Đảng cựu hữu AfD giành chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử cấp bang tại Đức

Ngày 1/9, người dân tại hai bang miền Đông của Đức là Thuringen và Sachsen đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử địa phương.

Lần đầu tiên, một đảng cực hữu tại Đức giành chiến thắng tại một cuộc bầu cử cấp bang kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ II. (Ảnh: Getty Images)

Dựa trên kết quả các cuộc thăm dò ý kiến cử tri, đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) đã giành chiến thắng ở bang Thuringen với tỷ lệ ủng hộ từ 32,8% đến 33,4%. Trong khi Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo Trung hữu (CDU) có thể sẽ giành vị trí thứ hai với 23,8%.

Tại bang Sachsen, đảng cực hữu AfD cũng đang bám sát CDU. Theo dự báo, CDU dẫn trước sít sao, với tỉ lệ ủng hộ từ 31,5% đến 31,8%, trong khi AfD dự báo giành được từ 30,8% đến 31,4%.

Ba đảng trong liên minh cầm quyền gồm Đảng Dân chủ xã hội (SPD), Đảng Xanh và Đảng Dân chủ tự do (FDP) dường như đã chịu thất bại đáng kể trong cuộc bầu cử ngày 1/9. Trong đó, Đảng Xanh và FDP giành số phiếu thấp nhất tại bang Thuringen, khi cả hai đều không nhận được đủ ngưỡng 5% số phiếu ủng hộ, đồng nghĩa với việc sẽ phải rời khỏi Quốc hội.

Đảng cựu hữu AfD giành chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử cấp bang tại Đức - Ảnh 1.

Cuộc bầu cử tại 2 bang miền Đông là bài kiểm tra đối với liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz khi phe cực hữu đang chiếm ưu thế. (Ảnh: DPA)

Kết quả này đánh dấu lần đầu tiên một đảng cực hữu tại Đức giành chiến thắng tại một cuộc bầu cử cấp bang kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II. Đây cũng được xem là "đòn giáng mạnh" vào trung tâm chính trị của Đức, đặc biệt là đối với các đảng trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz.

Các nhóm doanh nghiệp Đức bày tỏ lo ngại về kết quả bầu cử sơ bộ ngày 1/9, sau khi đảng cực hữu AfD và đảng cánh tả, chống nhập cư BSW giành được chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử cấp tiểu bang ở Saxony và Thuringia.

Ông Marcel Fratzscher, chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế Đức, đã cảnh báo về những hậu quả kinh tế và xã hội đáng kể trước tình hình này khi cho rằng: "Đảng AfD nói riêng ủng hộ chính sách kinh tế tự do, ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ và cô lập khỏi châu Âu, bảo vệ việc giảm nhập cư của lao động có tay nghề và giảm sự cởi mở và đa dạng của xã hội Đức".

Ông Fratzscher tin rằng kết quả bầu cử sẽ dẫn đến tình trạng các công ty và lao động có tay nghề rời khỏi cả hai tiểu bang. Viện kinh tế Đức (IW) cũng coi kết quả là một tín hiệu xấu. "Điều này không thể báo hiệu điều tốt lành cho nền kinh tế", Giám đốc IW Michael Hüther nói với phóng viên Reuters.

Theo VTV.vn