Ông Netanyahu sẽ thế nào trước tứ bề áp lực?

Đối mặt với loạt thách thức từ cả trong và ngoài nước liên quan cuộc chiến ở Dải Gaza, liệu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ vượt qua thế nào?

 

Khi chiến tranh càng kéo dài, thương vong dân thường và binh lính càng cao thì áp lực lên nhà lãnh đạo càng lớn. Điều này không ngoại lệ với bất cứ ai, và tất nhiên cũng đúng với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Ông Netanyahu gặp khó trên nhiều mặt trận

Có thể nói thách thức với ông Netanyahu càng nhiều thêm mỗi ngày. Sự ủng hộ ông ở trong nước ngày càng rõ dấu hiệu xói mòn. Ở ngoài nước, sự phản đối với cuộc chiến của Israel cũng ngày càng tăng, theo tờ The Washington Post.

Tuần qua, khi xung đột tròn nửa năm, Israel chứng kiến cuộc biểu tình của hơn 100.000 người yêu cầu ông Netanyahu từ chức. Trước đó, hàng nghìn người tập trung ở các đường phố bên ngoài trụ sở quốc hội Israel ở Jerusalem để phản đối chính phủ và yêu cầu bầu cử sớm trong năm nay thay vì năm 2026 như đúng lịch trình.

Áp lực bủa vây ông Netanyahu
Biểu tình phản đối Thủ tướng Benjamin Netanyahu tại TP Tel Aviv (Israel) hôm 6-4. Ảnh: GETTY IMAGES
 

“Tôi không nghĩ có nhà lãnh đạo nào trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều mặt trận như ông Netanyahu, cả bên trong lẫn bên ngoài” - ông Aviv Bushinsky, cựu cố vấn của Thủ tướng Netanyahu.

Ngày 7-4, công ty dữ liệu Kantar (Israel) đã công bố khảo sát thực hiện trên hơn 600 người trưởng thành Israel cho thấy gần 3/4 người được hỏi muốn ông Netanyahu từ chức. Hơn 2/3 đánh giá rằng ông Netanyahu đang xử lý cuộc chiến ở Gaza một cách tồi tệ. Và gần một nửa muốn tổ chức bầu cử sớm.

Lời kêu gọi bầu cử sớm cũng được ông Benny Gantz - thành viên nội các thời chiến và là lãnh đạo phe đối lập ở Israel - ủng hộ mạnh. Ông Gantz kêu gọi một cuộc bầu cử vào tháng 9 (trước khi đánh dấu một năm cuộc chiến) vì cho rằng bầu cử sớm là cần thiết để duy trì sự đoàn kết trong thời chiến.

Ngay trong liên minh cực hữu của ông Netanyahu, nhiều đồng minh của ông như Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben Gvir và Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich cũng thường xuyên chỉ trích nhà lãnh đạo Israel. Các nhân vật này cho rằng ông Netanyahu do dự trong cuộc chiến chống lại Hamas cũng như trong việc mở rộng các khu định cư của Israel ở Bờ Tây.

Theo The Washington Post, phản ứng của các đồng minh trong chính phủ cực kỳ quan trọng với ông Netanyahu, vì họ có thể khiến chính phủ sụp đổ, thúc đẩy một cuộc bầu cử mới bằng cách rời khỏi liên minh.

Ngoài nước, nhà lãnh đạo Israel phải chịu phản ứng gay gắt từ các đồng minh và cộng đồng quốc tế khi thương vong ở Dải Gaza ngày càng tăng, nhất là sau vụ Israel không kích khiến 7 nhân viên cứu trợ thiệt mạng hồi đầu tháng này.

Ngày 9-4, Tổng thống Mỹ Joe Biden lên tiếng rằng "tôi nghĩ những gì ông ấy [Netanyahu] đang làm là một sai lầm, tôi không đồng ý với cách tiếp cận của ông ấy”. Mỹ trước đó đã cảnh báo rằng sự ủng hộ của nước này dành cho Israel không phải là vô điều kiện. Một đồng minh khác là Anh cũng đang dần mất kiên nhẫn với Israel, khi áp lực trong nước buộc London ngừng cung cấp vũ khí cho Israel đang gia tăng.

Ở phía các đối thủ của Israel, ông Netanyahu đang phải đau đầu với Iran. Từ sau vụ đại sứ quán Iran ở Syria trúng không kích, Tehran đã liên tục đưa ra những lời cảnh báo và đe dọa rằng sẽ “không có đại sứ quán nào của Israel còn an toàn”.

Giải pháp nào cho ông Netanyahu?

Áp lực bủa vây ông Netanyahu
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: THE TIMES OF ISRAEL

 

Trước những áp lực trong ngoài, các chuyên gia cho rằng giải pháp trước mắt cho ông Netanyahu chính là tập trung tìm cách giải cứu các con tin thay vì theo đuổi mục tiêu kép vừa giải cứu con tin vừa giành chiến thắng hoàn toàn trước Hamas như trước đây, theo tờ The Conversasion.

Ngày 10-4, Lực lượng Phòng vệ Israel đã không kích giết chết ba con trai của lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh. Tờ The Jerusalem Post dẫn các nguồn tin cho biết Thủ tướng Netanyahu đã không được thông báo về cuộc tấn công và ông cũng không chấp thuận hoạt động tấn công này.

Thứ nhất, việc tập trung vào vấn đề con tin là mong muốn của người dân Israel, giúp củng cố niềm tin của người dân với giới lãnh đạo. Một cuộc thăm dò ý kiến ​​của ĐH Do Thái (Israel) thực hiện hồi giữa tháng 1 trên 1.373 người trưởng thành Israel cho thấy gần một nửa số người được khảo sát cho rằng ưu tiên chính là con tin.

Bên cạnh đó, các cuộc biểu tình lớn gần đây ở Tel Aviv và Jerusalem cũng cho thấy người dân không hài lòng với cách ông Netanyahu quản lý cuộc chiến.

Thứ hai, giảm cường độ chiến tranh có thể giúp ông Netanyahu xoa dịu các nước đồng minh. Phía Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế liên tục kêu gọi Israel trì hoãn kế hoạch đổ bộ của lực lượng Israel vào TP Rafah (cực nam Dải Gaza) - nơi được xem là thành trì cuối cùng của Hamas và là nơi duy nhất chưa bị Israel tấn công quy mô lớn.

Hiện tại, ông Netanyahu vẫn giữ thái độ kiên quyết với kế hoạch đổ bộ Rafah. Hôm 8-4, nhà lãnh đạo này cho biết đã ấn định ngày tiến hành chiến dịch quân sự tại Rafah nhưng không tiết lộ chi tiết.

Giới phân tích cho rằng phát ngôn của ông Netanyahu về Rafah là nhằm trấn an các đồng minh trong phe cực hữu của ông - những người tuyên bố ông Netanyahu sẽ không thể “tiếp tục giữ chức thủ tướng” nếu không tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn ở Rafah để đánh bại Hamas.

Sau cùng, theo The Conversasion, Israel không nên theo tiếp tục theo đuổi mục tiêu kép vì việc Hamas sụp đổ hoàn toàn sẽ là một tương lai xa vời. Bằng chứng là dù xung đột qua 6 tháng nhưng Israel vẫn chưa thể xác định được tất cả vị trí của Hamas. Ngoài ra, Hamas được cho là đang tập hợp lại lực lượng tại những nơi vốn đã bị tấn công trước đây.

Ông Netanyahu không dễ mất ghế thủ tướng

Tờ The Guardian dẫn nhận định từ nhiều chuyên gia rằng trường hợp của ông Netanyahu tồn tại một nghịch lý: Sự không được lòng dân chính là điều khiến nhà lãnh đạo này khó bị đánh bật khỏi ghế thủ tướng, bởi kết quả thăm dò càng kém thì liên minh cầm quyền sẽ càng đoàn kết hơn để không phải “sớm gặp cử tri”.

Cụ thể, để tổ chức bầu cử sớm, sẽ cần có sự ủng hộ của đa số Knesset (quốc hội Israel). Và trong số của 120 thành viên của Knesset, liên minh cầm quyền chiếm 72 ghế (trong đó đảng Likud của ông Netanyahu nắm giữ 32 ghế).

Như vậy, chỉ có thể bầu cử sớm nếu các đối tác của Netanyahu quyết định từ bỏ ông. Theo các chuyên gia, khả năng này khó xảy ra vì không ai muốn trở thành người lật đổ chính phủ trong thời chiến.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng những lời chỉ trích từ các nước đồng minh dù làm suy yếu vai trò ngoại giao của ông Netanyahu nhưng cũng tạo cơ hội cho ông thể hiện mình như người bảo vệ nỗ lực chiến tranh của Israel.

THẢO VY/Theo PLO