Để khơi thông nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ đội ngũ trí thức, một hội thảo ý nghĩa ở Hà Nội đã chỉ ra những vấn đề trọng tâm trong thực tiễn công tác vận động trí thức người Việt nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển đất nước.

Đó là hội thảo “Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển đất nước” diễn ra ngày 23/3, do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) và Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam phối hợp tổ chức, nhằm tiếp tục quán triệt và thực hiện Nghị quyết 36, Chỉ thị 45, Kết luận 12 về công tác NVNONN, phát huy tiềm lực của trí thức NVNONN trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Hội thảo thu hút sự tham dự của đại diện các cơ quan ban ngành trung ương, địa phương và đại diện trí thức NVNONN.

Để khơi thông nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài
Hội thảo về vận động trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. (Ảnh: Lê An)

Nguồn lực dồi dào của đất nước

Phát biểu tại đây, ông Mai Phan Dũng, Phó chủ nhiệm Ủy ban NVNONN nhấn mạnh, trong lực lượng trí thức Việt Nam, bộ phận trí thức NVNONN là một cấu thành quan trọng, nguồn lực dồi dào, đóng góp cho sự phát triển của đất nước trong suốt chiều dài lịch sử.

Trong thời kỳ đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc, dưới sự vận động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều trí thức kiều bào đã quay về dốc sức phục vụ cho cuộc kháng chiến của nước nhà.

Trong giai đoạn khôi phục đất nước sau chiến tranh, trí thức kiều bào đã phát động phong trào vận động quyên góp sách báo, tài liệu khoa học kỹ thuật, trang thiết bị đã qua sử dụng gửi về nước. Tại một số quốc gia, các hội, nhóm khoa học kỹ thuật của người Việt đã cử thành viên về nước tìm hiểu nhu cầu, khả năng hợp tác, xây dựng các đề án, chương trình hợp tác với trong nước, huy động khả năng của cộng đồng kiều bào và bạn bè sở tại.

Nhận thức được vai trò quan trọng của trí thức NVNONN, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về công tác đối với NVNONN nói chung và trí thức kiều bào nói riêng, trong đó, gần đây nhất là Kết luận số 12-KL/TW về công tác NVNONN trong tình hình mới. Các cấp, các ngành, các cơ quan, địa phương thời gian qua đã chú trọng kết nối, phát huy nguồn lực trí thức NVNONN trong các hoạt động chương trình cụ thể.

Để khơi thông nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài
Ông Mai Phan Dũng, Phó chủ nhiệm Ủy ban NVNONN phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Dương Tiêu)

Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao cùng VUSTA cũng đã có nhiều hợp tác trong vận động trí thức kiều bào nói riêng và công tác vận động kiều bào nói chung, đóng góp cho sự nghiệp phát triển khoa học kỹ thuật của đất nước.

Theo ông Mai Phan Dũng, trong thời gian tới, đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục tăng về số lượng, đa dạng hơn về địa bàn cư trú, hội nhập sâu hơn vào xã hội sở tại, cơ cấu tiếp tục thay đổi. Thế hệ trẻ đang thay thế dần lớp người lớn tuổi, với tư duy sáng tạo, là động lực to lớn đóng góp cho nước sở tại và nước nhà.

Với số lượng đông đảo, làm việc ở nhiều nước có trình độ cao về khoa học-công nghệ và kinh tế, được đào tạo trong môi trường phát triển, cạnh tranh, thông tin cập nhật, chuyên gia, trí thức kiều bào là vốn quý, nếu huy động tốt sẽ góp phần giúp đất nước phát triển, đặc biệt trên các mặt khoa học và công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA, cũng khẳng định trí thức kiều bào trong lĩnh vực KHCN làm việc ở các trung tâm nghiên cứu khoa học, các trường đại học, công ty sản xuất những sản phẩm kỹ thuật và công nghệ cao, cũng như tại nhiều tổ chức quốc tế.

Trong hầu hết các ngành và lĩnh vực mũi nhọn từ điện tử, sinh học, y học, vật liệu mới, năng lượng mới, tin học đến hàng không, vũ trụ, hải dương đều có chuyên gia người Việt Nam làm việc.

Ngoài ra, trí thức kiều bào cũng có nhiều tiềm lực trong các lĩnh vực xã hội như luật sư, thẩm phán, nhà văn, nhà thơ… Hiện có nhiều chuyên gia kiều bào đang cộng tác, cố vấn, tư vấn cho các bộ, ngành, địa phương.

Để khơi thông nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA, phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Dương Tiêu)

Chưa phát huy hết các tiềm năng

Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định, công tác vận động NVNONN, đặc biệt là các chuyên gia trí thức kiều bào ngày càng được Đảng, Nhà nước quan tâm. Nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành, trong đó có nội dung về thu hút nguồn lực trí thức kiều bào.

Các chính sách này, cùng hệ thống các chính sách liên quan đến quốc tịch, đầu tư, nhà đất... thể hiện sự coi trọng của Đảng, Nhà nước đối với nguồn lực của cộng đồng NVNONN nói chung và lực lượng trí thức nói riêng. Các cơ quan xây dựng chính sách trong nước cũng ngày càng quan tâm đến những nguyện vọng, lợi ích thiết thân của kiều bào, tạo điều kiện tối đa khi họ về nước hợp tác giảng dạy, chuyển giao khoa học-công nghệ.

Tuy nhiên, một số ý kiến chỉ ra rằng, việc thu hút chuyên gia NVNONN tham gia hoạt động KH&CN ở Việt Nam trong thời gian qua chưa thực sự tạo được bước đột phá cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả.

Các chuyên gia chủ yếu tham gia các hoạt động ngắn ngày, ít người về làm việc lâu dài, chưa có công trình, đề tài, phát minh có khả năng làm thay đổi căn bản ngành, lĩnh vực KH&CN mà họ tham gia.

Bên cạnh đó, những điểm sáng về chính sách vĩ mô vẫn khó được thực thi hiệu quả khi thực tế, số chuyên gia, nhà khoa học NVNONN thực sự được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi trong nước chưa nhiều.

Góp ý về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP. HCM cho rằng, chính sách đưa ra nhiều nhưng chưa đủ mạnh để khuyến khích các nhà khoa học, trí thức Việt Nam về nước, đóng góp nhiều hơn, như liên quan đến đãi ngộ đối với gia đình các nhà khoa học còn nhiều hạn chế; môi trường nghiên cứu, học thuật chưa được thuận lợi, chưa chuyên nghiệp

Ông Nguyễn Văn Phước nhấn mạnh: “Điều quan trọng hơn cả là cần đánh giá đúng tiềm lực, cũng như vị trí, vai trò của các chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài để có thể đưa ra những cơ chế chính sách cụ thể, khuyến khích được những chuyên gia, trí thức đó đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước”.

Kiến nghị những giải pháp kết nối trí thức người Việt Nam ở nước ngoài nhằm phát triển kinh tế trong nước dựa trên đổi mới sáng tạo và thành tựu cuộc CMCN 4.0, ông Võ Xuân Hoài, Phó Tổng thư ký Hội liên lạc với NVNONN cho rằng cần xác định rõ những vướng mắc, cản trở sự đóng góp của người Việt ở nước ngoài nói chung và trí thức người Việt ở nước ngoài nói riêng, để có những giải pháp tháo gỡ, khơi thông nguồn lực “mềm” đáng quý này; đồng thời cần phải có những chính sách, cơ chế phù hợp để khơi dậy tình yêu nước, lòng tự tôn dân tộc của NVNONN, phải đem lại cho họ cảm giác được trân trọng, từ đó đóng góp của họ mới thực sự chân thành, hết lòng, hết sức và hiệu quả.

Ông Hoài đề xuất: “Hiện nay, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đang xây dựng cơ sở dữ liệu về trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, tập hợp danh sách trên 100.000 người có thông tin từng ngành, nghề và địa chỉ. Nhưng danh sách này còn khá khiêm tốn so với tổng số trí thức NVNONN, vì vậy, cần đẩy nhanh tiến độ điều tra xã hội học và khi có dữ liệu tương đối cần giữ liên hệ thường xuyên với họ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng và sẵn sàng tham vấn những vấn đề trong nước đang cần”.

Để khơi thông nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài
Các đại biểu chủ trì hội thảo. (Ảnh: Dương Tiêu)

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Phạm Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ Kinh tế Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Nhà nước về NVNONN, cũng chỉ ra một số tồn tại, bất cập trong việc việc triển khai các cơ chế, chính sách về thu hút, trọng dụng cán bộ trí thức kiều bào, cụ thể như các chính sách đã được ban hành chưa đủ mạnh, vẫn thiên về trọng đãi hơn là trọng dụng và nhiều chế độ ưu đãi hiện nay không còn phát huy hiệu quả; ở một số nơi, một số cấp, thủ tục hành chính rườm rà; thiếu cơ sở dữ liệu quốc gia về NVNONN để các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp có thể khai thác chung.

Ngoài ra, còn có một số hạn chế khác như môi trường làm việc chưa phù hợp, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nghiên cứu khoa học và môi trường học thuật chuyên nghiệp của trong nước còn hạn chế; khác biệt về thể chế; rào cản ngôn ngữ, nhận thức không tương đồng về các vấn đề, đặc biệt các vấn đề chuyên môn sâu giữa chuyên gia, trí thức NVNONN và các đồng nghiệp trong nước…

Những thủ lĩnh là cánh chim đầu đàn

Để phát huy các tiềm năng thế mạnh của đội ngũ trí thức, khoa học NVNONN, ông Từ Thành Huế, Trưởng ban Đối ngoại-Kiều bào, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng cần tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho các dự án đầu tư của kiều bào; sớm hoàn thiện các quy định tạo thuận lợi cho NVNONN được mua và sở hữu nhà ở trong nước, đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam…

Ông Từ Thành Huế cũng đề xuất cần tiếp tục triển khai các biện pháp tranh thủ, thu hút sự hợp tác, đóng góp của trí thức, doanh nhân kiều bào trên các lĩnh vực: tư vấn trong hoạch định chính sách phát triển đất nước, nhất là trong các ngành kinh tế; làm cầu nối hợp tác, tìm kiếm nguồn đầu tư quốc tế cho lĩnh vực khoa học-công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực trong nước; khuyến khích các hình thức tập hợp của trí thức, doanh nhân kiều bào.

Đặc biệt, theo ông Từ Thành Huế, cần tiến hành khảo sát, thu thập danh sách các trí thức, chuyên gia có kinh nghiệm và chuyên môn giỏi có thể đáp ứng được yêu cầu từng lĩnh vực trong nước và có chính sách đãi ngộ thoả đáng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để bà con phát huy khả năng đóng góp.

Nói như ông Lê Xuân Rao, nguyên Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội, thì: "Quan trọng là chọn người nào vào việc gì, có đúng người, đúng việc, có đi vào thực chất hay không, chứ không phải chuyện thu hút được bao nhiêu trí thức Việt kiều".

Để khơi thông nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài
Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Dương Tiêu)

Đại diện cho trí thức NVNONN tại Hội thảo, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ - Đại học năng lượng quốc gia Moscow (Nga), Chủ tịch Viện công nghệ VinIT, cho rằng, đối với nhiều trí thức NVNONN, mong muốn được trở về đóng góp cho quê hương không phải là để được hưởng những chính sách đãi ngộ của Đảng, Nhà nước từ thu nhập, biệt đãi nhà ở…mà mong muốn được cống hiến, tận hiến cho sự nghiệp phát triển khoa học nước nhà.

Tuy nhiên, quá trình trở về của các trí thức NVNONN còn gặp nhiều khó khăn nên nhiều người sau một thời gian ngắn lại trở lại quốc gia họ từng sinh sống.

Ông cũng kiến nghị Đảng, chính quyền các cấp và toàn thể xã hội nên thể hiện mọi lúc, mọi nơi sự trân trọng, cầu thị, lắng nghe, tôn vinh trí thức kiều bào. Tập trung mọi nguồn lực của đất nước, của xã hội cho phát triển khoa học công nghệ, trong đó phải lấy tiêu chí hiệu quả ứng dụng lên hàng đầu...

Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ nhấn mạnh: "Để sử dụng hiệu quả đội ngũ trí thức kiều bào cần có những cá nhân xuất sắc, những thủ lĩnh trí thức như con chim đầu đàn, tập hợp, dẫn dắt, chỉ huy trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng dự án, đồng thời là người chịu trách nhiệm trước hệ thống chính trị và nhân dân cả nước trong lĩnh vực công việc của mình.

Chúng ta cần nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm của các nước trong thu hút, tập hợp lực lượng trí thức, đồng thời phải có chiến lược hợp tác chặt chẽ, sâu rộng và hiệu quả với các quốc gia phát triển có tiềm lực tri thức của thế giới; trong hợp tác với các nước phát triển, hết sức chú ý sử dụng vai trò cầu nối của lực lượng trí thức kiều bào”.

Dù không tham dự trực tiếp nhưng tại hội thảo, nhưng Giáo sư Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) và ông Phạm Kim Cương đến từ Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, chia sẻ tâm nguyện tiếp tục đóng góp những hoạt động ý nghĩa từ tổ chức của mình trong việc kết nối trí thức kiều bào tham gia xây dựng và phát triển đất nước.

Để khơi thông nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài
Giáo sư Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo. (Ảnh: Lê An)

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, khẳng định định hướng ưu tiên trong thời gian tới của các cấp là có một kế hoạch, chiến lược cụ thể triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút trí thức NVNONN về nước, tham gia đóng góp trên các lĩnh vực của KHCN và đổi mới sáng tạo khởi nghiệp của đất nước.

Ông cho rằng, các cơ quan, tổ chức, cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò của mình trong công tác về NVNONN, việc triển khai phải thực sự đúng vai, nhất quán và giảm thiểu chồng chéo về chức năng đồng thời có sự liên thông, hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan trong hệ thống về công tác này.

Những kiến nghị của hội thảo sẽ được Ban tổ chức tổng hợp và báo cáo Lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, nhiều chủ trương, nghị quyết quan trọng của Đảng về đại đoàn kết dân tộc, về trí thức, về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đã và đang tiếp tục được tổng kết, đánh giá làm cơ sở xây dựng nghị quyết và chủ trương, chính sách mới.

Theo ước tính của Ủy ban Nhà nước về NVNONN, số lượng người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng hơn 10% trong tổng số 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, tương đương khoảng 600.000 người. Số này gồm hai bộ phận là trí thức từ trong nước ra nước ngoài học tập, làm việc và trí thức là con em thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư của người Việt ở sở tại, tập trung chủ yếu ở các nước phương Tây.

Hằng năm, trung bình có khoảng 300-500 lượt chuyên gia, trí thức, nhà khoa học người ở Việt Nam ở nước ngoài về nước tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ, triển khai các dự án hợp tác trong giảng dạy, đào tạo nhân lực, nghiên cứu phát triển (R&D), đẩy mạnh ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

 

LÊ AN/Theo Baoquocte.vn