Ngoại giao góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ

Những năm qua, công tác đối ngoại đã đóng góp vào việc thực hiện những mục tiêu lớn của đất nước là giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, thúc đẩy quan hệ với các nước.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định rõ "kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững hòa bình, ổn định" là một trong những nhiệm vụ xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Những năm qua, công tác đối ngoại cũng đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ nêu trên

Gần 5.000km đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với ba nước Trung Quốc, Lào, Campuchia đã gần như hoàn tất phân định cắm mốc. Chủ quyền trên biển cũng được giữ vững, thông qua hợp tác với các đối tác, chủ động dẫn dắt trong ASEAN, hợp tác quốc tế giải quyết vấn đề Biển Đông được tăng cường, tiến trình thảo luận, xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông tiếp tục được thúc đẩy.

Một mặt chúng ta đã tăng cường và mở rộng các hình thức hợp tác với các đối tác ở Biển Đông và ở quốc tế, cùng với đó đã mở được các đàm phán về phân định biển với hầu hết các nước ở Biển Đông. Chúng ta đã kịp thời lên tiếng và có các biện pháp cụ thể trên thực địa, có biện pháp về thông tin và truyền thông, vận động được sự ủng hộ ngày càng lớn, ngày càng thiết thực của quốc tế đối với vấn đề bảo vệ hòa bình, ổn định, hợp tác trên Biển Đông và bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền của ta trên biển" - ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Ngoại giao góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tô sơn lên cột mốc 1369 Việt Nam dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị (Ảnh: TTXVN)

Công tác ngoại giao cũng đã đóng góp vào việc thực hiện những mục tiêu lớn của đất nước đó là giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, thúc đẩy quan hệ với các nước. Những thành công ấy cũng để lại nhiều bài học quý giá.

Ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao cho rằng: "Đó là bài học về đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Thứ hai, quán triệt nghiêm túc tất cả các chỉ đạo, các đường lối của Đảng, Nhà nước, vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo đường lối của Đảng và Nhà nước trên nền tảng là lợi ích quốc gia, dân tộc cao nhất trong việc xử lý tất cả các vấn đề biên giới, lãnh thổ".

Trên mặt trận đó, công tác tuyên truyền đối ngoại cũng góp vai trò hết sức quan trọng, góp phần cùng với đấu tranh trên thực địa và chính trị, ngoại giao bảo vệ vững chắc, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: "Thứ nhất, chúng ta đã nêu rất rõ lập trường của chúng ta về chủ quyền cũng như quan điểm giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước luật biển 1982. Thứ hai, công tác tuyên truyền đối ngoại trong thời gian qua cũng đã tạo được sự đồng thuận rất lớn và sự ủng hộ của người dân trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài. Thông tin đối ngoại cũng đã kịp thời đấu tranh với những vi phạm, những sai trái và vi phạm luật pháp quốc tế".

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, chủ động, tích cực thông qua các cơ chế đa phương, công tác đối ngoại thời gian tới được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ban Thời sự

Nguồn: vtv.vn

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link