Những người nước ngoài khốn khổ ở Singapore

Singapore đã thành công khi xây dựng danh tiếng như một đất nước có thể kinh doanh và nhập cư tương đối dễ dàng, tự do. Nhưng giờ mọi thứ đang dần thay đổi.

 

Ramankutty nỗ lực hòa nhập ở Singapore, nơi anh xem như quê hương thứ hai sau Ấn Độ, nhưng lại "lọt tầm ngắm" của làn sóng bài ngoại lan rộng.

Khi người dùng mạng lưu hành hồ sơ LinkedIn của nhân viên Ấn Độ tại các tổ chức tài chính ở Singapore và cáo buộc họ đánh cắp việc làm, Rindo Ramankutty nhanh chóng chuyển tài khoản sang chế độ riêng tư. Người đàn ông quốc tịch Ấn Độ 36 tuổi này đã sống ở đảo quốc Singapore từ năm 2011. Nhưng gần thập kỷ qua, Ramankutty, nhân viên công nghệ, đã chứng kiến làn sóng bài xích người Ấn Độ trên mạng ngày càng nhiều.

Mặc dù giới chức đã lên án hành vi này, chủ nghĩa bản địa bài ngoại ngày càng trở thành xu hướng chính khi Singapore, quốc gia tham vọng thay thế Hong Kong trở thành trung tâm tài chính châu Á, cân nhắc mức độ mở cửa biên giới. Tại châu Âu hay Mỹ, nơi tranh luận về nhập cư thường xoay quanh nhóm lao động thu nhập thấp và không giấy tờ. Nhưng ở Singapore, lao động có chuyên môn, tay nghề với mức thu nhập trung bình là nhóm đối tượng "lọt tầm ngắm".

Một nhà lập pháp thuộc đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền gần đây chia sẻ "cảm thấy như người nước ngoài ngay tại đất nước mình", khi tới thăm khu thương mại tập trung đông người ngoại quốc. Tháng này, chính phủ bắt đầu mức tăng lương tối thiểu mà các lao động có chuyên môn phải kiếm được để thỏa điều kiện xin visa. Nó cũng kêu gọi các công ty sa thải người không có quốc tịch Singapore trước. Bộ trưởng Thương mại cho biết quốc gia 5,7 triệu dân này chào đón người tài năng, có tay nghề, nhưng giờ tập trung vào "chất lượng hơn số lượng".

Lực lượng lao động bàn giấy ở Singapore chiếm tới 1,7 triệu người, trong đó khoảng 400.000 người có thị thực nước ngoài. Không rõ thay đổi chính sách trên là biện pháp đối phó với nền kinh tế suy thoái hậu đại dịch hay phản ánh sự thay đổi sâu xa hơn.

Hành khách tại sân bay Changi, Singapore hôm 11/9. Ảnh: AFP.

Hành khách tại sân bay Changi, Singapore hôm 11/9. Ảnh: AFP.

Singapore đã thành công khi xây dựng danh tiếng như một đất nước có thể kinh doanh và nhập cư tương đối dễ dàng, tự do. Nhưng giờ mọi thứ đang dần thay đổi.

"Nhu cầu về giấy phép lao động đã giảm xuống mức rất thấp", Gagan Sabharwal, giám đốc cấp cao tại Nasscom, tập đoàn thương mại công nghiệp công nghệ Ấn Độ, nói.

"Tất cả quốc gia trên toàn cầu đều ưu tiên người dân của họ trước", Faiz Modak, quản lý cấp cao của công ty tuyển dụng Robert Walters, nói và thêm rằng việc Singapore siết chặt điều kiện xin thị thực sẽ tác động tới nhiều công việc thuộc lĩnh vực tài chính.

Việc nhiều người Ấn Độ tập trung vào công việc thuộc lĩnh vực tài chính và công nghệ có thu nhập cao ở Singapore cũng trở thành vấn đề gây tranh cãi. Dù một số người châu Âu ở đảo quốc này cũng bày tỏ lo ngại về chủ nghĩa bản địa bài ngoại, sự chú ý lại đổ dồn vào thỏa thuận năm 2015 giữa Singapore và Ấn Độ, trong đó nêu các quy định về hoạt động của lao động chuyên nghiệp. Chính phủ và giới tuyển dụng Singapore nói rằng thỏa thuận không mang tới bất kỳ đặc quyền nào cho người lao động Ấn Độ.

Dữ liệu về quốc tịch của người nước ngoài không được công khai, nhưng nhiều nhà quản lý tài chính Singapore cho biết 57% quản lý cấp cao trong lĩnh vực này là người nước ngoài.

Xu hướng tập trung vào lĩnh vực tài chính của người Ấn Độ "đặc biệt nhạy cảm với người Singaore muốn làm công việc này", theo Sudhir Thomas Vadaketh, nhà bình luận chính trị xã hội, người từng chỉ trích chính sách "phát triển bằng mọi giá" của đảo quốc sư tử. Ông thêm rằng nhiều quốc gia sẽ phải đối mặt với phản ứng gay gắt hơn nếu dân số thuộc tầng lớp trung lưu của họ tương đương với số lượng người nước ngoài sinh sống và làm việc tại nước đó.

DBS, ngân hàng khu vực trong đó Singapore sở hữu cổ phần lớn và có giám đốc điều hành là công dân nhập tịch gốc Ấn Độ, đã bị nghị sĩ đảng đối lập chỉ trích vì không có lãnh đạo là người "bản địa".

Katerina Ang, nhà phân tích của Washington Post, cho rằng phân biệt chủng tộc là một yếu tố đứng sau chủ nghĩa bản địa bài ngoại. Khoảng 49% người Ấn Độ bị phân biệt đối xử trên thị trường thuê nhà, theo khảo sát năm 2019 của YouGov. Tỷ lệ người Singapore thoải mái ý tưởng để công dân nhập tịch gốc Ấn Độ chiếm đa số ở quốc gia này đã giảm từ 51% xuống 44% giai đoạn 2013-2018, theo nghiên cứu của Đại học Quốc gia Singapore. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực do phân biệt chủng tộc không tồn tại ở Singapore.

Covid-19 cũng giáng đòn mạnh hơn vào những người Ấn Độ xa xứ. Hồi tháng 3, Abhishek Gautam, kỹ sư cơ khí 30 tuổi, đang ở Delhi khi biên giới bị đóng cửa. Anh cho biết đơn xin nhập cảnh vào Singapore, nơi anh đã sống 5 năm, đã bị từ chối 25 lần và phải nghỉ việc không lương kể từ đó. Thị thực của Gautam chỉ còn tới tháng 10 và anh không chắc liệu mình có được gia hạn không.

"Công việc ở đây rất tốt, chất lượng cuộc sống rất tuyệt và tôi thực sự muốn quay lại", Gautam nói.

Nhiều người Ấn Độ có hoàn cảnh tương tự đã đăng Twitter nhờ lãnh đạo đất nước can thiệp. Không ít người đã nhận được các bình luận xúc phạm, yêu cầu họ ở lại Ấn Độ để tránh mang nCoV tới Singapore. Hầu hết ca nhiễm "ngoại nhập" gần đây của đảo quốc đều có nguồn gốc Ấn Độ và rất nhiều trong số 57.000 ca nhiễm là lao động nhập cư Đông Nam Á sống trong các ký túc xá.

"Việc nhập cảnh sẽ bị hạn chế để giảm nguy cơ tăng ca nhiễm ngoại nhập và bảo vệ sức khỏe cộng đồng"', người phát ngôn Bộ Lao động Singapore cho biết.

Một số người Singapore tỏ ra bất bình khi nhận thấy người Ấn Độ chỉ xem quốc gia của họ như bàn đạp. "Singapore chỉ như nhà trọ trên đường cao tốc toàn cầu, hay trạm trung chuyển", Xavier Augustin, nhà tư vấn ở thành phố Hyderabad, Ấn Độ, chuyên giúp lao động chuyên môn cao nhập cư vào đảo quốc sư tử. Ông thêm rằng nhóm người này tới Singapore một thời gian để trau dồi kinh nghiệm và tiếp tục hành trình.

Điều này đặt ra nhiều thách thức cho chính phủ Singapore trong quản lý và xây dựng đất nước. "Các thành phố sẽ được hưởng lợi nhờ có cộng đồng dân cư chuyển tiếp có trình độ cao và thậm chí là giới tinh hoa của toàn cầu. Nhưng với tư cách là quốc gia có chủ quyền, chúng tôi cũng cần phải xây dựng cốt lõi của Singapore", Vadaketh, nhà bình luận xã hội chính trị, cho hay.

Thanh Tâm (Theo Washington Post)

Nguồn: VnExpress

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link