Hội thảo quốc tế “ASEAN trong thế giới biến động: Thách thức, cơ hội và triển vọng”

Ngày 14/11/2024, tại Hà Nội Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam (VPDF) phối hợp Quỹ Rosa Luxemburg Stiftung (RLS) đã tổ chức Hội thảo quốc tế “ ASEAN trong thế giới biến động´. Trong bối cảnh những biến động phức tạp của tình hình thế giới và khu vực đặt vai trò trung tâm ASEAN trước những thách thức chưa từng có,  ASEAN cần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất để ứng phó thành công với những cơ chế chế tập hợp lực lượng, phân tuyến đang hình thành riêng rẽ dưới sự dẫn dắt của các cường quốc, thực hiện có hiệu quả sứ mệnh xây dựng cộng đồng ổn định, phát triển, gắn kết góp phần giữ gìn hòa bình an ninh và phát triển khu vực. Hội thảo là kỳ vọng tạo ra một diễn đàn khoa học quy tụ các học giả, nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao Việt Nam và quốc tế cùng chia sẻ những góc nhìn đa chiều về vấn đề trên.

Tham dự Hội thảo về phía Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam có Chủ tịch Hà Hùng Cường và ban lãnh đạo Quỹ, về phía RLS có ông Phillip Degenhardt, Trưởng Trung tâm Đối thoại Quốc tế RLS,  ông Stefan Mentschel, Giám đốc Văn phòng RLS tại Hà Nội và gần 80 đại biểu từ các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, các nhà nghiên cứu, học giả. Về phía các tổ chức quốc tế có đại diện Ban Quốc tế Đảng cộng sản Nhật Bản; Bộ ngoại giao Indonesia; Học viện Ngoại giao Lào,Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế Indonesia; Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia; Đại học Philippines Diliman, Đại sứ quán Lào, Philippines tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam Hà Hùng Cường đánh giá cao sự ủng hộ và hợp tác có hiệu quả của RLS trong việc tổ chức hội thảo quan trọng này và nhấn mạnh: Hội thảo quốc tế “ASEAN trong một thế giới biến động “Thách thức, cơ hội và triển vọng” là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế chia sẻ quan điểm về thách thức đặt ra cho ASEAN trong quá trình hội nhập quốc tế, bày tỏ ý kiến để góp phần tiếp tục chung tay kiến tạo thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững khu vực và thế giới. 

Tại Hội thảo đã diễn ra 2 phiên thảo luận, 2 đề dẫn,  11 ý kiến tham luận chính thức và 21 ý kiến thảo luận mở của các học giả, đại biểu tham dự chia sẻ quan điểm về những xu hướng, đặc điểm của tình hình thế giới và những tác động đến hòa bình, an ninh và phát triển của thế giới nói chung và ASEAN nói riêng và những sáng kiến, đề xuất nhằm xây dựng ASEAN thành một khu vực ổn định, phát triển bền vững  như sáng kiến xây dựng hòa bình thế giới như: quản trị an ninh toàn cầu; vai trò của các quốc gia và các chủ thể phi nhà nước; thể chế đa phương và luật pháp quốc tế trong một thế giới biến động; các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, hiện trạng và triển vọng; ASEAN trong chiến lược của các nước lớn- Chính sách và cách tiếp cận của khối; nâng cao vai trò của ASEAN trong nhăn ngừa xung đột, duy trì hòa bình ổn định trong khu vực. Các đại biểu đều có chung quan điểm rằng Nhìn một cách tổng thể, mặc dù còn nhiều thách thức, song vai trò trung tâm của ASEAN vẫn có nhiều cơ hội được củng cố trong thời gian tới, việc củng cố vai trò trung tâm của ASEAN không chỉ đem lại lợi ích cho khối, mà còn đối với các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, việc các quốc gia thành viên tích cực ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN là biện pháp hiệu quả để bảo vệ lợi ích của mình, giữ vững vai trò “động lực chính” trong hợp tác, cũng như ở “vị trí trung tâm” trong nỗ lực định hình cấu trúc hợp tác ở khu vực dựa trên các khuôn khổ, diễn đàn do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt. Với sự ra đời của Hiến chương ASEAN, “vai trò trung tâm” đã được pháp điển hóa, vừa trở thành mục tiêu, vừa trở thành nguyên tắc định hướng cho mọi hoạt động của ASEAN. Trong bối cảnh cục diện thế giới ngày càng chia rẽ sâu sắc như hiện nay, sự cạnh tranh giữa các cường quốc trở nên quyết liệt hơn, ASEAN vẫn khẳng định được bản sắc riêng của mình. Điều này sẽ là một cơ hội tốt để ASEAN khẳng định một cách vững chắc và toàn diện hơn vai trò trung tâm của mình. Do đó, các quốc gia thành viên cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc xác định vai trò trung tâm của ASEAN một cách thực chất hơn. Có thể thấy, ASEAN đóng “vai trò trung tâm” trong ngoại giao và hợp tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn. Mặc dù phải đối diện với nhiều thách thức, song vai trò trung tâm của ASEAN trở thành yếu tố then chốt định hình tương lai phát triển của ASEAN. Việc Việt Nam và nhiều quốc gia thành viên ASEAN tích cực và chủ động thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN cũng chính là gia tăng khả năng chống chịu bền bỉ cho ASEAN và cho chính mình trong một môi trường quốc tế nhiều bất ổn hiện nay.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ Trần Đắc Lợi cho rằng trong bối cảnh tình tình hòa bình và an ninh thế giới đang diễn biến phức tạp, cạnh trạnh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, áp lực phân tách, phân tuyến từ các cường quốc tác động tiêu cực đến sự đoàn kết của ASEAN, nhất là áp lực “chọn bên”, bên cạnh nỗ lực của các chính phủ, các tổ chức nhân dân Việt Nam trong đó có Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam có vai trò to lớn trong việc thúc đẩy sự thống nhất và đoàn kết khu vực, sự hợp tác, liên kết nội khối góp phần vào tiến trình hợp tác, liên kết ASEAN và giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam  mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, hợp tác của RLS và các bộ ngành, các học giả để tiếp tục đóng góp vào quá trình này /.

Châu Nhật Bình, Phó Tổng thư ký

Một số hình ảnh tại hội thảo