Hội nghị thượng đỉnh EU đề cao năng lượng tái tạo, hạt nhân

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu kéo dài 2 ngày đã kết thúc ngày 22/10. Một loạt vấn đề nóng của Khối đã được đề cập tới, trong đó đặc biệt là cuộc khủng hoảng giá năng lượng, bất đồng pháp lý với Ba Lan cũng như vấn đề người di cư.

Trong cuộc họp báo kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Von der Leyen đã nhấn mạnh đến lợi thế của năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân.

Ảnh: European Times News
Ảnh: European Times News

Theo bà, năng lượng tái tạo như điện gió và điện Mặt trời sẽ là lựa chọn tốt giúp Lục địa già đảm bảo sự độc lập về năng lượng trong tương lai. Tuy nhiên bên cạnh năng lượng tái tạo, châu Âu vẫn cần tới khí đốt trong giai đoạn chuyển tiếp và năng lượng hạt nhân về lâu dài để đảm bảo nguồn cung ổn định.

Hiện tại Pháp và các nước Đông Âu đang thúc đẩy đưa năng lượng hạt nhân và khí tự nhiên vào danh sách phân loại năng lượng để có thể tiếp cận nguồn vốn dễ hơn trong khuôn khổ “tài chính xanh” của EC cũng như sẽ có được lợi thế cạnh tranh trong tương lai. Tuy nhiên, Đức, Áo, Đan Mạch và Luxembourg vẫn chưa đồng ý dán nhãn xanh cho năng lượng hạt nhân. Trong khi đó, Bỉ có kế hoạch xây dựng các nhà máy nhiệt điện để loại bỏ dần các nhà máy điện hạt nhân vào năm 2025. Theo kế hoạch, EC sẽ đưa ra đề xuất về phân loại năng lượng trong vài tuần tới.

Cũng tại hội nghị, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nỗ lực thu hẹp bất đồng về cách thức giải quyết vấn đề người di cư. Tân Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg khẳng định áp lực về vấn đề người di cư đang gia tăng trở lại. Trong khi, Litva đề nghị EU hỗ trợ cơ sở hạ tầng biên giới cứng, trong đó có việc triển khai thiết bị bay không người lái hoặc hàng rào, ông cho rằng cần siết chặt biên giới bên ngoài của khối. 

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo kêu gọi áp dụng các biện pháp để bảo vệ biên giới bên ngoài EU và hỗ trợ những người xin quy chế tị nạn. Tuyên bố trên được cho là nhằm vào mâu thuẫn nội bộ, khi Ba Lan và Hungary từ chối tiếp nhận bất kỳ ai đến từ Trung Đông và Bắc Phi. 

Căng thẳng về pháp lý giữa EU và Ba Lan cũng là một trong những trọng tâm của hội nghị. Các nhà lãnh đạo châu Âu hôm 21/10 đã chỉ trích Ba Lan vì có động thái thách thức nền tảng pháp lý của liên minh châu Âu (EU), khi mới đây Tòa án nước này phán rằng, luật pháp chung của EU có phần không phù hợp với luật pháp quốc gia của Ba Lan.

Tổng thống Pháp bày tỏ quan ngại: “Các cuộc tấn công nhằm vào tính độc lập và tính công bằng của ngành tư pháp nên là một lời cảnh báo đối với chúng ta. Chống lại những giá trị này, thách thức chế độ pháp quyền, có nghĩa là thách thức chính nền tư pháp châu Âu. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã có một kế hoạch rất chính xác, rất chi tiết, thảo luận dựa trên sự tôn trọng”.

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho rằng Ba Lan là thành viên của EU thì phải tuân thủ các quy tắc của liên minh giống như một thành viên của một câu lạc bộ và hưởng các quyền lợi thì phải tôn trọng các quy định của nó.

Tuy nhiên, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho rằng nước này không có bất kỳ vấn đề gì về pháp quyền, khẳng định sẵn sàng giải quyết các tranh chấp với Brussels: “Ba Lan tất nhiên không có vấn đề gì với nhà nước pháp quyền, nhưng một số quốc gia không hiểu những cải cách (tư pháp) của chúng tôi.”

Ba Lan cũng tuyên bố sẽ không cúi đầu trước các áp lực, hành vi dọa ngưng và hoãn chi 36 tỉ euro từ kế hoạch kích thích phục hồi kinh tế dành cho Ba Lan từ các thành viên nội khối./.

Đình Nam/VOV1
Tổng hợp