần mình, ông Netanyahu cũng phải đối mặt với những thách thức trong nước, đặc biệt là yêu cầu áp dụng đường lối cứng rắn với người Palestine. Thủ tướng Israel cũng phải thuyết phục gia đình các con tin rằng ông đang làm mọi cách để họ được trả tự do.

Khi văn phòng của ông Netanyahu thông báo hủy chuyến thăm Washington, nhà lãnh đạo Israel nói rằng việc Mỹ không dùng quyền phủ quyết cho thấy Mỹ đã thay đổi quan điểm và sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực chiến tranh của Israel.

Các quan chức Mỹ cho rằng Chính quyền Tổng thống Biden coi việc hủy chuyến thăm là một phản ứng thái quá, song họ nhấn mạnh Mỹ sẽ không thay đổi chính sách với Israel.

Trước đó, Washington hầu như tránh sử dụng từ “ngừng bắn” trong gần 6 tháng chiến tranh ở Dải Gaza. Nước này cũng sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an để bảo vệ Israel.

Nhưng trong bối cảnh nạn đói đang bủa vây Gaza và áp lực quốc tế gia tăng khi cuộc xung đột đã khiến khoảng 32.000 người Palestine thiệt mạng, Mỹ đã bỏ phiếu trắng cho nghị quyết kêu gọi ngừng bắn trong tháng Ramadan.

Ông Aaron David Miller, từng là nhà đàm phán về Trung Đông cho các chính quyền Mỹ trước đây, nhận định: “Điều này cho thấy không còn niềm tin giữa chính quyền của ông Biden và ông Netanyahu. Nếu cuộc khủng hoảng không được xử lý thoả đáng, tình hình sẽ chỉ càng trở nên tồi tệ hơn”.

Trong khi đó, việc ông Netanyahu hủy bỏ chuyến thăm Washington của phái đoàn cấp cao đã gây ra rạn nứt lớn nhất với Tổng thống Biden kể từ khi chiến tranh nổ ra, đồng thời sẽ gây áp lực đáng kể lên kế hoạch của Israel ở Rafah. Trước đó, ông Biden đã mời phái đoàn Israel đến Washington để thảo luận về các giải pháp thay thế cho cuộc tấn công thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Các nhà phân tích cho rằng thách thức hiện nay đối với cả ông Biden và ông Netanyahu là để khác biệt giữa họ không leo thang ngoài tầm kiểm soát.

Hải Vân/Báo Tin tức (Tổng hợp)