Loạt tín hiệu hiếm thấy khi ông Tập đích thân tiếp cựu lãnh đạo Đài Loan: Tính toán đặc biệt của Bắc Kinh

Theo CNN, Bắc Kinh cũng cố tình dời thời điểm cuộc gặp này trùng với thời điểm hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.

Hiếm hoi và bất thường

Hôm 10/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm với cựu lãnh đạo đảo Đài Loan Mã Anh Cửu.

Theo hãng tin CNN, đây là cuộc gặp hết sức hiếm hoi và bất thường bởi chỉ vài tuần trước đảo Đài Loan (Trung Quốc) vừa bầu tân lãnh đạo Lại Thanh Đức.

Đáng chú ý, ông Lại Thanh Đức là người ủng hộ quan điểm "Đài Loan độc lập", còn ông Mã Anh Cửu ủng hộ quan điểm thắt chặt mối quan hệ hai bờ eo biển.

Loạt tín hiệu hiếm thấy khi ông Tập đích thân tiếp cựu lãnh đạo Đài Loan: Tính toán đặc biệt của Bắc Kinh- Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp ông Mã Anh Cửu tại Bắc Kinh chiều 10/4. Ảnh: Xinhua

CNN cũng cho rằng, đây là cuộc gặp mang tính biểu tượng chính trị sắc nét: Lần đầu tiên một cựu lãnh đạo đảo Đài Loan được lãnh đạo tối cao Trung Quốc tiếp đón tại Bắc Kinh kể từ khi Tưởng Giới Thạch và Quốc dân đảng di chuyển sang Đài Loan vào năm 1949.

Đây cũng là lần gặp lại đầu tiên giữa ông Tập và ông Mã kể từ hội nghị ở Singapore năm 2015.

Tại cuộc gặp ngày 10/4, ông Tập ca ngợi ông Mã vì đã phản đối quan điểm "Đài Loan độc lập".

"Đồng bào hai bờ eo biển Đài Loan đều là người Trung Quốc. Không có mối hận thù nào không thể giải quyết, không có vấn đề nào không thể thảo luận và không có thế lực nào có thể chia cắt chúng ta", ông Tập nói với vị khách của mình.

Đáp lại, ông Mã nói rằng mặc dù hai bên eo biển phát triển theo các bộ máy khác nhau nhưng người dân đều là dân tộc Trung Hoa.

Thông điệp của Trung Quốc

Theo CNN, cuộc gặp giữa hai ông Tập-Mã còn đặc biệt ở điểm: Trùng với một tuần hoạt động ngoại giao sôi động ở Washington, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh Nhật Bản và Philippines.

Những lo ngại chung về sự cứng rắn ngày càng tăng của Trung Quốc, bao gồm vấn đề Đài Loan, là động lực chính của hội nghị thượng đỉnh tại Mỹ.

Một nguồn tin cấp cao của chính quyền Đài Loan nói với CNN rằng, Bắc Kinh đã hoãn cuộc gặp của hai ông Tập-Mã từ 8/4 sang 10/4 để trùng với hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.

Nhà phân tích cấp cao về Trung Quốc của Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG) Amanda Hsiao nhận định, chuyến thăm của ông Mã Anh Cửu nhấn mạnh quan điểm của Bắc Kinh rằng: Đối thoại xuyên eo biển chỉ có thể thực hiện được với những người ở Đài Loan chấp nhận ý tưởng hai bờ eo biển thuộc về "Một Trung Quốc".

Loạt tín hiệu hiếm thấy khi ông Tập đích thân tiếp cựu lãnh đạo Đài Loan: Tính toán đặc biệt của Bắc Kinh- Ảnh 3.

Cuộc gặp của hai ông Tập-Mã trùng thời gian với cuộc gặp của Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Nhật. Ảnh: Reuters

Theo quan sát, ông Mã Anh Cửu - 73 tuổi - thường xuyên qua lại Trung Quốc đại lục trong thời gian gần đây.

Ông Mã là cựu lãnh đạo Đài Loan đầu tiên đặt chân đến Đại lục vào cuối tháng 3 năm ngoái, nhưng khi đó ông không được bất kỳ lãnh đạo nào trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, cơ quan quyền lực cao nhất của Bắc Kinh, tiếp đón.

Giống như lần trước, chuyến thăm năm nay trùng với Lễ Thanh Minh. Theo truyền thống của Trung Quốc, đây là khoảng thời gian để mọi người bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Chuyến thăm cũng diễn ra chỉ vài tuần trước lễ nhậm chức của tân lãnh đạo Đài Loan Lại Thanh Đức vào ngày 20/5.

Theo chuyên gia Hội đồng Atlantic Wen-Ti Sung, một cuộc gặp vào thời điểm này cho phép Bắc Kinh làm nổi bật nguồn gốc văn hóa chung giữa hai bờ eo biển, đồng thời gây áp lực lên chính quyền tiếp theo của Đài Loan.

"Bắc Kinh đang sử dụng cuộc gặp giữa hai ông Tập và Mã để nhấn mạnh độ tin cậy và độ lâu bền của [chính sách] củ cà rốt, rằng Bắc Kinh đối xử tốt với đối phương, dù đương nhiệm hay nghỉ hưu. Nó báo hiệu cho các nhà lãnh đạo chính trị trên khắp thế giới rằng làm, bạn với Bắc Kinh là một khoản đầu tư dài hạn đáng giá", Sung nói.

Cũng theo chuyên gia này, sự đón nhận của Trung Quốc đối với chuyến thăm của ông Mã cũng là một tín hiệu cho đảo Đài Loan và các khu vực khác thấy rằng sự thống nhất hòa bình với Đài Loan thông qua việc giành được trái tim và khối óc vẫn là lựa chọn ưu tiên của Bắc Kinh, ít nhất là vào thời điểm hiện tại, bất chấp căng thẳng xuyên eo biển đang gia tăng.

Và những thước phim được lựa chọn cẩn thận về cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình với ông Mã Anh Cửu, được phát sóng đến với hàng triệu gia đình trên bản tin truyền hình vào khung giờ vàng ở Trung Quốc, cũng là một thông điệp gửi tới công chúng Trung Quốc rằng việc thống nhất Đài Loan vẫn có thể thành hiện thực.

Theo Đời sống Pháp luật