Dự thảo Luật đất đai sửa đổi: Băn khoăn quy định với người Việt ở nước ngoài

Kiều bào cho rằng, cái cần thì không được nói tới, không được đưa vào dự thảo như việc mua nhà, thừa kế, cho tặng đối với bà con kiều bào, bởi luật chỉ cho phép mua nhà những dự án, những khu đô thị mới.

 

Dự thảo Luật đất đai sửa đổi đang được Ủy ban Thường vụ quốc hội lấy ý kiến của người dân, trong đó có kiều bào từ ngày 1/1 đến ngày 15/3 năm nay.

Hiến pháp Việt Nam coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; kiều bào là một nguồn lực của đất nước.

Những năm qua, số lượng người Việt nam ra nước ngoài ngày một đông. Người Việt ở nước ngoài cũng luôn hướng về đất nước. Bởi thế, vấn đề nơi cứ trú, đất đai, bất động sản được kiều bào rất quan tâm.

du thao luat dat dai sua doi ban khoan quy dinh voi nguoi viet o nuoc ngoai hinh anh 1
(Ảnh minh họa)

Nhiều kiều bào lớn tuổi, cũng như không ít người trẻ ra nước ngoài sinh sống, làm việc nhưng vẫn mong muốn có một căn nhà ở trong nước để lấy chỗ đi về, thăm thân. Rồi những người có tiền đầu tư vào bất động sản cũng là vấn đề bình thường trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay.

Ông Nguyễn Hoài Bắc, doanh nhân người Việt ở Canada về đầu tư ở trong nước nhiều năm cho rằng: “Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng có nhiều tiến bộ, nhưng cái cần thì không được nói tới, không được đưa vào dự thảo như việc mua nhà, thừa kế, cho tặng đối với bà con kiều bào, bởi luật chỉ cho phép mua nhà những dự án, những khu đô thị mới. Đồng nghĩa với câu chuyện này là nhà cửa, đất đai của người thân, của kiều bào ở trong lòng thành phố, trong lòng quê hương đã có từ nhiều năm vẫn không được phép”.

du thao luat dat dai sua doi ban khoan quy dinh voi nguoi viet o nuoc ngoai hinh anh 2
Ông Nguyễn Hoài Bắc, doanh nhân người Việt ở Canada

Về nhu cầu đất ở, nhà ở của kiều bào. Chỉ lấy ví dụ ở Thành phố Hồ Chí Minh, những năm qua có hơn 400 chuyên gia, trí thức kiều bào về làm việc dài hạn và gần 200 trí thức hợp tác trực tiếp với các trường Đại học, khu Công nghệ cao, các bệnh viện… Hiện thành phố có gần 3.000 công ty có vốn của kiều bào được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Hàng năm cũng có tới gần 30.000 người Việt trẻ ở nước ngoài về đây khởi nghiệp. Có nghĩa là nhu cầu về nhà ở để sống và làm việc của kiều bào hiện nay là rất lớn. 

Việc Luật đất đai năm 2013 quy định kiều bào được mua nhà những dự án, những khu đô thị mới, đã giải quyết được một phần nhu cầu về chỗ ở của những người mong muốn trở về. Tuy nhiên, vướng mắc ở chỗ, số lượng những dự án, những khu đô thị mới thì có hạn, đôi khi, giá quá cao, không phù hợp với túi tiền, nhiều khi, không thuận tiện với nơi làm việc cũng như mong muốn được ở gần thân nhân của kiều bào. Thêm nữa, việc thừa kế, cho tặng bất động sản với kiều bào không được quy định trong luật cũng là một yếu tố chưa phù hợp, vì nhiều người trẻ hiện nay ra nước ngoài làm việc, sinh sống, có quốc tịch nước ngoài, trong khi bố, mẹ, gia đình vẫn sống ở Việt Nam. Khi bố mẹ, người thân muốn chia, tặng đất ở, nhà ở cho con cái ở nước ngoài lấy chỗ đi về để ở, lại gặp khó khăn do luật không quy định.

 

Mỗi năm kiều hối chuyển về Việt Nam gần 20 tỷ USD. Nguồn vốn của kiều bào cũng được đánh giá dồi dào, mong muốn mua nhà, đất để ở, để kinh doanh lớn. Trong khi thị trường bất động sản đang rất khó khăn về vốn. Việc bổ sung quy định về việc mua, bán, trao tặng nhà ở đất ở đối với kiều bào cũng như mở rộng diện đất ở, nhà ở kiều bào được mua, bán, trao tặng vừa thỏa mãn được nhu cầu của kiều bào và người thân, vừa thu hút được nguồn vốn lớn, vừa tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, đồng thời lại xóa được mặc cảm bị phân biệt, đối xử khác với người trong nước.

Chúng ta đặt ra mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Muốn thực hiện được mục tiêu này, Việt Nam phải huy động tốt nhất nguồn lực của của hơn 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài cùng 100 triệu đồng bào trong nước.

Một trong những chính sách tạo sự bứt phá cho việc gắn kết và phát huy nguồn lực của kiều bào chính là việc chỉnh sửa những quy định trong Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, nhằm đáp ứng và đảm bảo quyền lợi tối thiểu của những người Việt ở nước ngoài mong muốn quay trở lại sinh sống ở Việt Nam.

Đây sẽ là điều kiện thiết yếu để kiều bào mạnh dạn về nước sống, làm việc, đầu tư kinh doanh, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển bằng cả tinh thần, tài lực và trí lực trong những năm tới./.

Hoàng Hướng/VOV5